GAP muốn thắng phải gắn được “2 nhà”!
Tiền Giang hiện có gần chục mô hình GAP (Global GAP, Viet GAP, SQF…) với những thành quả khởi đầu không kém phần vang dội. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì để các mô hình này “tồn tại và phát triển” thì cần sự đồng lòng mang tính chiến lược, lâu dài giữa 4 nhà - trong đó quan trọng nhất là gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà nông.
Khởi sự “làm ruộng kiểu quốc tế”: Lời khá
Vào tháng 8-2008, lần đầu tiên 15 hộ nông dân HTX Mỹ Thành (Mỹ Thành Nam, Cai Lậy) với 11,4 ha lúa đạt chuẩn Global GAP sau khi trải qua 2 lần sát hạch, đánh giá, thỏa mãn hơn 140 điều kiện trong tổng số 238 điều kiện khá là ngặt nghèo theo yêu cầu của GAP.
Bù lại, Công ty ADC cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm, đảm bảo nông dân có lãi cao hơn 20% so với lúa cùng loại ngoài thị trường (bấy giờ toàn bộ lúa thành phẩm được công ty mua với giá gần 6.000 đồng/kg, trong khi ở thời điểm đó, lúa gạo tại ĐBSCL đang ế ẩm, nông dân khắp nơi bán lúa với giá chỉ trên dưới 4.000 đồng/kg).
Rồi từ đó hạt gạo Global GAP mang nhãn hiệu “Tứ Quý” sạch, an toàn, giá trị cao đã góp mặt thị trường và tiếp sau đó là tới trái cây, cá tra... trong tỉnh hồ hởi đi theo phong trào này.
Tổ hợp tác chôm chôm Tân Phong đạt tiêu chuẩn Viet GAP. Ảnh: Sĩ Nguyên |
Từ kết quả ở Mỹ Thành Nam, nếu nói “thành công vang dội” cũng không quá, bởi bấy giờ chương trình sản xuất lúa GAP của HTX Mỹ Thành đã được Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) quan tâm, một số doanh nghiệp nước ngoài chuyên kinh doanh lương thực, thực phẩm sạch cũng sang để tìm hiểu, còn trong nước thì mô hình này đã nhanh chóng lan tỏa ra các tỉnh Tây Nam bộ như: An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, TP. Cần Thơ…
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cũng “vào cuộc” xây dựng tiêu chuẩn Viet GAP cho riêng cây lúa để tổ chức sản xuất GAP lâu dài.
“Sượng” lại do giá cả cào bằng
Sau thành công ban đầu, những năm gần đây, do nhiều lý do, các mô hình GAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - Good Agricultural Practices) chỉ dừng ở mức độ…mô hình, chưa nhân rộng thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa đủ sức đáp ứng thị trường nước ngoài - nhất là sản phẩm trái cây đặc sản…
Vấn đề này mới đây lại được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp lần thứ 4 - HĐND tỉnh khóa VIII. Trong đó có nhiều ý kiến kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo lĩnh vực này một cách toàn diện hơn, có lộ trình rõ để “GAP” sớm chuyển từ dạng “mô hình” sang “vùng chuyên canh lớn”.
Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, muốn phát triển nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững thì mũi nhọn hàng đầu phải là “thực hành sản xuất nông nghiệp tốt” và 5 năm nay Tiền Giang đã kiên trì gỡ khó để đi theo định hướng này, cũng là nhằm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, an toàn cho người lao động, an toàn cho môi trường, tạo “giấy thông hành ưu tiên” thoải mái đi đến các thị trường khó tính ở nước ngoài.
Ngoài thành công của HTX Mỹ Thành đã “mở màn” cho hướng đi mới, đến nay toàn tỉnh có tất cả 9 mô hình với hàng trăm ha đã đạt các chứng nhận GAP, đó là: Global GAP cho sản phẩm lúa Mỹ Thành, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành), chứng nhận SQF 1000CM (Safe Quality Food - Thực phẩm an toàn và chất lượng) cho cá tra nuôi ở xã Hòa Hưng (Cái Bè), Viet GAP cho sản phẩm khóm Tân Lập (Tân Phước), nhãn Nhị Quí, chôm chôm Tân Phong (Cai Lậy), sơ ri Gò Công, thanh long Quơn Long (Chợ Gạo), xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè). Nhiều sản phẩm “GAP” đã góp mặt tại các thị trường cao cấp như: Nhật, Mỹ, Canada, Anh...
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy một số bất cập đã phát sinh như việc áp dụng quy trình GAP tốn nhiều chi phí và công sức hơn nhưng hiện nay thị trường vẫn đánh đồng về chất lượng và “cào bằng” về giá giữa sản phẩm sản xuất thường và sản phẩm sản xuất theo GAP.
Đó là chưa kể phần lớn các mô hình này làm theo dạng đề tài có nhiều chủ thể tham gia như viện, trường và một số đơn vị trong tỉnh, chủ yếu là từ nguồn vốn khoa học công nghệ, chưa tập trung về cơ quan đầu mối quản lý ngành (Nông nghiệp) là các yếu tố khiến các mô hình GAP chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Ngoài ra, qua thực tế, do các sản phẩm của quá trình canh tác theo GAP không hề sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng “muôn hình vạn trạng” (độc hại) để tạo hình thức “bắt mắt” nên cũng khó thu hút sự chú ý của người tiêu dùng; nhất là hiện nay các nông sản “GAP” chưa được phổ biến rộng rãi, chưa có tiêu chuẩn cụ thể để người tiêu dùng có thể phân biệt giữa nông sản sạch với các sản phẩm thông thường.
Cần kết nối lâu dài về giá giữa “2 nhà”
Theo Sở NN&PTNT, để các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP phát triển bền vững và đạt hiệu quả thật sự trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các chính sách theo Quyết định 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như ngân sách bỏ ra 100% kinh phí điều tra cơ bản (đất, nước, không khí…) xác định vùng có thể áp dụng Viet GAP, hỗ trợ 50% kinh phí làm đường giao thông, thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp - thoát nước, đào tạo cán bộ quản lý, kỹ thuật, hỗ trợ (một lần) kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn…
Cùng với hàng loạt chuyện phải làm thì điều kiện tiên quyết cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP là phải có đầu ra cho sản phẩm với giá cả hợp lý vì không thể để người nông dân chịu thiệt khi đầu tư sản xuất cao hơn, kỹ thuật cao hơn và cho sản phẩm chất lượng tốt hơn, sạch và an toàn hơn mà lại bán bằng giá với sản phẩm thường.
Mặt khác đơn vị thực hiện phải tuân thủ theo quy trình GAP thì mới được hỗ trợ, diện tích phải lớn để có đủ sản phẩm cung ứng, khắc phục kiểu làm “mô hình”, “đề tài” như hiện nay; đồng thời cần phải có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị để nâng nhận thức của người dân đối với việc tiêu dùng sản phẩm theo GAP, chấp nhận giá “cao hơn một chút” để có được sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Làm được điều này sẽ tạo “động lực” để nhà sản xuất yên tâm, mạnh dạn mở rộng diện tích theo mô hình này…
PHÙNG QUỐC ANH