Thứ Hai, 23/07/2012, 15:33 (GMT+7)
.

Ngành Thuế thực hiện các giải pháp đảm bảo thu ngân sách năm 2012

6 tháng đầu năm 2012 toàn tỉnh thu ngân sách được 1.063,155 tỷ đồng, chỉ đạt 36,92% kế hoạch năm và bằng 91,37 % so cùng kỳ. Theo đánh giá của giới chuyên môn, khả năng thu ngân sách năm nay sẽ không đạt kế hoạch. Ông Phùng Văn Minh (ảnh), Cục phó Cục Thuế Tiền Giang phân tích thêm:  

Có 7 khoản thu đạt khá (từ 44% đến trên 50%) là: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 44,66%; Doanh nghiệp nhà nước địa phương 44,27%; Thuế thu nhập cá nhân 44,97%; tiền thuê đất 53,22 %; Thuế bảo vệ môi trường 44,96%; thu khác ngân sách 69,17%%; thu cố định tại xã 47,80%.

Còn 8 khoản thu đạt thấp so dự toán năm 2012 là: Doanh nghiệp nhà nước Trung ương 30,51%; Công thương nghiệp - dịch vụ - ngoài quốc doanh 29,58%; thu cấp quyền sử dụng đất 26,33 %; tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước 34,95%; lệ phí trước bạ 36,40%, phí-lệ phí tính cân đối ngân sách 32,87%.

Riêng khoản thu về đất đai (thuế SDĐ phi nông nghiệp) trong 6 tháng đầu năm đang tiến hành triển khai các bước về Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nên chưa thông báo thu.

Có 5 đơn vị  huyện đạt 50% trở lên so dự toán năm 2012 là: Châu Thành 50,41%; Chợ Gạo 51,94%;  Gò Công Tây 54,41%;  Gò Công Đông 56,73%; Tân Phú Đông 69,04%.
Có 6 đơn vị đạt dưới 50% so dự toán năm 2012 là: Khu vực tỉnh 34,02%;  Cái Bè 42,36%; Cai Lậy 48,01%; TX. Gò Công 35,33%; TP. Mỹ Tho 38,83%; Tân Phước 35,53%.
 

Phóng viên: Ông có thể cho biết nguyên nhân chính của việc thất thu và những giải pháp của ngành để  phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu ngân sách năm 2012?
 

Ông Phùng Văn Minh:  Năm 2012 kinh tế đất nước nói chung, Tiền Giang nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào cao, tiêu thụ hàng hóa chậm, sức mua của người dân ở mức thấp, dẫn đến quy mô sản xuất thu hẹp, nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, vỡ nợ, phải ngừng sản xuất hoặc giải thể, phá sản.

Tính đến ngày 30-6-2012  số doanh nghiệp giải thể, phá sản, bỏ trốn, mất tích, ngừng hoạt động có thời hạn và không thời hạn; không kê khai thuế là 325 doanh nghiệp. Từ đó, làm cho số phát sinh về thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thu nhập doanh nghiệp (TNDN) giảm nhiều so cùng kỳ năm trước mà đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Cụ thể:

Nhóm công ty TNHH có 1.367 tờ khai thuế GTGT phát sinh từ tháng 1 đến tháng 5-2012 là: 120,252 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2011 là 1.429 tờ khai thuế GTGT phát sinh 59,857 tỷ đồng; giảm 60,895 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước.

Nhóm công ty cổ phần có 660 tờ khai thuế GTGT phát sinh từ tháng 1 đến tháng 5-2012 là: 35,809 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2011 là 640 tờ khai thuế GTGT phát sinh 41,833 tỷ đồng; giảm 6,024 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước.

Nhóm doanh nghiệp tư nhân có 1.087 tờ khai thuế GTGT phát sinh từ tháng 1 đến tháng 5-2012 là: 42,94 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2011 là 1.186 tờ khai thuế GTGT phát sinh 74,997 tỷ đồng; giảm 32,052 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước.

Riêng 42 doanh nghiệp kinh doanh lương thực trọng điểm của tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2011 nộp ngân sách được 121,082 tỷ đồng nhưng trong 5 tháng đầu năm 2012 chỉ nộp ngân sách được 41,301 tỷ đồng, giảm so cùng kỳ 79,781 tỷ đồng, trong đó có 11 doanh nghiệp nghỉ kinh doanh 5 tháng đầu năm  2011 đã nộp 67,875 tỷ đồng thì 5 tháng đầu năm 2012 chỉ nộp được 3,082 tỷ đồng, giảm 64,793 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: Việc xuất khẩu mặt hàng lương thực còn ở mức thấp nên kéo theo các doanh nghiệp cung ứng hàng xuất khẩu trong tỉnh bị ảnh hưởng, đã làm giảm đáng kể doanh thu và thuế phát sinh.

Lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay nên chiếm dụng vốn lẫn nhau trong thanh toán, chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước.

Thiếu vốn vẫn là vấn đề khó khăn nhất hiện nay của doanh nghiệp. Công trình xây dựng mới từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giảm mạnh đã làm cho ngành Xây dựng gặp nhiều khó khăn, không có doanh thu và cũng không phát sinh số thuế phải nộp.

Căn cứ tình hình thực tế, nhiệm vụ thu NSNN 6 tháng cuối năm 2012 dự kiến thu là 1.512,345 tỷ đồng, ước thu cả năm 2012 là 2.575,500 tỷ đồng, đạt 89,43% so dự toán.

