Để hoạt động khai thác hải sản hiệu quả hơn
Những tháng đầu năm 2012, điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho hoạt động đánh bắt hải sản, cộng với ý thức đoàn kết sản xuất, giá hải sản tăng nên đa phần các chuyến biển của ngư dân đều có lãi. Tuy nhiên, do chi phí chuyến biển ngày càng tăng cao, cơ sở vật chất, dịch vụ hậu cần nghề cá còn nhiều bất cập nên hiệu quả hoạt động khai thác hải sản của ngư dân chưa như mong muốn.
Tổ chức và hỗ trợ phương tiện đánh bắt
Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có 1.362 tàu khai thác hải sản, trong đó số lượng tàu đánh bắt vùng khơi (lớn hơn 90 Cv) là 808 tàu, số phương tiện đánh bắt vùng biển ven bờ và vùng lộng (nhỏ hơn 90 Cv) là 554 tàu. Điều đáng chú ý, trong số này có đến 181 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên biển của ngư dân, từ đó giúp giảm đáng kể chi phí xăng dầu do không phải vào bờ bán cá như trước đây.
Cảng cá Mỹ Tho, đầu mối dịch vụ hải sản. |
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản cùng với các cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể địa phương đã vận động thành lập được 2 tổ hợp tác khai thác hải sản trên biển, đưa số tổ hợp tác khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh lên 8 tổ (chủ yếu ở huyện Gò Công Đông) với 42 phương tiện và 225 lao động tham gia. Ngoài ra, tỉnh còn có 53 tổ đoàn kết sản xuất trên biển (TP. Mỹ Tho và huyện Gò Công Đông) hình thành tự phát theo kiểu thoả thuận miệng với 450 phương tiện và 4.114 lao động tham gia.
Ông Huỳnh Hữu Trí, Chi Cục phó Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho biết, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác hải sản của các tàu cá trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 40.400 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Từ những lợi thế riêng của tỉnh, cùng với giá hải sản tăng từ 1.000 – 30.000 đồng/kg (tùy loại) so với cùng kỳ năm ngoái, nên những đợt tăng giá xăng dầu trong những tháng đầu năm không ảnh hưởng nhiều đến ngư dân.
Bằng chứng là các đội tàu khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động bình thường, không có tình trạng tàu cá nằm bờ, đa phần các tàu hoạt động đều có lãi trong mỗi chuyến đi biển (dao động từ 10-20 triệu đồng/tàu).
Một số khó khăn cần tháo gỡ
Bên cạnh những thuận lợi cho hoạt động đánh bắt trên biển của ngư dân, nghề khai thác hải sản ở Tiền Giang vẫn còn một số bất cập mà nếu giải quyết được những khó khăn này thì hiệu quả hoạt động khai thác hải sản sẽ cao hơn, góp phần phát triển bền vững nghề này trong tương lai.
Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, hiện nay đội ngũ thuyền viên có tay nghề (kinh nghiệm) không đủ phục vụ cho hoạt động khai thác hải sản trên biển của các tàu cá. Điều này dẫn đến tình trạng một số thuyền viên “làm eo”, lừa gạt chủ tàu (thuyền viên xin ứng tiền trước rồi bỏ tàu), thiếu thuyền viên cần thiết cho hoạt động khai thác của tàu cá, không khai thác hết công suất của tàu cá, từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động.
Ngư dân chưa tiếp cận, khai thác hết các tính năng của các trang thiết bị hỗ trợ khai thác hải sản trên biển như máy dò ngang, dẫn đến hiệu quả đánh bắt chưa cao. Ngư dân cũng chưa mạnh dạn ứng dụng các giải pháp công nghệ cao trong hoạt động sản xuất (như việc sử dụng đèn LED thay cho các bóng đèn sợi tóc…) do chưa thấy được hiệu quả đánh bắt, trong khi chi phí đầu tư quá đắt.
Chính sách hỗ trợ sau thu hoạch còn nhiều bất cập, đặc biệt là quy định trang thiết bị đầu tư phải có ít nhất 70% nội địa, trong khi thiết bị sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ về số lượng so với nhu cầu của ngư dân. Chính vì vậy, đến nay ngư dân vẫn chưa thụ hưởng được những lợi ích từ chính sách hỗ trợ khai thác thủy sản của nhà nước.
Ngoài ra, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đảm bảo, cảng cá chật hẹp, các cơ sở đóng tàu theo kinh nghiệm dân gian, tình trạng nậu vựa ép giá ngư dân vẫn còn phổ biến.
Từ thực tế hoạt động đánh bắt và tiêu thụ hải sản, ông Huỳnh Hữu Trí kiến nghị Chính phủ cần xem xét, điều chỉnh điều kiện hỗ trợ ngư dân trong chính sách hỗ trợ sau thu hoạch sao cho phù hợp; đồng thời có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kho lạnh, kho bảo quản nước đá, sản phẩm thủy sản,… phục vụ khai thác thủy sản.
Bên cạnh đó, đầu tư kinh phí xây dựng, mở rộng cảng cá phục vụ cho việc thu mua, vận chuyển các sản phẩm hải sản được thuận lợi. Tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí để các doanh nghiệp, cơ quan khuyến ngư triển khai các mô hình thí điểm về áp dụng công nghệ cao trong hoạt động khai thác hải sản để ngư dân được thấy tận mắt, mạnh dạn áp dụng để nâng cao hiệu quả sản xuất trên biển.
THÀNH CÔNG