Thứ Hai, 16/07/2012, 10:13 (GMT+7)
.

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ phát triển cây ăn trái đặc sản

Tiền Giang có diện tích trồng cây ăn trái hơn 65.000 ha, với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều loại trái cây đặc sản có giá trị cao, hương vị thơm ngon, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng như: Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, sơ ri Gò Công, khóm Tân Lập, thanh long Chợ Gạo...

Tùy thuộc vào điều kiện nông hóa, thổ nhưỡng của các tiểu vùng sinh thái của tỉnh và đặc điểm của từng loại cây, các loại cây ăn trái đặc sản được trồng tập trung với quy mô từ 300 - 4.000 ha. Tuy nhiên, diện tích từng nông hộ nhỏ lẻ (từ 0,2 - 3,4 ha), kỹ thuật canh tác, thu hoạch, sau thu hoạch, bảo vệ thực vật không thống nhất nên chất lượng thấp, thu hoạch không đồng loạt, từ đó giá bán thấp hoặc chưa đạt các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu và đề xuất “Chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện một số loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh”.

Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ ứng dụng đồng bộ các thành tựu khoa học công nghệ tạo sự chuyển biến về năng suất, sản lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu trên một số loại cây ăn trái đặc sản.

Quá trình thực hiện cũng hướng tới hình thành, phát triển quan hệ sản xuất mới, phong cách sản xuất mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân trong vùng dự án.

Chương trình được triển khai trên toàn tỉnh từ năm 2006 đến nay cho 4 loại trái cây: Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sơ ri Gò Công, khóm Tân Lập và xoài cát Hòa Lộc. Với nội dung chương trình phù hợp, dễ ứng dụng cho các đối tượng cây trồng ở các vùng sản xuất khác nhau trên cả nước và các đối tượng vật nuôi ở các vùng chăn nuôi tập trung.

Để thực hiện chương trình, ông Châu cùng đồng sự xác định vùng và mở rộng diện tích chuyên canh, dựa trên đặc điểm sinh học của từng loại cây ăn trái, điều kiện đất đai, thổ nhưỡng phù hợp và yêu cầu của thị trường.

Từ đó, chương trình tiến hành ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đưa kết quả các đề tài đã nghiệm thu vào ứng dụng trong thực tế sản xuất và đề xuất các đề tài mới, nhằm nâng cao hiệu quả cho từng loại cây ăn trái.

Chương trình tập trung vào các nội dung như: Chọn tạo giống đạt chất lượng; kỹ thuật, quy cách trồng, chăm sóc; kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, ra hoa trái vụ, rải vụ; bao trái trước khi thu hoạch; công nghệ bảo quản, tồn trữ; công nghệ chế biến, thử nghiệm chế biến một số sản phẩm mới; kỹ thuật trẻ hóa vườn cây; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng liều lượng, đúng bệnh và hướng mạnh vào sử dụng các chế phẩm sinh học; tập huấn, hướng dẫn xây dựng các mô hình áp dụng tiêu chuẩn GAP, từ đó nhân rộng ra vùng lân cận, tiến tới áp dụng GAP cho toàn vùng quy hoạch.

Ngoài ra, còn tiếp thị, quảng bá thu mua, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm như: Hỗ trợ xây dựng mới hợp tác xã cho từng loại trái cây (hoặc nâng chất lượng các hợp tác xã đã có). Từ đó, thực hiện các nhiệm vụ của hợp tác xã trong thu mua theo cam kết; đầu mối bán; nơi tập hợp để hướng dẫn kỹ thuật cho người sản xuất; cung cấp vật tư nông nghiệp; cung cấp thông tin khoa học công nghệ, thông tin thị trường; đầu mối tập hợp tập huấn áp dụng tiêu chuẩn GAP...

Nhờ chương trình, người dân trong vùng dự án có ý thức tốt hơn về vai trò của từng cá nhân trong vùng sản xuất mang tính cộng đồng cao, đặc biệt cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ sức khỏe, đảm bảo môi trường cho chính bản thân mình và cộng đồng xung quanh qua việc áp dụng các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn GAP (VietGAP hoặc GlobalGAP).

Người dân nắm vững kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật, công nghệ trước và sau thu hoạch..., từ đó năng suất được nâng lên, chất lượng sản phẩm đảm bảo, hình thức được cải thiện, sản phẩm bán ra thị trường giá cao hơn.

Qua triển khai thực hiện chương trình sẽ là cơ sở để tỉnh rút kinh nghiệm, triển khai thực hiện các “vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” sắp tới theo chủ trương của Bộ NN&PTNT và Bộ Khoa học - Công nghệ.

MỘNG THƯỜNG

.
.
.