Nhộn nhịp Cảng cá Vàm Láng
Mỗi lần trở lại cảng cá Vàm Láng (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông), tôi càng vui lây với khung cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Dưới sông, hàng trăm ghe, tàu san sát kề nhau. Tàu này chuyển cá lên bờ, tàu kia tiếp nhận nước đá cho chuyến đi biển mới. Chỗ này người khiêng cá từ tàu lên cảng, chỗ kia nhóm lao động khẩn trương phân loại cá chất lên xe đông lạnh.
Thị trấn Vàm Láng có khu cảng cá lớn nhất, nhì tỉnh Tiền Giang. Người dân nơi đây cho biết, ngày nào cũng có cá, tôm cung cấp cho thị trường. Chủ vựa cá, tôm Trần Thị Ngọc, ấp Đôi Ma 2, thị trấn Vàm Láng cho biết, chủng loại hải sản mùa này không nhiều lắm, đa số là các loại: mực, cá mối trắng, cá bạc má, cá lù đù, cá lưỡi trâu… các tàu thường cho vào chung (gọi là cá sô). Về đến vựa thì phân loại ra, cá nào theo cá nấy, sau đó chuyển đến tiêu thụ ở các địa phương khác.
Theo bà Ngọc, hàng cao giá nhất chính là mực. Nhiều loại mực như: Mực nang, mực tua, mực ống, mực lá. Giá tại bến đã hơn 80.000 đồng/kg mực tươi. Để tiết kiệm nước đá, nếu trúng mực ống, mực lá thì bạn tàu tranh thủ xẻ ra phơi trên boong. Có lúc thu được vài trăm ký mực khô thì kiếm cả trăm triệu đồng.
Tàu, thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân Vàm Láng chuẩn bị ra khơi. |
Chiếc ghe cào 70 tấn của anh Võ Văn Ép, thị trấn Vàm Láng vừa về đến cảng và cũng đã nhanh chóng chuyển cá. Sau đó các bạn tàu tất bật chuyển nước đá và nhiên liệu xuống tàu chuẩn bị cho chuyến đi mới. Anh Ép cho biết, chuyến này ghe cào của anh thu được khoảng 700 triệu đồng. Trừ chi phí gồm dầu, nước đá và lương bạn tàu, nhà ghe còn lãi được hơn 100 triệu đồng.
Làng nghề đóng tàu biển ở Vàm Láng cũng phát triển mạnh theo nghề cá. Nhiều cơ sở đóng ghe cào trên sông Soài Rạp nổi tiếng bởi thợ có tay nghề. Hàng trăm ghe cào loại lớn của ngư dân cửa biển sông Soài Rạp được đóng mới ở đây.
Ông Trần Văn Thu, chủ đội ghe Năm Thu 9 đang loay hoay xem công nhân sửa lại chiếc tàu đã xuống cấp. Ông Thu tâm sự: Nghề cào biển của gia đình ông có từ thời ông nội, còn ông theo nghề với cha từ năm 19 tuổi, đến năm 40 tuổi thì mua thêm 3 chiếc nữa, giao lại cho các con ra riêng.
Thời gian gần đây, khi nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, nhiều hộ kinh doanh thủy sản tại đây đã mạnh dạn đầu tư các cơ sở chế biến, sản xuất công nghiệp để vừa làm tăng giá trị hàng hóa, vừa tạo thêm nhiều việc làm cho ngư dân miền biển.
Chủ vựa Trần Thị Thủy trước đây chuyên thu mua hải sản để bán lại cho các nhà máy ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Long An, Cà Mau, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh…, vài năm trở lại đây, chị nới rộng mặt bằng vựa, mua tôm về sơ chế ngay tại chợ Vàm Láng. Nhờ vậy chi phí vận chuyển giảm nhiều, phần phế liệu thu hồi được bán cho các cơ sở chăn nuôi trong vùng.
Chị Trần Thị Trúc ở đây cũng vừa thu mua hải sản, vừa đầu tư đánh bắt xa bờ, vừa xây dựng cơ sở mua bán cá mồi. Với 2 chiếc tàu của gia đình, cùng với việc đầu tư thu mua lại sản phẩm cho hàng chục tàu khác, chị Trúc chủ động nguồn hàng cho cơ sở với gần chục công nhân làm thuê mỗi ngày.
Gò Công Đông hiện có 761 tàu cá, trung bình mỗi tàu từ 7-10 lao động; trong đó, nhiều nhất là thị trấn Vàm Láng 401 chiếc, xã Tân Phước 96 chiếc… Các tàu cá được đầu tư trang thiết bị khá hiện đại, hàng năm mang về đất liền hơn 22 ngàn tấn hải sản các loại. Riêng từ đầu năm 2011 đến nay, sản lượng đánh bắt hải sản của huyện đạt trên 17 ngàn tấn các loại (tăng 1 ngàn tấn so với cùng kỳ năm 2011), tổng giá trị đạt 512 tỷ đồng, vượt kế hoạch. |
Theo UBND thị trấn Vàm Láng, toàn thị trấn hiện có hơn 500 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng và kinh doanh dịch vụ thủy sản. Số phương tiện khai thác thủy sản biển của các ngư dân trong thị trấn là gần 500 tàu, được đầu tư trang thiết bị khá hiện đại, hàng năm mang về đất liền hàng chục ngàn tấn hải sản các loại.
Ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch UBND thị trấn Vàm Láng cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi tìm các nguồn vốn để ưu tiên cho các tổ hợp tác vay vốn nâng cấp tàu cá của mình, trang bị máy thu trực canh cho 30 tàu của 6 tổ hợp tác; tổ chức thông tin, tuyên truyền, phát tờ bướm giúp ngư dân tìm hiểu về pháp luật, về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Chỉ là một thị trấn nhỏ ven biển mà Vàm Láng đã có hầu hết các cơ sở sản xuất, trang thiết bị phục vụ nghề biển, chỉ trừ các loại máy tàu phải nhập từ nước ngoài. Điều này chứng tỏ, Vàm Láng đang giàu lên và ngày càng khẳng định được vị thế của một đô thị biển tương lai.
SĨ NGUYÊN