Nông dân Tiền Giang ít hưởng lợi qua chủ trương mua gạo tạm trữ
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo mua trạm trữ 500 ngàn tấn quy gạo trong vụ hè thu 2012. Thời gian mua tạm trữ trong vòng một tháng (từ ngày 10-7 đến 10-8). Đây là chủ trương đúng đắn nhằm kềm giữ giá lúa theo hướng đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.
Thế nhưng so với các tỉnh trong vùng thì nông dân Tiền Giang hưởng lợi không đáng kể từ chủ trương này bởi thực tế họ đã thu hoạch dứt điểm trên 40 ngàn ha lúa hè thu sớm. Khảo sát của chúng tôi và các ngành chức năng thì lúa trong dân còn khoảng 5%; nông dân thu hoạch xong đều bán lúa tươi ngay tại ruộng.
Cực khổ làm ra từng hạt lúa nhưng nông dân luôn lo lắng mỗi khi vụ mùa kết thúc. |
Nông dân sản xuất giỏi Lê Văn Hoàng, ấp Hậu Phú 1 (Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè) canh tác 2 ha lúa phân trần: Phải chi thời điểm giá rớt thê thảm, Chính phủ có chính sách thu mua tạm trữ thì nông dân chúng tôi đỡ phải khổ hơn. Đằng này, chúng tôi bán xong đã lâu, Chính phủ mới có chính sách thu mua tạm trữ.
Vì vậy ở vùng thu hoạch sớm như Tiền Giang thì thương lái và doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn khi có chủ trương này.
Theo ngành Nông nghiệp, vụ lúa hè thu chính vụ, toàn tỉnh xuống giống 80.703 ha; trong đó, trà lúa giai đoạn mạ 33.389 ha, giai đoạn đẻ nhánh 11.263 ha, giai đoạn đứng cái - làm đòng 33.701 ha và giai đoạn trổ 2.350 ha.
Như vậy, chỉ có khoảng 2.000 ha lúa của nông dân có thể thu hoạch đúng vào thời điểm mua tạm trữ; còn trên 70 ngàn ha buộc phải thu hoạch sau ngày 10-8 (ngày kết thúc thu mua tạm trữ). Thế nên khi hết đợt thu mua tạm trữ, giá lúa sẽ như thế nào? Cảnh ùn ứ lúa gạo có tiếp tục diễn ra?
SĨ NGUYÊN