Để đạt chỉ tiêu này, ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Cụ thể: Thực hiện tốt các luật thuế mới: Luật Thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thuế Bảo vệ Môi trường. Tăng cường kiểm tra công tác quản lý kê khai đối với người nộp thuế, kiểm tra các tổ chức, cá nhân thực tế có kinh doanh nhưng không đăng ký kinh doanh và không nộp thuế.

Tập trung thu các khoản nợ được gia hạn từ các năm trước và 6 tháng đầu năm chuyển qua cuối năm. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế; tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp kinh doanh lỗ liên tục, doanh nghiệp hoàn thuế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có số thuế nợ lớn…

PV: Liệu giải pháp chống thất thu có mâu thuẫn với việc thực hiện quy định miễn, giảm thuế theo tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ không, thưa ông?

Ông Phùng Văn Minh: Việc chống thất thu NSNN không mâu thuẫn với việc thực hiện quy định giãn, giảm, gia hạn thuế theo tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ vì việc chống thất thu thuế là giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại, kinh doanh để ngoài sổ sách không kê khai nộp thuế…

Việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ về tài khóa như giãn, giảm, gia hạn thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho người nộp thuế có điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, Nghị quyết 13/NQ-CP cũng đã tác động làm giảm số thu ngân sách nhà nước trên một số phương diện, trong khi đó các tác động lan tỏa của những giải pháp này cần phải có thời gian mới có thể phát huy được. Có thể dự báo mức giảm là: Thuế GTGT của tháng 6-2012 chuyển sang tháng 1-2013 mới nộp số tiền ước khoảng 57,362 tỷ đồng. Giảm 30% thuế TNDN năm 2012 ước khoảng 49,512 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế Tiền Giang, tính đến ngày 11-7-2012, chỉ riêng khối doanh nghiệp, đã  có 24 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền hơn 129 tỷ đồng.

Trong  đó có 10 doanh nghiệp thuộc nhóm kinh doanh lương thực;  có 5 doanh nghiệp đã ngưng hoạt động, gồm ngành sản xuất cầu lông, kinh doanh lương thực và điện thoại di động; 3 doanh nghiệp đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an cũng thuộc nhóm kinh doanh lương thực.

Miễn thuế Môn bài năm 2012 đối với các hộ đánh bắt hải sản và sản xuất muối ước khoảng 205 triệu đồng và thuế TNCN của hộ khoán ước khoảng 220 triệu đồng. Giảm 50% tiền thuế đất phải nộp năm 2012 ước khoảng 4,177 tỷ đồng

PV: Được biết, hiện số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp còn rất lớn, con số này có thể bù đắp phần thiếu hụt trong thu ngân sách năm nay. Xin ông cho biết giải pháp của ngành để có thể thu phần thuế nợ này, khi tình hình sản xuất của các doanh nghiệp hiện vẫn chưa sáng sủa?

Ông Phùng Văn Minh: Tính đến ngày 31-5-2012 tổng số nợ thuế là 290 tỷ đồng, trong đó: nợ khó thu: 88,9 tỷ đồng, nợ chờ xử lý: 2,3 tỷ đồng, nợ có khả năng thu: 199 tỷ đồng.

Các khoản nợ khó thu phần lớn thuộc các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản; toàn bộ tài sản của đơn vị bị ngân hàng kiểm soát, không còn tài sản để thực hiện biện pháp cưỡng chế, không có khả năng nộp thuế.

Mặc dù, Cục Thuế cũng đã báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo và tăng cường công tác phối hợp với các ngành như: Phòng CSKT, Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh, Sở GTVT, Sở Tài nguyên Môi trường, sở KH&ĐT, Kho bạc Nhà nước... nhờ hỗ trợ thu; ban hành các văn bản đề nghị phong tỏa tài sản, thu giữ hóa đơn… nhưng hiệu quả đem lại chưa cao; việc tuân thủ pháp luật thuế của một ít doanh nghiệp chưa được nghiêm túc.

Mặt khác do lãi suất ngân hàng cao hơn tiền phạt chậm nộp và không bị ràng buộc điều kiện vay vốn như ngân hàng nên một số doanh nghiệp đã chấp nhận chịu bị phạt nộp chậm, do vậy dẫn đến số nợ không giảm, thu không bảo đảm tiến độ thực hiện dự toán.

Nguyên nhân tăng số nợ thuế, phần lớn từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lương thực ở khu vực Cai Lậy, Châu Thành bị vỡ nợ, lâm vào tình trạng phá sản, số thuế các tháng trước chưa nộp hết nay lại phát sinh tăng. Tiếp đến, do tình hình kinh tế khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng nên họ chiếm dụng vốn lẫn nhau trong thanh toán, trong đó có tiền thuế của NSNN.

Về các giải pháp thu phần nợ thuế này, ngành sẽ tiến hành phân loại nợ chính xác, thực hiện đúng các chủ trương của Nhà nước đối với các trường hợp được giãn, giảm, gia hạn nộp tiền thuế, tạo điều kiện và hỗ trợ cho người nộp thuế vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với NSNN. Kiên quyết xử lý đối với các hành vi dây dưa, chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước theo quy định, cụ thể:

Áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế như: Trích tiền từ tài khỏan tiền gởi của doanh nghiệp tại các ngân hàng, kê biên tài sản và bán đấu giá tài sản kê biên để thu hồi nợ thuế; đình chỉ sử dụng hóa đơn và mã số thuế; công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thuế…; đề nghị các cơ quan chức năng rút giấy phép kinh doanh, truy tố đối với các tổ chức, cá nhân trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước.

PV: Xin cám ơn ông!

DUY SƠN (thực hiện)

.
.
.