Thứ Tư, 18/07/2012, 09:38 (GMT+7)
.

Tìm giải pháp củng cố hoạt động HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim

Xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành là vùng đất nổi tiếng với trái cây đặc sản vú sữa Lò Rèn. Với diện tích hơn 3.000 ha và nhằm đáp ứng nhu cầu liên kết trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng và giá trị trái vú sữa, HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được thành lập vào tháng 10-2006, ban đầu có 60 xã viên, đến nay HTX có 102 xã viên, với tổng vốn góp 102 triệu đồng .

Từ khi được thành lập, Ban quản trị HTX đã có nhiều nỗ lực hoạt động như đầu tư vật tư, hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng giá trị trái vú sữa, tổ chức thu mua và tiêu thụ trên thị trường nội địa và đặc biệt là giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài.

Tuy nhiên, do nguồn vốn ít, năng lực quản lý, điều hành của Ban quản trị hạn chế, thiếu phương án sản xuất kinh doanh gắn với xã viên, không nắm được sản lượng do xã viên thu hoạch, không cạnh tranh được với các thương lái, nên hiệu quả hoạt động thấp, không đủ chi phí cho hoạt động của bộ máy.

Đặc biệt, hiện có một số khoản nợ gần như không có khả năng trả, nguồn vốn góp của xã viên không còn, quyền lợi HTX đem lại cho xã viên rất ít, nên hiện nay có khoảng 40 xã viên xin rút vốn góp và xin ra khỏi HTX.

Mặc dù được các ngành, các cấp hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi để HTX hoạt động như: UBND huyện Châu Thành cho thuê nhà để mở cửa hàng thu mua, Sở Khoa học - Công nghệ hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP và được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn Global GAP năm 2008.

HTX còn được vay từ nguồn quỹ hỗ trợ phát triển khoa học để xây dựng kho lạnh trị giá gần 500 triệu đồng; xây dựng và quảng bá thương hiệu, tìm thị trường tiêu thụ cho HTX; Liên minh HTX thường xuyên tư vấn, hỗ trợ HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, đào tạo tập huấn nghiệp vụ kế toán nhưng đến nay HTX vẫn chưa có kế toán.

Đến cuối năm 2011, HTX tiến hành đại hội để củng cố nâng chất và thay đổi thành viên Ban quản trị. Qua kiểm tra lại vốn quỹ của HTX thì chỉ còn 53 triệu đồng, nhưng quỹ tiền mặt chỉ còn 5 triệu đồng, số còn lại là hàng hóa, vật tư tồn kho không còn sử dụng được.

Trong khi đó, HTX còn nợ Quỹ Đầu tư phát triển khoa học công nghệ (Sở Khoa học - Công nghệ ) hơn 400 triệu đồng không có khả năng trả; không có kinh phí để tái chứng nhận Global GAP, không có nguồn để trả tiền thuê đất xây dựng nhà kho và một số khoản nợ trong xã viên chưa thanh toán được.

Trước những khó khăn của HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ, Chi cục Phát triển nông thôn và Ban chỉ đạo đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể huyện Châu Thành cùng HTX bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn.

Qua đó cho thấy, Ban quản trị HTX không đưa ra được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, thiếu năng động, nhạy bén, không có phương án trả các khoản nợ, còn nặng tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Từ đó dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX trong những tháng đầu năm 2012 không đáng kể.

Từ thực tế, để củng cố và duy trì hoạt động HTX cần sự hỗ trợ tích cực của các ngành, các cấp, trong đó huyện cần sớm hoàn chỉnh thủ tục cấp đất cho HTX để xây dựng nhà kho và mở thêm các dịch vụ khác cho HTX hoạt động; Sở Khoa học- Công nghệ cho gia hạn hoặc khoanh nợ cho HTX và hỗ trợ kinh phí tái chứng nhận Global GAP cho vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim; vận động những thương lái tại địa phương góp vốn cùng với HTX kinh doanh hoặc liên kết với các công ty chuyên kinh doanh trái cây trong và ngoài tỉnh.

Trong sự “hà hơi tiếp sức” đó, điều quan trọng là yếu tố tiêu thụ sản phẩm, việc quản lý, điều hành của Ban quản trị HTX, nhất là Chủ nhiệm HTX là người chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động của HTX.

Do đó cần phải khẩn trương củng cố, kiện toàn Ban quản trị có đủ trình độ, năng lực, nhạy bén, năng động và có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, nếu để như tình trạng hiện nay thì HTX khó tồn tại và sẽ mất dần thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.

HỒNG NHẬT

.
.
.