Thứ Hai, 18/06/2012, 07:37 (GMT+7)
.

Người nuôi heo gặp khó

Hệ lụy của việc buôn bán và sử dụng chất tạo nạc Salbutamol trên heo vừa mới tạm lắng thì dịch heo tai xanh tái bùng phát và có nguy cơ lây lan. Theo thống kê của Cục Thú y, cả nước có 8 tỉnh, thành xảy ra dịch và buộc phải công bố. Trong đó, tỉnh Bạc Liêu bị thiệt hại khá nặng nề. Giá heo hơi một thời gian dài không “ngóc đầu” lên nổi thì nay tiếp tục giảm.

CHẤT CẤM, DỊCH BỆNH VÀ ĐỀ CAO CẢNH GIÁC

Thanh tra Sở NN&PTNT cho biết, trong 8 đơn vị bị ngành chức năng tỉnh phát hiện có buôn bán và sử dụng chất tạo nạc Salbutamol thì đến nay UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt một số đơn vị, với số tiền khoảng 200 triệu đồng. Trong đó, Cơ sở Đông Phương và Công ty TNHH thuốc thú y thủy sản Cao Long chưa chấp nhận đóng phạt.

Ông Lê Công Định, Phó chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, Thanh tra Sở sẽ phối hợp với các ngành chức năng tỉnh, huyện tiếp tục kiểm tra các đơn vị và hộ chăn nuôi có buôn bán, sử dụng chất tạo nạc. “Thời gian qua, chất tạo nạc đã tạm lắng nhưng không vì thế mà lơ là” - ông Định nói.

Ảnh hưởng của chất tạo nạc Salbutamol trên heo vừa mới tạm lắng thì dịch heo tai xanh tái bùng phát và có nguy cơ lây lan
Ảnh hưởng của chất tạo nạc Salbutamol trên heo vừa mới tạm lắng thì dịch heo tai xanh tái bùng phát và có nguy cơ lây lan.

Không những chất tạo nạc làm cho người nuôi heo “khốn khổ” mà dịch bệnh cũng gây cho họ không ít khó khăn. Theo ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, bệnh heo tai xanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xuất hiện lẻ tẻ trên các đàn heo của huyện Cai Lậy, Châu Thành; gần đây nhất là huyện Chợ Gạo và đang có khuynh hướng lây lan sang diện rộng.

Chi cục Thú y tỉnh cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do công tác giám sát dịch bệnh của Ban Thú y xã chưa chặt chẽ; một số thú y cơ sở có phát hiện heo bệnh nhưng không báo cáo. Chủ nuôi khai báo chậm hoặc không khai báo. Công tác tiêm phòng vắcxin tai xanh chưa được chủ nuôi quan tâm.

Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh yêu cầu Trạm thú y các huyện, thị, thành tăng cường giám sát dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm, xử lý nhanh ổ dịch. Tổ chức tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn vật nuôi (bệnh lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng) đặc biệt là bệnh heo tai xanh. Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, chú trọng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi…

Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, dịch heo tai xanh xảy ra tại 123 xã, phường, thị trấn của 27 quận, huyện thuộc 11 tỉnh, thành. Hiện nay còn 8 tỉnh, thành có dịch heo tai xanh chưa qua 21 ngày là: Điện Biên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lai Châu, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bạc Liêu và Đồng Nai.

Đánh giá của Cục Thú y thì dịch heo tai xanh năm nay gây thiệt hại nặng nề hơn cho ngành Chăn nuôi khi mà tổng số heo mắc bệnh gấp 2,5 lần, với 33.778 con, số heo tiêu hủy lên tới 21.708 con.
 
NGƯỜI NUÔI CHÂN CHÍNH GẶP KHÓ

Theo các hộ nuôi heo trong tỉnh, chưa có năm nào giá heo lại giảm xuống dưới giá thành và kéo dài như hiện nay. Do đó, nhiều trang trại chăn nuôi heo phải chịu thua lỗ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Một số trang trại phải giảm đàn để hạn chế rủi ro. Song không ít trang trại vẫn tìm cách duy trì đàn với hy vọng sau một thời gian giảm sâu, giá heo sẽ tăng trở lại giúp họ bù lỗ và có lời.

Ông Phan Văn Tiến, ấp Mỹ Thạnh (Hòa Định, Chợ Gạo) cho biết, đầu tháng 3, heo hơi loại tốt có giá 47 ngàn đồng/kg, loại thường từ 40-41 ngàn đồng/kg; nay giá heo loại tốt chỉ còn 37 ngàn đồng/kg, loại thường chỉ bán được  từ 34-35 ngàn đồng/kg.

Ông Tiến bức xúc: “Trước tình trạng dùng chất cấm nuôi heo gây bệnh cho người thì heo ở đây ế cả làng, thậm chí bán rẻ nhưng lái vẫn cứ làm eo không mua”. Theo ông Tiến, hiện giá thành của heo xuất chuồng từ 40-41 ngàn đồng/kg. Với giá heo hiện nay, người nuôi phải chịu lỗ từ 4-7 ngàn đồng/kg. Hiện ông Tiến còn trên 250 con heo thịt sắp xuất chuồng nhưng với giá như vầy thì ông đành phải neo lại.  

Tương tự, chủ trang trại nuôi heo Trương Thị Lệ, ấp Bình Phú (Bình Trưng, Châu Thành) cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Bà Lệ nói: “Từ đầu năm đến nay, giá heo hơi thường xuyên nằm dưới giá thành khiến trang trại của tôi và nhiều trang trại khác thua lỗ không ít. Một số chủ trại không cầm cự được phải giảm đàn hoặc chuyển qua nuôi gia công cho các công ty lớn. Riêng trang trại của tôi nhờ có nguồn vốn dự trữ nên vẫn cố gắng giữ đàn đợi qua thời điểm khó khăn này”.

Người nuôi heo hết gặp khó khăn này đến khó khăn khác. Nếu tình trạng này kéo dài, chủ nuôi sẽ “treo” chuồng vì thua lỗ.

SĨ NGUYÊN

.
.
.