Thứ Hai, 16/07/2012, 10:12 (GMT+7)
.

Cuối tháng 9, NHNN tỉnh hoàn tất giảm lãi suất cho vay theo quy định

Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ (NQ 13) về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó yêu cầu các ngân hàng tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Xung quanh vấn đề này, ông Võ Thanh Nhã (ảnh), Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chi nhánh Tiền Giang cho biết:

Sau khi có NQ 13 của Chính phủ và hướng dẫn của NHNN Việt Nam, Chi nhánh NHNN tỉnh Tiền Giang đã triển khai đến tất cả chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Tất cả các ngân hàng đều thống nhất cùng nhau chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN), khách hàng vay vốn, bởi vì sự thành công của DN, khách hàng chính là sự thành công của ngân hàng và ngược lại.

Do đó, kết quả việc giảm lãi suất được thực hiện khá nhanh với khối lượng dư nợ lớn. Cụ thể, đến cuối tháng 4-2012: Dư nợ có lãi suất từ 16% trở xuống chiếm 12,35%/tổng dư nợ thì đến ngày 30-6-2012 con số này lên đến 64,29%/tổng dư nợ (TDN).

Trong đó dư nợ với lãi suất: 13%/năm trở xuống chiếm 13,16%/TDN, 13 - 14%/năm chiếm 7,70%/TDN, 14%- 15%/năm chiếm 8,45%/TDN, 15%-16%/năm chiếm 34,98%/TDN. Ngoài ra dư nợ có lãi suất trên 20% chiếm 11,79% (cuối tháng 4) giảm còn 4,76%/TDN (cuối tháng 6). Dư nợ có lãi suất từ 18% - 20% chiếm 25,59% (cuối tháng 4) giảm còn 11,15% (cuối tháng 6).  Dư nợ có lãi suất từ 16% - 18% chiếm 43,7% (cuối tháng 4) giảm còn 11,7%/TDN (cuối tháng 6). Qua các con số trên cho thấy các Ngân hàng thương mại đã có nhiều cố gắng  thực hiện NQ 13 của Chính phủ.

Về ý kiến cho rằng DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, vấn đề này cần xem xét từ nhiều phía: Trước nhất phải khẳng định rằng vốn rẻ lãi suất 13-14-15%/năm đã đến với DN, khách hàng có vay vốn nên ngân hàng mới có những con số như vừa nêu ở trên.

Bên cạnh đó có những DN nói vẫn khó tiếp cận được vốn ngân hàng, điều này cũng có thật vì những DN, khách hàng đó có thể không hội đủ điều kiện để cho vay như có nợ quá hạn ngân hàng, làm ăn thua lỗ, tồn kho lớn, hàng hóa không bán được, thiếu tài sản thế chấp… thì ngân hàng không cho vay tiếp.

Song để giải quyết một cách thấu đáo, trên tinh thần thực hiện nghiêm túc NQ 13 của Chính phủ, NHNN Chi nhánh Tiền Giang đề nghị Hiệp hội DN, các DN, khách hàng có nhu cầu vốn để sản xuất kinh doanh nhưng không tiếp cận được với nguồn vốn nên gởi hồ sơ về NHNN tỉnh để NHNN tỉnh phối hợp với các Ngân hàng thương mại, Hiệp hội DN, dưới sự chủ trì của UBND tỉnh, ngân hàng sẽ xem xét giải quyết rõ ràng. Không để tình trạng bên cho vay nói dễ, bên vay lại nói khó.

PV: Còn về chủ trương sắp tới của Ngân hàng Nhà nước giải quyết các khoản nợ vay cũ, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN?

Ông Võ Thanh Nhã: NHNN Việt Nam có văn bản 3739/NHNN-CSTT về việc thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng theo chủ trương của Chính phủ tại NQ 13, theo đó yêu cầu các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay nợ cũ xuống bằng mức cho vay mới, nhất là 4 lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động.

Mới đây ngày 7-7-2012, tại hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012, Thống đốc NHNN có chỉ đạo đến ngày 15-7-2012 các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay nợ cũ xuống còn 15%/năm.

Chi phí lãi vay luôn là gánh nặng cho doanh nghiệp. Ảnh: Thái Thiện
Chi phí lãi vay luôn là gánh nặng cho doanh nghiệp. Ảnh: Thái Thiện

Hiện nay NHNN Chi nhánh tỉnh Tiền Giang đang tích cực triển khai các nội dung trên đến các ngân hàng thương mại và dự kiến đến ngày 30-9-2012 cơ bản hoàn thành việc giảm lãi suất theo chỉ đạo của Thống đốc.   

PV:  Ông có thể đánh giá kết quả bước đầu việc thực hiện NQ 13 của Chính phủ trên lĩnh vực tài chính ngân hàng?

Ông Võ Thanh Nhã: NQ 13 của Chính phủ được ban hành kịp thời, đúng đắn, có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, người sản xuất nhằm khôi phục sản xuất.

Cụ thể, chính sách tiền tệ chặt chẽ đã góp phần chống lạm phát năm 2012 dưới 2 con số, lãi suất giảm nhanh hơn dự kiến.

Chính sách cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay nợ cũ, quy định khung lãi suất cho vay 4 nhóm đối tượng nêu trên đã giúp cho DN, khách hàng có thêm điều kiện vượt qua khó khăn, những ngành nghề sản xuất chính của quốc gia được ưu tiên giải quyết trước, giữ vững và ổn định kinh tế vĩ mô, không để xảy ra những đột biến về giá cả, đầu cơ.

Chính sách tiền tệ quốc gia cũng có phần tạo điều kiện tự chủ cho ngân hàng thương mại như lãi suất huy động từ 12 tháng trở lên, lãi suất cho vay trung, dài hạn đều do ngân hàng thương mại quyết định, trên cơ sở đó tính toán lại thu nhập hợp lý.

Ngoài ra, thông qua tác động của kinh tế thị trường, nhất là thời kỳ khủng hoảng thì DN, khách hàng tất yếu có phá sản, giải thể và ngân hàng cũng không thoát khỏi cơ chế nói trên. Hệ thống ngân hàng thương mại cũng đang gặp không ít khó khăn, phải tái cơ cấu lại mình để tồn tại và phát triển bền vững hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

DUY SƠN (thực hiện)

.
.
.