Thứ Tư, 18/07/2012, 09:37 (GMT+7)
.

Quyết liệt giảm lãi suất cho vay để “cứu” doanh nghiệp

Một trong những giải pháp căn bản nhất nhằm “cứu” doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ là miễn, giảm thuế và giảm lãi suất cho vay. Việc miễn, giảm thuế đã được ngành Thuế triển khai, trong khi đó việc giảm lãi suất cho vay cũng được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo quyết liệt và bắt đầu thực hiện từ ngày 15-7.

Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ ngày 15-7, lãi suất cho vay phải lùi về mức 15%/năm. Đây là một trong những động thái quan trọng nhất nhằm giảm áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn cực kỳ khó khăn hiện nay. Sau khi có chỉ đạo từ NHNN, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt đầu lộ trình điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.

Doanh nghiệp đang đón nhận thông tin lạc quan từ chủ trương giảm lãi suất cho vay.
Doanh nghiệp đang đón nhận thông tin lạc quan từ chủ trương giảm lãi suất cho vay.

Ông Lê Văn Quý, Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Tiền Giang cho biết, ngày 12-7, Tổng Giám đốc BIDV đã chỉ đạo các chi nhánh rà soát các khoản cho vay cũ có lãi suất cho vay cao hơn 15%/năm để điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm kể từ ngày 15-7.

Qua rà soát, BIDV Tiền Giang chỉ còn dư nợ 247 tỷ đồng có lãi suất trên 15%/năm, chiếm 8,9% trên tổng dư nợ; trong đó doanh nghiệp 93,5 tỷ đồng và cá nhân là 153,5 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 25-6, thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ và chỉ đạo của Tổng Giám đốc BIDV, BIDV Tiền Giang cũng đã thực hiện một đợt điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản cho vay cũ có lãi suất trên 16%/năm về lãi suất 13%/năm.

Điều đặc biệt là lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp đã được BIDV thực hiện nhiều gói ưu đãi hơn. Ông Lê Văn Quý khẳng định, tất cả các doanh nghiệp hiện đang quan hệ với BIDV và các khách hàng mới, có tình hình tài chính lành mạnh, hiện nay đều được vay ưu đãi với lãi suất tối đa là 13%/năm.

Trong đó, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ) từ 11-12%/năm, riêng cho vay xuất khẩu lãi suất tối đa 11%/năm. “Bên cạnh giảm lãi suất cho vay, BIDV còn thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Cơ cấu lại nợ, cơ cấu tài chính cho doanh nghiệp, giảm lãi suất các khoản cho vay cũ có lãi suất cao. BIDV xác định khó khăn của doanh nghiệp cũng chính là khó khăn của ngân hàng”- ông Lê Văn Quý cho biết.

               Không biết vay vốn để làm gì
Những động thái gần đây về việc giảm lãi suất cho vay đã được các doanh nghiệp đón nhận tích cực. Tuy nhiên, với tình hình thị trường tiêu thụ đang nóng lạnh hiện nay, không ít doanh nghiệp cho rằng dù có lãi suất thấp nhưng cũng không biết vay vốn để làm gì.

Giám đốc một công ty trong ngành chế biến thủy sản xuất khẩu ở xã Song Thuận (Châu Thành) cho biết, khó khăn lớn nhất của công ty hiện tại là sản xuất giảm 30% nhưng lượng hàng tồn kho nhiều (khoảng 5.000 tấn).

Công ty hiện có 1.700 công nhân, lương bình quân trên 3 triệu đồng tháng; do vậy mục tiêu đầu tiên của công ty là đảm bảo việc làm cho công nhân, duy trì sản xuất, chủ động vùng nguyên liệu, tiết kiệm mọi chi phí chứ chưa có phương án mở rộng kinh doanh.

Từ thực tế khó khăn, kế hoạch của công ty đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng trong năm 2012, nhưng 6 tháng đầu năm không đạt mục tiêu đề ra.

Cùng thực hiện chủ trương chung của Thống đốc NHNN, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), ngoài việc điều chỉnh lãi suất đối với tất cả các khoản vay xuống mức tối đa 15%/năm, với các khoản vay mới, ngân hàng này sẵn sàng cho doanh nghiệp vay vốn lưu động với lãi suất 12%/năm, thậm chí 11%/năm.

Thời gian tới VietinBank sẽ tập trung vốn đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ưu tiên, gồm: Nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.

