Thứ Tư, 25/07/2012, 10:16 (GMT+7)
.

Nghị quyết 13 và vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp

Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường... như luồng sinh khí mới giúp doanh nghiệp, đồng thời đây cũng là đợt tổng kiểm tra “sức khỏe” để doanh nghiệp tái cơ cấu. Từ thực tế hoạt động, vấn đề này được doanh nhân tiếp nhận và lý giải khá thấu đáo.

Cứu ngành Vận tải đường sông

Ngành Vận tải đường sông, nhất là đầu tư đóng sà lan vận chuyển cát, lương thực đã chứng kiến một đợt thanh lọc dữ dội, đặc biệt là đối với các đơn vị bán chuyên mới tham gia ngành Vận tải đường sông.

Ông Trần Đỗ Liêm phân tích, số lượng sà lan được đóng mới mạnh nhất vào giai đoạn 2009-2010. Khi đó, giá cước vận chuyển đang ở mức rất cao, lãi suất thấp nên các nơi ào ạt đóng sà lan, đặc biệt là các đơn vị không chuyên về vận tải đường sông như chế biến kinh doanh gạo hay “cò” cát. 

Từ năm 2009 - 2010, số lượng sà lan tăng thêm 50-60%. Điều đặc biệt là thời điểm này hầu như chỉ có 2 nhóm lãi suất cho vay là 6,5% (theo gói kích cầu của Chính phủ) và 10-12%/năm, lãi suất cho vay cao nhất cũng chỉ 13%/năm.

fgdf
Dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp của TP. Mỹ Tho phải tạm ngưng thi công do gặp khó khăn tài chính.

Trong khi đó, đến năm 2011 tình hình kinh tế có những thay đổi đột ngột, lạm phát tăng cao đã tác động ngay đến tình hình sản xuất - kinh doanh, trong đó có nhóm ngành Vận chuyển đường sông. Dấu hiệu rõ ràng nhất là lãi suất ngân hàng tăng lên hơn 20%/năm, trung bình 19,7%/năm.

Cùng lúc đó, kinh tế thế giới khủng hoảng đã tác động trực tiếp vào kinh tế trong nước vì Việt Nam đã hòa nhập vào kinh tế thế giới theo tinh thần cam kết của WTO. Chính vì thế sản xuất - kinh doanh bắt đầu sụt giảm.

Bằng chứng là sản xuất - kinh doanh của các đơn vị giảm rất nhanh sau khi Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11 nhằm giảm đầu tư, mua sắm công; đóng cửa xuất khẩu cát, cắt giảm những công trình mang tính đầu tư dài hạn.

Bức tranh kinh tế trên dẫn đến “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp bị suy giảm. Tình trạng này cũng dẫn đến sà lan vận tải bị ế thừa, việc cung thừa, cầu giảm đột ngột dẫn đến giá cước giảm xuống; đồng thời lượng hàng vận chuyển cũng giảm theo, trong khi lãi suất ngân hàng tăng cao.

Điều không mong muốn cũng đã xảy ra là một số sà lan phải ngưng hoạt động, giá trị của sà lan cũng giảm theo buộc lòng phải bán đi. Những đơn vị không chuyên nghiệp phải bán sà lan trước, đến các “cò cát”, sau cùng là  các đơn vị vận tải chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, ngay thời điểm này muốn bán sà lan vận tải cũng không phải dễ vì không có người mua. Sau đợt trồi sụt này, phương tiện vận tải “chết” chiếm khoảng 30% trong tổng số phương tiện đóng mới của giai đoạn 2009-2011.

Ngay trong đơn vị vận tải chuyên nghiệp cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều. Ông Trần Đỗ Liêm cho biết, trong 288 xã viên của hợp tác xã cũng có khoảng 10 người chịu ảnh hưởng trong cơn lốc này, buộc phải bán đi hơn chục chiếc sà lan có tải trọng từ 600 - 1.000 tấn. “Đây cũng là cơ hội để cơ cấu lại đội tàu, mặc dù cũng có người phải chịu lỗ từ 2-3 tỷ đồng.

Nhưng cũng may là từ đầu tháng 5-2012, hàng hóa vận chuyển đã nhích lên, giá cước cũng tốt hơn, đơn hàng đã tăng hơn đôi chút. Điều này chứng tỏ nền kinh tế có chuyển động” - ông Trần Đỗ Liêm cho biết..

Gỡ ngành kinh doanh lương thực

Câu chuyện nóng của ngành kinh doanh lương thực trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2012  không phải là ở chỗ xuất khẩu được bao nhiêu tấn gạo hay giá cả bao nhiêu mà tập trung ở sự gãy đổ của không ít doanh nghiệp trong nhóm ngành này.

Theo thống kê sơ bộ, có hàng chục doanh nghiệp trong nhóm ngành kinh doanh lương thực có quy mô khá lớn đã nằm trong diện kiểm soát của ngân hàng, tập trung ở huyện Cai Lậy. Trong đó, có cả doanh nghiệp những năm trước đây có lượng hàng xuất khẩu hay cung ứng xuất khẩu với số lượng rất lớn.

