Thứ Sáu, 13/07/2012, 11:51 (GMT+7)
.

Giá cả thực phẩm - nghịch lý chưa có lời giải

Dù giá nhiều loại nguyên liệu đã giảm khá mạnh từ hơn một tháng nay nhưng giá thực phẩm trên thị trường vẫn chưa giảm, thậm chí giá một số mặt hàng còn bị đẩy lên. Đó là nghịch lý chưa có lời giải thỏa đáng.

Hàng hóa “neo” giá

Theo Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6-2012 giảm nhẹ so với tháng trước là 0,16%, trong đó nhóm thực phẩm giảm 0,82%. Mặc dù vậy, trên thị trường nhiều mặt hàng thuộc nhóm ngành này vẫn tăng giá hoặc giữ giá ở mức cao.

Qua khảo sát tại một số chợ trên địa bàn TP. Mỹ Tho như: Thạnh Trị, Mỹ Tho, chợ Cũ… giá thịt heo và thịt gà công nghiệp giảm nhiều nhất so với hồi đầu năm nhưng vẫn ở mức cao. Mỗi kg thịt heo hiện có giá  từ 90.000 - 110.000 đồng, tùy loại. Giá gà công nghiệp từ 40.000 - 42.000 đồng/kg.

Trong khi đó, nhiều loại thực phẩm nguyên liệu đầu nguồn đang giảm khá mạnh. Giá heo hơi tại các trại chăn nuôi hiện nay chỉ còn khoảng 38.000 đồng/kg (heo xấu); từ 40.000 - 42.000 đồng/kg (heo tốt), giảm thêm 2.000 đồng/kg so với tháng trước (so với đầu năm đã giảm hơn 10.000 đồng/kg).

Theo giới kinh doanh, nhiều khả năng giá heo hơi sẽ còn tiếp tục giảm mạnh do dịch bệnh tai xanh đang hoành hành trở lại nên người chăn nuôi phải bán tháo. Tương tự, giá gà tại các trại chăn nuôi tiếp tục giảm thêm 2.000 đồng/kg, còn 30.000 đồng/kg (gà công nghiệp), 35.000 đồng/kg (gà tam hoàng). Người nuôi heo, gà đang lỗ khoảng 2.000 đồng/kg...

Dù giá heo hơi giảm mạnh nhưng giá thịt heo bán lẻ tại các chợ trên địa bàn TP. Mỹ Tho vẫn đứng ở mức cao.
Dù giá heo hơi giảm mạnh nhưng giá thịt heo bán lẻ tại các chợ trên địa bàn TP. Mỹ Tho vẫn đứng ở mức cao.

Đối với các loại thực phẩm khác như thịt bò, gà… hiện vẫn “neo” ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Mỗi kg thịt bò tại các chợ vẫn giữ giá bán tương đương dịp Tết Nguyên đán,  hiện từ 170.000 - 240.000 đồng/kg tùy loại. Theo các chủ cửa hàng kinh doanh thịt bò trên đường Ấp Bắc, thịt bò đứng ở mức giá này khiến sức mua rất chậm.

Theo một số tiểu thương kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống ở chợ Thạnh Trị và chợ Mỹ Tho, hầu hết các mặt hàng tươi sống đều vẫn giữ giá so với cuối tháng trước như tôm có giá bán từ 100.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại; cá điêu hồng, cá hú khoảng 40.000 đồng/kg và một số mặt hàng như cá thu cũng đã tăng thêm 5.000 đồng/kg…

Riêng giá cả một số hàng hóa tại các siêu thị như: Vinatex Mart Mỹ Tho, Co.op Mart Mỹ Tho vẫn ổn định chứ không giảm. Theo các siêu thị thì vẫn chưa nhận được thông báo điều chỉnh giảm giá nào từ phía nhà cung cấp hàng hóa. Điều này được đại diện các siêu thị lý giải là do tâm lý các doanh nghiệp, nếu điều chỉnh giảm sau đó sẽ rất khó tăng giá nên họ chỉ áp dụng chương trình khuyến mãi.

Còn theo nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm khác cũng giải thích do sức mua quá yếu (sức tiêu thụ nhiều mặt hàng đã giảm từ 20%-30% so với cùng kỳ năm ngoái) nên doanh nghiệp không dám giảm giá. Nếu giảm giá, sức tiêu thụ chưa chắc tăng, doanh nghiệp sẽ không còn lời do chi phí cao.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Chị Phan Cao Thùy (ở phường 5, TP. Mỹ Tho) cho biết, theo thông tin có nhiều mặt hàng giảm giá, nhưng thực tế đi chợ hàng ngày giá vẫn ở mức cao. Chẳng hạn, trước đây mua vắt me 2.000 đồng là đủ nấu nồi canh chua cho cả nhà 3 người ăn thì nay phải bỏ ra thêm 1.000 đồng mới đủ; hay hành, ớt giờ cũng đắt, không còn được người bán dễ dãi cho thêm như trước mà phải bỏ ra cả 1.000 đồng để mua. Nếu như tháng trước tiền chợ cả ngày cho cả 3 người ăn tốn khoảng 100 ngàn đồng, thì nay phải chi thêm từ 5.000 - 10.000 đồng mới đủ chi tiêu cho các bữa ăn của gia đình.

Không chỉ có các bà nội trợ lo lắng với giá hàng hóa lên nhưng chẳng chịu xuống mà giới lao động phổ thông như công nhân cũng đang là đối tượng gánh chịu sự nghịch lý này.

Chị Tuyết Vân, công nhân Công ty TNHH giày da Vĩnh Thái (phường 5, TP. Mỹ Tho) cho biết: “Khi giá xăng, giá gas tăng thì giá hàng hóa khác cũng tăng theo. Hiện giá các mặt hàng này đã giảm nhưng hàng hóa, nhất là thực phẩm vẫn không giảm mà ngược lại còn tăng. Cách đây một tuần tô hủ tiếu bình dân 10.000 đồng, vậy mà mới sáng nay ra ăn bà chủ quán lại tăng thêm 2.000 đồng. Cứ đà này thì công nhân có làm mãi cũng không thể tiết kiệm được đồng nào”.

Từ thông tin của chị Tuyết Vân, chúng tôi đã khảo sát giá cả ở một số hàng quán ăn uống và thực tế giá của một số thức ăn như: Phở, hủ tiếu, bún bò… đang ở mức cao ngất ngưởng. Cụ thể, một tô phở hiện có giá từ 16.000 - 35.000 đồng; hủ tiếu 18.000 - 20.000 đồng/tô; bún bò từ 25.000 - 35.000 đồng/tô…

Theo một số chủ quán ăn, sở dĩ không thể giảm các loại thức ăn là do nguyên vật liệu chế biến lấy từ các chợ không hề giảm, do đó muốn giảm giá các món ăn thì không thể có lời. Theo cách lý giải này thì người bị “móc túi” vẫn là người tiêu dùng.

Như vậy, yếu tố giảm giá đồng bộ không diễn ra theo kỳ vọng của người dân. Các đơn vị kinh doanh dè chừng, trông chờ, đùn đẩy nhau giảm giá; nhưng không ai thực tâm chấp nhận hạ giá bán, mặc dù giá xăng hay nhiều nguyên liệu khác liên tục giảm. Chỉ có người dân phải gánh chịu mọi chi phí tiêu dùng, trong khi quyền lợi “chảy vào túi” người khác mà không biết đến bao giờ mới được bảo vệ từ các ngành chức năng…

PHƯƠNG NGHI

.
.
.