Hiện VietinBank đang tính toán đưa ra một số gói tín dụng hàng chục ngàn tỷ đồng cho lĩnh vực xuất khẩu với lãi suất chỉ từ 7- 8%/năm.

Trong khi đó, ngày 11-7, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã ban hành văn bản về thực hiện các biện pháp giảm lãi suất cho vay mở rộng tín dụng.

Theo đó, Agribank sẽ mở rộng cho vay bằng VND, cho vay bằng đồng ngoại tệ để đạt được mục tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay năm 2012 khoảng 10% (đối với các chi nhánh thuộc địa bàn nông nghiệp, nông thôn thì tăng trưởng dư nợ cho vay khoảng 15%); tập trung vốn cho vay đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân; mở rộng cho vay xuất khẩu, cho vay tiêu dùng.

Agribank sẽ áp dụng lãi suất cho vay tối đa đối với các khách hàng vay theo quy định của NHNN; đối với các lĩnh vực và khách hàng vay vốn để sản xuất - kinh doanh không thuộc đối tượng áp dụng mức trần lãi suất tiền vay 13%/năm theo quy định của NHNN thì áp dụng lãi suất cho vay tối đa là 15%/năm kể từ ngày 15-7.

Đối với khách hàng vay gặp khó khăn về tài chính và khả năng trả nợ, Agribank sẽ thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục cho vay mới nếu có phương án, dự án sản xuất - kinh doanh khả thi, có hiệu quả…

Trên bình diện chung, ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc NHNN Chi nhánh Tiền Giang, cho biết NHNN Tiền Giang cũng vừa tổ chức hội nghị và chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện theo chủ trương chung của NHNN. 

Thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay, ngân hàng sẽ tự điều chỉnh giảm lãi suất dù hợp đồng vay có tới hạn hay chưa tới hạn điều chỉnh lãi suất cho vay. Mặc dù vậy, các ngân hàng thương mại cũng có thể xem xét cụ thể theo từng món nợ vay, nợ mới hay nợ cũ.

Nhưng trước mắt, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều thống nhất điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngay đối với các món vay ngắn hạn cũ xuống 15%, còn cho vay ngắn hạn mới chỉ 13%; đối với cho vay trung và dài hạn trước đây cũng được điều chỉnh giảm xuống nhưng cần có độ trễ để chờ có hướng dẫn thêm từ NHNN.

Các món vay với lãi suất cho vay từ 15%/năm trở xuống tới đây sẽ chiếm trên 70% trên tổng dư nợ, chỉ còn các món vay trung và dài hạn. Việc gỡ lãi suất cao cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ cơ bản hoàn thành trong giữa tháng 8.

Liên quan đến những thắc mắc của các doanh nghiệp về việc khó tiếp cận với nguồn vốn vay, NHNN Chi nhánh Tiền Giang đã ra chủ trương kiên quyết xóa bỏ tình trạng doanh nghiệp kêu khó việc tiếp cận vốn vay.

Theo đó, NHNN Tiền Giang đề nghị các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu vốn để sản xuất - kinh doanh nhưng không tiếp cận được nguồn vốn theo tinh thần Nghị quyết 13 thì gởi hồ sơ về NHNN tỉnh để NHNN phối hợp với các ngân hàng thương mại dưới sự chủ trì của UBND tỉnh để xem xét giải quyết rõ ràng.

“Tuy nhiên, cần lưu ý là điều kiện cho vay hiện nay không có gì thay đổi. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên cũng chết như doanh nghiệp nếu để nợ xấu lớn”- ông Võ Thanh Nhã lưu ý.

THẾ ANH

                           Hàng trăm doanh nghiệp được miễn, giảm thuế
Thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường và theo hướng dẫn trong Thông tư 83 của Bộ Tài chính, bước đầu ngành Thuế Tiền Giang đã tiến hành ngay việc gia hạn nộp thuế cho 777 doanh nghiệp với số thuế được gia hạn  37,3 tỷ đồng (trong đó có 774 doanh nghiệp vừa và nhỏ, với số thuế  35,8 tỷ đồng và 3 doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động với số thuế 2,08 tỷ đồng).

Hiện nay, ngành Thuế đang tiếp tục rà soát các đối tượng nằm trong diện miễn, giảm thuế để thực hiện theo lộ trình nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp ổn định sản xuất - kinh doanh.

 

.
.
.