Thứ Hai, 16/07/2012, 13:17 (GMT+7)
.

Kiến nghị nâng mức trần chi phí quảng cáo lên 20%

Hơn 10 năm nay, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam bức xúc và bày tỏ nhiều ý kiến về việc thay đổi hoặc bãi bỏ trần chi phí quảng cáo, song đến nay việc xóa bỏ hoặc nới trần vẫn chưa có gì thay đổi. Mục tiêu xóa bỏ việc khống chế trần chi phí quảng cáo, khuyến mại có lẽ là chặng đường khá dài.

Hạn chế chi phí quảng cáo đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong hội nhập và cạnh tranh.
Hạn chế chi phí quảng cáo đang gây nhiều khó khăn cho DN trong hội nhập và cạnh tranh.

Vì vậy, trong lúc chờ văn bản pháp luật được sửa đổi thì Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài chính nên xem xét để nâng mức trần lên 20% cho tất cả DN chứ không phải chỉ các DN mới như trong quy định trước đây.

Đó cũng là ý kiến chung của các diễn giả, các DN tại hội thảo “Đánh giá tác động quy định khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại của DN” diễn ra ngày 11-7 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức.

Trần chi phí quảng cáo: Một mình một chợ

Quảng cáo là một phương tiện hỗ trợ đắc lực cho cạnh tranh. Mục đích của quảng cáo nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng, thuyết phục họ về những lợi ích, sự hấp dẫn của sản phẩm. Và để sản phẩm tiếp cận tới người tiêu dùng, cách thức hiệu quả nhất là quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Vì thế, quảng cáo luôn đồng hành với sự tồn tại và phát triển của DN.

Trên thế giới, việc khống chế mức trần quảng cáo và thương mại đã bị xóa bỏ. Trong khi đó, quy định khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại tại Việt Nam quy định là 7% và được nâng lên 10% tổng số chi phí áp dụng đối với DN đang hoạt động và 15% tổng chi phí đối với DN thành lập mới trong 3 năm đầu.

Như vậy, quy định khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại tại Việt Nam là quy định khá khắc nghiệt. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, với việc khống chế tỉ lệ chi phí quảng cáo như nêu trên, Việt Nam vẫn “một mình một chợ” trong chính sách thuế, nhất là trong thời kỳ hội nhập và mở cửa thị trường như hiện nay.

Việc khống chế trần chi phí quảng cáo thấp gây khó khăn cho DN Việt Nam đặc biệt là kìm hãm tính cạnh tranh của các DN; ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư bên ngoài. Không những thế, khống chế phí quảng cáo còn làm hạn chế cung cấp thông tin cho người tiêu dùng.

Do vậy, theo ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, việc khống chế trần chi phí quảng cáo chung cho tất cả DN là không thực tế, không hợp lý. Vì vậy, trong khi chưa bỏ được việc khống chế trần chi phí quảng cáo, cần chia ra các mức khác nhau tùy thuộc vào loại hình và lĩnh vực hoạt động chính của DN.

Nâng mức trần khống chế lên 20%

Vấn đề quy định khống chế khoản chi phí quảng cáo vẫn còn một số vướng mắc và chưa rõ. Các chuyên gia đều cho rằng, việc tiếp tục áp dụng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo khi xác định thuế thu nhập DN đã trở nên lỗi thời và việc xóa bỏ quy định này càng trở nên cấp bách.

Tuy nhiên, việc xóa bỏ giới hạn về chi phí quảng cáo, khuyến mại cần phải có lộ trình. Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, muốn sửa đổi một văn bản pháp luật ở cấp độ cao như vậy cần phải chờ kỳ họp Quốc hội năm 2013.

Thời gian từ bây giờ đến lúc đó còn khá dài, bởi vậy, rất nhiều DN và thành viên Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cũng như các DN trong các lĩnh vực khác cùng có ý kiến, trong lúc chờ văn bản pháp luật này được sửa đổi thì kiến nghị Chính phủ nâng mức trần khống chế lên 20% và phần vượt chi được tính giảm trừ vào năm sau. Trần khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại được tính trên doanh thu chứ không phải trên tổng số chi phí.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyến, khi chưa xóa bỏ việc khống chế trần chi phí quảng cáo cần có giải thích, hướng dẫn chi tiết hơn về nội dung những khoản chi về quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại… theo hướng mở rộng nội dung các khoản chi nằm trong nhóm không bị khống chế để tháo gỡ khó khăn cho DN.

(Theo baocongthuong.com.vn)

.
.
.