Thứ Sáu, 13/07/2012, 12:36 (GMT+7)
.

Sấy công nghiệp - giải pháp hữu hiệu chống thất thoát lúa sau thu hoạch

Theo TS. Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gieo trồng 4 triệu ha lúa với sản lượng hàng năm khoảng 21 triệu tấn, chiếm 50% tổng sản lượng lúa cả nước và đóng góp 90-95% khối lượng lương thực xuất khẩu. Đồng thời, đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực quốc gia.

Dù vậy, tổn thất sau thu hoạch trong khu vực hiện nay rất cao (khoảng 13,7%), nhất là khâu phơi sấy tổn thất lên đến 4,2%.

Phơi lúa bằng sân tráng xi măng là một trong những nguyên nhân tăng tỷ lệ tổn thất  sau thu hoạch, giảm chất lượng hạt gạo
Phơi lúa bằng sân tráng xi măng là một trong những nguyên nhân tăng tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch và giảm chất lượng hạt gạo.

Theo tính toán sơ bộ của ông Tấn, nếu trung bình 1 kg lúa giá khoảng 5.000 đồng, tổn thất sau thu hoạch hàng năm của khu vực lên đến 13.700 tỷ đồng, trong đó khâu phơi sấy chiếm 33%. “Gạo Việt Nam có giá xuất khẩu thấp hơn gạo Thái Lan từ 30-100 USD/tấn tùy theo từng thời kỳ. Thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam chủ yếu là thị trường tiêu thụ gạo cấp thấp, thiếu tính ổn định. Những tổn thất này cùng các yếu tố khác ảnh hưởng không nhỏ đối với nền sản xuất lúa khu vực vốn chưa bền vững” - ông Tấn phân tích thêm.

Theo kỹ sư Nguyễn Thể Hà, Tư vấn Công ty Cơ khí Bùi Văn Ngọ, tổn thất sau thu hoạch lên đến 12-13%. Ngoài việc làm khô hạt lúa không đúng cách, còn làm giảm chất lượng hạt gạo, kéo theo giảm giá bán trên thị trường.

Tùy theo mùa vụ, thời tiết, trình độ canh tác và chế biến lúa gạo của từng địa phương mà tổn thất sau thu hoạch từng lúc, từng nơi khác nhau. Song, qua số liệu này, chúng ta có thể khẳng định tổn thất sau thu hoạch ở ĐBSCL nói chung rất lớn, cần có giải pháp hạn chế.

Nếu giảm tổn thất về khối lượng xuống mức 6% theo Nghị quyết 48/NQ-CP đề ra, chúng ta sẽ làm tăng giá trị hạt lúa lên mức 4%. Như thế hàng năm, ĐBSCL sẽ tiết kiệm được mức thiệt hại về khối lượng và giá trị tương đương 2,5 triệu tấn lúa, trị giá 12.500 tỷ đồng. Nếu các khâu sấy, tồn trữ lúa khô đúng cách sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiệt hại sau thu hoạch và làm tăng chất lượng và giá trị hạt gạo.

Theo Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ, tổn thất sau thu hoạch trên lúa khoảng 11-13% do sản xuất nông nghiệp phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, việc tổ chức ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch còn nhiều khó khăn.

Theo các chuyên gia, làm khô lúa bằng ánh sáng mặt trời vẫn là phương pháp phổ biến hiện nay ở ĐBSCL, chiếm 60% sản lượng lúa thu hoạch. Lúa sau khi thu hoạch thường được trải ra sân phơi hay để lúa trên một tấm lót mềm và dày với bề dày lớp lúa từ 5-10 cm. Lúa được cày đảo từ trên xuống lớp dưới khoảng 7-8 lần trong ngày để giúp cho lúa khô nhanh và đều hơn. Nếu phơi lúa trên sân xi măng hay bê tông, nhiệt độ nền sân phơi có thể vượt quá 500C trong những ngày nắng gắt nên dễ gây rạn nứt hạt lúa.

Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ thất thoát khi đưa vào xay xát, chất lượng gạo cũng bị ảnh hưởng theo. Vì vậy, để giảm nguy cơ rạn nứt hạt cần có biện pháp làm giảm nhiệt độ như che bớt ánh nắng… Đó là cách làm nhất thời, trước mắt.

Mục tiêu của Nghị quyết 48 đặt ra phải giảm thất thoát lúa sau thu hoạch xuống còn từ 5-6%. Để thực hiện chủ trương này, các chuyên gia cho rằng, việc đầu tư phát triển hệ thống sấy công nghiệp tập trung là yêu cầu cấp thiết. Theo tính toán, vào mỗi vụ thu hoạch một lượng lúa rất lớn (khoảng 6-7 triệu tấn) cần phải làm khô trong khoảng 25-30 ngày, trong mọi điều kiện thời tiết, là áp lực rất lớn cho nông dân, doanh nghiệp.

Giải quyết những áp lực này, những năm gần đây, nhiều hàng xáo, cơ sở xay xát, hợp tác xã nông nghiệp và nhóm nông dân đã có nhiều cố gắng và nỗ lực trong việc ứng dụng các thiết bị khác nhau để làm khô lúa, nhất là vụ lúa hè thu. Điều này góp phần hoàn thiện việc cơ giới hóa trong sản xuất lúa.

Cụ thể, thời gian qua, Công ty Lương thực Tiền Giang và Công ty Lương thực Long An đã trang bị một số hệ thống sấy công nghiệp. Kết quả, những hệ thống sấy này đã phát huy hiệu quả. Theo các doanh nghiệp, đầu tư hệ thống sấy công nghiệp sẽ làm tăng khả năng thu mua lúa của nông dân khi vào mùa thu hoạch đồng loạt, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng lúa gạo. Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống sấy của các hàng xáo, công ty lương thực thời gian qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu làm khô lúa vào mùa thu hoạch, công nghệ lạc hậu.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, do xuống giống “né” rầy đồng loạt dẫn đến thu hoạch tập trung, người dân hầu hết bán lúa tại ruộng vì thế yêu cầu cấp thiết đặt ra là các doanh nghiệp, hàng xáo phải trang bị máy sấy công nghiệp tập trung.

Theo ông, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 450 cơ sở sấy lúa, nhưng công suất sấy thấp, công nghệ chưa hiện đại nên chưa giải quyết lượng lúa khi vào vụ thu hoạch. Từ thực tiễn này, Ngành NN&PTNT đang phối hợp với Sở Công thương quy hoạch kho dự trữ lúa gạo để trình UBND tỉnh, đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ lúa làm khô qua sấy lên đến trên 90% vào thời gian tới. Đồng thời ngành cũng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ sấy bằng nhiều hình thức, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng lúa.

Còn về phía Tổng Công ty Lương thực miền Nam, từ hiệu quả đầu tư ứng dụng dây chuyền sấy của 2 đơn vị trực thuộc, tổng công ty đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc lập kế hoạch xúc tiến đầu tư hệ thống sấy cho đơn vị mình.

N.VĂN

.
.
.