Thu hút các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá
Vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết đánh giá chương trình bình ổn giá của Chính phủ. Tại Tiền Giang, ông Dương Minh Điều, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng dự hội nghị.
Lương thực, thực phẩm là những mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá. Nguồn: sggp.org.vn |
Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, những năm qua, các điểm bán hàng bình ổn giá không ngừng tăng lên. Tính đến nay, toàn quốc có 6.400 điểm bán hàng bình ổn giá.
Trong thời gian gần đây, số điểm bán hàng được các doanh nghiệp tham gia chương trình phát triển theo hướng tăng, tập trung cho các huyện ngoại thành, các khu công nghiệp, các chợ truyền thống để tăng khả năng tiếp cận nguồn hàng cho các đối tượng có thu nhập thấp.
Bên cạnh các mặt hàng lương thực, thực phẩm được đưa vào chương trình bình ổn vào những dịp tết, gần đây chương trình còn có thêm nhiều mặt hàng khác như sữa, tập vở học sinh, dược phẩm và thời gian thực hiện chương trình kéo dài gần hết cả năm.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, chương trình cơ bản đã đạt được những mục tiêu đề ra như: Kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp tiếp cận nguồn hàng chất lượng có giá rẻ.
Chương trình không chỉ nhận được sự quan tâm, duy trì của các địa phương mà còn mở rộng từ 17 tỉnh, thành tham gia tăng lên trên 40 tỉnh, thành. Mức giá bán được duy trì ổn định, thấp hơn giá các mặt hàng cùng loại từ 5 - 10%, thậm chí có mặt hàng giảm đến 15%.
Để chương trình phát triển chiều rộng lẫn chiều sâu, Phó Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh cần kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia chương trình, tăng cường công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, vừa đảm bảo nguồn hàng bình ổn giá vừa giảm sự hỗ trợ của Nhà nước.
Mở rộng đối tượng doanh nghiệp tham gia ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau; đồng thời có sơ kết đánh giá, khen thưởng và phê bình các doanh nghiệp làm chưa tốt, chưa đảm bảo chất lượng hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng.
NGÔ TÔNG