Thứ Ba, 31/07/2012, 08:00 (GMT+7)
.

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh: DN còn phải nỗ lực vượt qua khó khăn

Xoay quanh câu chuyện biến động bất thường, trồi sụt của nền kinh tế cùng với gói kích cầu vừa được Chính phủ triển khai, ông Đoàn Thành Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhận định:

Lạm phát đã đổi chiều nhờ hiệu quả của Nghị quyết 11. Điều này là tất yếu khi nguồn tiền trên thị trường không cân với hàng hóa buộc cơ quan quản lý Nhà nước phải xử lý lại thông qua các công cụ điều tiết vĩ mô.

Nhưng đáng lý ra, để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững phải có chính sách điều hành kinh tế vĩ mô một cách xuyên suốt, liên tục để lạm phát đừng xảy ra hoặc chỉ số tăng không đến mức quá cao, mà chỉ ở mức độ vừa phải.

Bởi theo thông tin so sánh với các nước, chỉ số lạm phát ở Việt Nam còn quá nặng nề, trong khi nền kinh tế chưa phải mạnh và bền vững. Khả năng chịu đựng của nền kinh tế còn thấp, lạm phát nặng nên dẫn đến “bệnh nặng” cho các doanh nghiệp.

Thế nhưng qua cơn lạm phát vừa qua đã phát sinh nhiều điều. Đối với doanh nghiệp, giá cả vật tư nguyên liệu, kể cả hàng tiêu dùng thông qua đời sống công nhân bị ảnh hưởng nặng nề làm gia tăng chi phí đầu vào; trong khi đầu ra do thị trường quyết định, không thể muốn tăng là tăng được. Bởi khi lạm phát cao buộc phải hạn chế tiêu dùng để đảm bảo tồn tại, nên sản phẩm khó tiêu thụ, hàng tồn kho cao; trong khi kênh huy động vốn bao giờ cũng thực dương so với chỉ số lạm phát dẫn đến lãi suất cho vay cao.

Cộng gộp các yếu tố lại càng làm cho giá trị đầu vào của sản phẩm tăng thêm, tạo sức nặng tổng hợp đối với các doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng chi phí đầu vào không thể khống chế trong khi lại tắc đầu ra. Các mũi “giáp công” như vậy cứ đánh dồn dập vào làm cho doanh nghiệp hết sức gian nan, ngoại trừ doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh ngắn như dịch vụ.

* Phóng viên: Gói kích cầu của Chính phủ thông qua Nghị quyết 13 sẽ là công cụ hữu hiệu để cứu doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Đoàn Thành Đạt: Sau lạm phát lại xuất hiện dấu hiệu thiểu phát nên Chính phủ mới thực hiện các gói kích cầu. Trước tiên là tháo khoán lại các khoản cho vay đối với các doanh nghiệp, kiềm chế lại tỷ lệ lãi suất. Cái hay lần này là khống chế lãi suất cho vay, dù đây là biện pháp hành chính.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước có lộ trình thực hiện cũng rất hay và cần thiết đối với nền kinh tế. Khi có chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại chưa chịu kéo lãi suất cho vay xuống do phải đợi hoán đổi nợ, nhưng doanh nghiệp đang gặp khó khăn, không có tiền trả nợ, Ngân hàng Nhà nước tiến hành sửa đổi hợp đồng tín dụng, không cần đáo hạn, điều chỉnh ngay lãi suất cho vay dưới 15%/năm.

Thế nhưng, hiện nay có dấu hiệu của thiểu phát. Khi lạm phát xảy ra sức mua bị kiệt quệ, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp bị đình đốn tất yếu sẽ dẫn đến thiểu phát. Điều này nguy hiểm cũng không kém lạm phát. Trước tình thế này, Nhà nước đưa ra các gói kích cầu. Tuy nhiên, nền kinh tế có hấp thụ được các gói kích cầu được không hoặc triển khai quyết liệt quá nhưng tổ chức thực hiện lại không thành công thì hiệu quả sử dụng đồng vốn kích cầu cũng không cao.

Đối với các doanh nghiệp đã bị bệnh dài ngày, bệnh nặng rất khó chịu đựng được. Ngay cả điều kiện hiện nay tốt hơn, chẳng hạn lãi suất cho vay thấp, các doanh nghiệp cũng không thể vay vì đã bị đình đốn trong sản xuất - kinh doanh. Doanh nghiệp không thể nào chèo chống con thuyền lúc mưa lúc bão, bồng bềnh suốt thời gian dài.

Doanh nghiệp còn chịu khó khăn thời gian dài nữa.
Doanh nghiệp còn chịu khó khăn thời gian dài nữa.

Tất nhiên, cũng có một số doanh nghiệp nhẹ được gánh nặng về lãi suất nhưng còn đọng lại một số chuyện xoay quanh vấn đề này. Mặc dù vay ngắn hạn, trung hay dài hạn với lãi suất thấp đi nữa, đến hạn doanh nghiệp cũng phải trả nợ gốc, nhưng lại không có tiền trả.

Thực tế trên địa bàn tỉnh có không ít doanh nghiệp nằm trong diện này, nhất là trong nhóm ngành lương thực mất khả năng chi trả, ngân hàng phải nhào vô ôm tài sản thế chấp buộc lòng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.

*Phóng viên: Như vậy, doanh nghiệp phải mất thời gian dài nữa mới có thể vượt qua khó khăn?

Ông Đoàn Thành Đạt: Tới đây doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, chỉ giảm một phần áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp. Vì qua thời gian bệnh nặng quá phải chờ cơ hội để phục hồi, phải chờ cả thị trường phục hồi. Dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng sau những đợt trồi sụt vừa qua nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, chẳng hạn lĩnh vực xây dựng cơ bản khó trăm bề.

Do cắt giảm đầu tư công, kể cả xem xét lại các dự án đang triển khai xem có hiệu quả hay không hiệu quả nên nhà thầu bị vướng không ít lượng vốn vào các dự án xây dựng dở dang. Doanh nghiệp nào ít công trình càng khỏe, càng nhiều công trình càng mệt. Các nhà thầu đang phải cố gượng để vượt qua.

Thị trường bất động sản còn kéo dài khó khăn qua nhiều năm nữa vì khi trả thị trường bất động sản về giá trị thực mới phát triển bền vững, do thời gian qua thị trường bất động sản không đo lường được giá trị thực. Sẽ có doanh nghiệp bất động sản chết, nợ xấu ngân hàng trong nhóm ngành này chắc chắn sẽ tăng. Bất động sản qua thời kỳ này cũng đau thương lắm nhưng nó cũng là cơ hội để trở về quy luật tất yếu khách quan, làm cho thị trường bất động sản lành mạnh.

Thế nhưng, nền kinh tế thị trường gắn liền với sức cạnh tranh, cung cầu. Nếu doanh nghiệp đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh thì tồn tại. Nếu nhóm doanh nghiệp này gặp khó khăn, Chính phủ nên hà hơi, tiếp sức qua các gói kích cầu. Còn đối với các doanh nghiệp quá yếu kém nên để thị trường sàng lọc, dù sớm hay muộn.

Do thực tế lượng doanh nghiệp mới ra đời thời gian gần đây rất nhiều, bất chấp có vốn nhiều hay ít, hoạt động thực chất thế nào. Qua thời gian khó khăn, cũng là cơ hội sàng lọc và doanh nghiệp đủ sức mạnh dần phục hồi trở lại.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.