Chẳng hạn, Công ty M., trong năm 2010 doanh thu đạt trên 800 tỷ đồng, năm 2011 doanh thu đạt trên 1.200 tỷ đồng. Thế nhưng, ngay trong năm 2011, do không dự báo được tình hình, nhất là biến động giá, cùng với lãi suất ngân hàng cao hơn 20% nên công ty lỗ nặng. Thực tế này dẫn đến tình trạng công ty nợ ngân hàng 90 tỷ đồng.

Do vậy, Nghị quyết 13 của Chính phủ lần này là quyết định mang lại rất nhiều ý nghĩa đối với ngành kinh doanh lương thực, nhất là  đối với công ty M.

Hoạt động của Công ty cổ phần Phương Nam.
Hoạt động của Công ty cổ phần Phương Nam.

Mừng nhưng cũng lo

Bà Đặng Ngọc Dung, Giám đốc Công ty cổ phần Phương Nam (Cụm Công nghiệp Tân Mỹ Chánh) nói rằng, trong tình hình khủng hoảng kinh tế, Nghị quyết 13 của Chính phủ đã giúp doanh nghiệp được giãn thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 là 650 triệu đồng, đồng thời được giảm lãi suất cho vay.

Hiện nay, BIDV Chi nhánh Tiền Giang đang cho doanh nghiệp vay với lãi suất 11,5%/năm. Tuy nhiên,  từ 1-7 điện lại tăng giá. Khi giá điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Trước tình thế này, doanh nghiệp phải tiếp tục vượt qua khó khăn bằng nhiều cách như điều tiết, tiết giảm nhiều chi phí như thay thiết bị tiết kiệm điện, nâng cao tay nghề công nhân…

Tuy nhiên, qua phân tích kỹ tình hình của các doanh nghiệp kinh doanh lương thực thời gian qua cũng để lại nhiều bài học quý giá.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát nhận định, thật ra trong các năm 2011-2012 tất cả doanh nghiệp đều gặp khó khăn, nhất là khi lãi suất ngân hàng vượt qua 15%/năm, cùng với chi phí tăng lên khiến không doanh nghiệp nào chịu nổi.

Đối với lĩnh vực gạo lại có đặc thù riêng là do đầu tư ban đầu vào lĩnh vực này không lớn, nên nhiều người đổ xô vào, từ người biết làm đến người không biết làm, khi vô làm lại muốn bành trướng ra.

Giai đoạn 2008-2009 thực hiện gói kích cầu của Chính phủ, doanh nghiệp đầu tư được hỗ trợ lãi suất, lãi suất ngân hàng lại thấp, nên đầu tư có lãi. Khi chuyển qua giai đoạn lãi suất cao, cả vốn cố định và lưu động đều vay với lãi suất cao nên doanh nghiệp thu không đủ chi.

Ngoài ra, do những năm gần đây biên độ dao động giá gạo rất lớn. Trước đây biên độ dao động chỉ vài trăm đồng cho mỗi kg, gần đây có thể lên 2.000 đồng/kg. Doanh nghiệp cung ứng gạo xuất khẩu làm ăn có uy tín, khi ký được hợp đồng thì đối tác xuất khẩu tạm ứng 80% vốn để mua hàng.

Do lấy tiền trước dù giá gạo lên hay xuống vẫn phải giao hàng theo giá cũ, nên khi có biến động giá lớn dẫn đến lỗ. Thật ra tình trạng này đã âm ỉ từ nhiều năm trước. Nhiều doanh nghiệp lại không tự lượng sức mình, quy mô nhỏ lại bung ra làm lớn dẫn đến rủi ro lớn khi giá biến động nhanh. Khi bị lỗ lại không dừng lại, lấy khúc sau đắp khúc trước, trong lúc giá cả tiếp tục biến động, cộng với hàng loạt chi phí đầu vào tăng nên “lòi” đuôi ra.

Không riêng gì doanh nghiệp ở Tiền Giang mà ở nhiều tỉnh, thành khác cũng có tình trạng này. “Điều này có mặt tích cực cho thấy một số doanh nghiệp đã đầu tư sai lầm, không có hiệu quả.

Đây là điều kiện, cơ hội để sàng lọc, sắp xếp lại nếu không dễ làm méo mó thị trường. Bởi thị trường lúa gạo trong nước không ít lần chứng kiến tình trạng nhiều doanh nghiệp mua vào với giá rất cao nhưng xuất bán với giá thấp. Những điều chỉnh sẽ giúp tái cơ cấu lại hoạt động của doanh nghiệp” - ông Lâm Anh Tuấn cho biết.

THẾ ANH

Đánh nhỏ thắng nhỏ, đánh chắc thắng chắc

Gói giải pháp theo tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ có ý nghĩa lớn đối với ngành Xây dựng và bất động sản. Bởi thời gian qua, nhóm ngành này gần như là “đóng băng”, hàng loạt dự án buộc phải treo lại. Tuy nhiên, với mức lãi suất trên dưới 15%/năm vẫn chưa phải là hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nhóm ngành này. Bởi để đầu tư một dự án phải mất ít nhất vài tháng hoặc trên 1 năm mới phát huy hiệu quả.

Do đó, theo các doanh nghiệp trong nhóm ngành này, chủ trương hiện nay là chờ động thái chung của thị trường tài chính, đồng thời thực hiện chiến lược “đánh nhỏ thắng nhỏ, đánh chắc thắng chắc”, “tự cứu mình trước khi trời cứu”…

 

.
.
.