Cây ca cao bén rễ trên đất Long Hưng
Từ năm 2009 đến nay, Châu Thành có 12 xã tham gia chương trình trồng ca cao xen trong vườn dừa (thuộc Dự án ca cao mở rộng của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh phát động và đầu tư) với tổng diện tích 170 ha của 570 hộ, gồm 100 ngàn cây. Trong đó, Long Hưng là xã trồng nhiều nhất.
Anh Dũng đang chăm sóc ca cao. |
Xã có 150 hộ tham gia, trồng gần 19.000 cây trên diện tích 40 ha. Trong đó có khoảng 15 ha cây cho trái. Người trồng nhiều nhất và hiệu quả nhất phải kể là ông Phạm Văn Sáu (tự Sáu Lạc) ngụ ấp Long Bình A. Trong vườn dừa 1,8 ha, ông trồng xen hơn 1000 cây ca cao hiện đã 3 năm tuổi, cho trái đều.
Ông Sáu cho biết: Hai năm nay ca cao cho thu hoạch, thu từ 6 - 7 tấn trái tươi/năm. Nếu bán trái tươi giá từ 4000 - 6000 đồng /kg thì thu khoảng 30 triệu đồng/năm. Còn bán hột khô giá 52.000 đồng/kg (10 kg tươi = 1 kg khô), dù cực nhưng lời hơn so bán trái tươi . Phơi từ 6-7 nắng mới khô.
Còn anh Nguyễn Văn Dũng, ngụ ấp Long Thạnh A, có 2500 m2 vườn, trồng 300 cây ca cao xen trong vườn sầu riêng. Nhờ tỉa cành tạo tán, chăm sóc, bón phân theo hướng dẫn của dự án, cây ca cao của anh phát triển nhanh. Đến nay cây đã cho trái chiến. Trung bình ½ tháng anh hái 1 lần khoảng 40 kg. “Nếu giá nằm cỡ này thì 1 năm cũng thu hơn 4 triệu đồng. Đến khi trái đều thì thu nhập sẽ cao hơn”- Anh Dũng cho biết.
Anh Trần Hữu Tài, Chủ nhiệm CLB ca cao xã Long Hưng hướng dẫn chúng tôi tham quan các vườn ca cao cho trái (trồng đợt năm 2009) nhận xét: “Cây ca cao tỏ ra thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng của nơi đây; cộng với sự hỗ trợ đắc lực về kỹ thuật của chủ dự án và được nông dân chăm sóc chu đáo, đúng kỹ thuật, cây phát triển rất tốt”. Chủ nhiệm dự án cũng đã có kế hoạch thành lập điểm thu mua ca cao để tiêu thụ hết sản phẩm của nông dân, đảm bảo cho người trồng ca cao có đầu ra và có lãi khá.
ANH TUẤN