Thứ Ba, 12/06/2012, 14:17 (GMT+7)
.

Thông báo kết luận thanh tra Công ty CP BOO nước Đồng Tâm

Dự án xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO) Nhà máy nước Đồng Tâm và hệ thống chuyển tải ở tỉnh Tiền Giang, công suất 90.000m3/ngày đêm được đầu tư và xây dựng không tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng nên khi dự án hoàn thành (cuối năm 2010) đã không đưa vào khai thác sử dụng được.

Trong thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến vụ việc này và ngành Thanh tra đã vào cuộc để làm sáng tỏ những vấn đề bức xúc mà người dân phản ảnh. Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức họp báo thông tin bước đầu về kết quả thanh tra (ảnh).

Ngày 1-9-2011, Chủ tịch UBND tỉnh có Quyết định 2550/QĐ-UBND về việc “Thanh tra Công ty Cổ phần (CP) BOO nước Đồng Tâm” để làm rõ những phản ảnh của cán bộ và nhân dân chung quanh việc đầu tư xây dựng dự án này.

Qua thanh tra thực tế tại Công ty CP BOO nước Đồng Tâm, qua các tài liệu có được và kết quả làm việc với các tập thể, cá nhân có liên quan cho thấy trong quá trình mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy và hệ thống chuyển tải nước sạch, việc thành lập Công ty CP BOO nước Đồng Tâm và việc mua sắm vật tư thiết bị thi công có những việc chưa phù hợp với quy định.

Đối với Công ty BOO nước Đồng Tâm, việc triển khai thiết kế bản vẽ thi công có thay đổi so với thiết kế cơ sở được phê duyệt trước khi dự án đầu tư được điều chỉnh. Thiết kế bản vẽ thi công được lập không đúng quy định; lập dự toán không căn cứ vào các định mức, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng ban hành.

Thiết kế bản vẽ thi công được triển khai không phù hợp với thiết kế cơ sở nhưng vẫn được thẩm định, phê duyệt. Trong đấu thầu, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu khi chưa xác định được nguồn vốn đã vi phạm khoản 2, điều 98, Luật Xây dựng. Việc thực hiện hình thức “chào giá cạnh tranh” không đúng quy định của Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu; không lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu…

Trong thi công, Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 không thi công đoạn ống HDPE D800 có chiều dài 30m nhưng vẫn thể hiện trên bản vẽ hoàn công và được chủ đầu tư quyết toán; bản vẽ hoàn công không thể hiện đầy đủ việc đóng cừ Larsen, không thể hiện kích thước thực tế so với kích thước thiết kế thi công, mọi sửa đổi so với thiết kế được duyệt không thể hiện trên bản vẽ hoàn công là không đúng quy định.

Việc thi công xây dựng không đúng thiết kế và không thực hiện các khối lượng nhưng vẫn được quyết toán; thi công lắp đặt một số thiết bị không phù hợp với hợp đồng đã được ký kết; việc nghiệm thu, thanh quyết toán khối lượng không đúng với thực tế thi công và sai thiết kế; chủ đầu tư quyết toán thừa so với khối lượng thi công; quyết toán khống chi phí hỗ trợ đền bù tuyến ống băng kinh Chợ Gạo.

Những nội dung vi phạm trong quá trình thi công nêu trên làm chênh lệch giá trị đầu tư thực tế so với quyết toán là 165,8 tỷ đồng.

Chủ trương của Tỉnh ủy và sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc lập dự án xây dựng, mở rộng và nâng cao năng lực hệ thống cấp nước khu vực Gò Công đến năm 2020, công suất 170.000m3/ngày đêm là việc làm cần thiết nhằm huy động nguồn lực, đẩy nhanh việc thực hiện dự án nước sạch về các huyện phía Đông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Hơn nữa, ngày 14-2-2007, Văn phòng Chính phủ có Công văn 891/VPCP-CN thông báo ý kiến của Thủ tướng về việc giao Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang quyết định việc đầu tư dự án này theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, UBND tỉnh đã không triển khai dự án nêu trên mà lại kêu gọi đầu tư để thành lập dự án BOO. Nếu so sánh 2 dự án này sẽ thấy: Vốn đầu tư dự án 170.000m3/ngày đêm có vốn đầu tư (890 tỷ đồng) thấp hơn dự án BOO (1.412,27 tỷ đồng).

Dự án 170.000m3/ngày đêm chia làm 3 giai đoạn đầu tư, trong khi đó dự án BOO chỉ có 1 giai đoạn; chiều dài tuyến ống của dự án 170.000m3/ngày đêm là 130km (nước đến người tiêu dùng), còn dự án BOO chỉ dài 44km (nước chưa đến người tiêu dùng); dự án 170.000m3/ ngày đêm có 2 hệ thống tuyến ống song song (1 tuyến dự phòng), trong khi đó dự án BOO không có tuyến dự phòng.

Nghĩa là dự án 170.000m3/ngày đêm có nhiều ưu điểm, thế nhưng UBND tỉnh lại không chọn dự án này mà chọn dự án BOO dẫn đến những bất lợi cho tỉnh.

Qua thanh tra cho thấy, UBND tỉnh ký Hợp đồng số 41/BB-HĐ-UBND với Công ty CP BOO nước Đồng Tâm có những sai phạm. Đó là hình thức đầu tư BOO không có trong Luật Đầu tư nhưng lại không xin phép Thủ tướng Chính phủ; giá nước quá cao trái với quy định của Bộ Tài chính và khi thực hiện thì người dân khó chấp nhận. Và nếu cung cấp nước đến người tiêu dùng với giá quy định của UBND tỉnh thì ngân sách sẽ phải bù lỗ bình quân mỗi năm 350 tỷ đồng.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ. Hướng giải quyết của tỉnh là tiếp tục điều tra làm rõ những chênh lệch giữa giá trị đầu tư thực và giá trị quyết toán; kiểm điểm những tập thể, cá nhân có liên quan.

UBND tỉnh tiếp tục đàm phán với Công ty CP BOO nước Đồng Tâm để mua lại cổ phần của các nhà đầu tư ở TP. Hồ Chí Minh và tiếp tục duy trì việc tiếp nhận 20.000m3/ngày đêm của công ty như trong thời gian qua.

                                                                                                 L.H
 

.
.
.