Triển khai chậm dập dịch "chổi rồng" trên nhãn, nhà vườn “sốt ruột”
Nhiều tháng trôi qua kể từ khi công bố cho đến nay tình trạng dịch, bệnh “chổi rồng” trên nhãn vẫn chưa được khống chế, công tác dập dịch triển khai khá chậm. Trong khi đó, nhà vườn đang mất dần sự “kiên nhẫn”.
Tiếc nhưng phải…chặt
Chúng tôi về các huyện phía Tây của tỉnh trong những ngày cuối tháng 7, đến vườn nhãn nào cũng thấy bị bệnh “chổi rồng” gây hại. Các đọt nhãn xoắn lại như chà cây, cây còi cọc, xác xơ. Trong khi đó, nhiều vườn khác đã buộc chuyển đổi sang cây trồng khác.
Chị Lâm Thị Bông, xã Hiệp Đức (Cai Lậy) cho biết, vườn nhãn 5 công (3 công nhãn trên 10 năm tuổi và 2 công đã 3 năm tuổi) của chị bị bệnh “chổi rồng” hoành hành 2 năm nay, theo đó nguồn thu chủ yếu của gia đình không còn. Nhiều lần cắt tỉa, phun thuốc điều trị nhưng lần nào cũng vậy, cây ra đọt đầu phát triển rất tốt, khi đến đọt thứ 2 bị xoắn trở lại như chà cây.
“Lúc đầu mướn người để cắt tỉa, phun xịt thuốc, sau này chúng tôi phải tự làm để giảm chi phí. Nhiều lần định chặt nhãn để trồng cây khác, rồi lại tiếc giữ lại. Đến giờ thì hết hy vọng rồi. Từ đầu năm 2012, chúng tôi bắt đầu thay dần những cây bị nặng bằng chanh, mít, bưởi. Hiện nay, chúng tôi đã chuyển đổi sang trồng chanh được 1,5 công trong 2 công nhãn đã 3 năm tuổi”- chị Bông cho biết. Cũng theo lời chị, ở khu vực này hiện có rất nhiều vườn nhãn đã và đang bị chặt để chuyển đổi sang trồng cây khác.
Các vườn nhãn đang thiệt hại nặng do bị bệnh “chổi rồng”. |
Anh Lộc, ấp Hòa Hảo (Hòa Khánh, Cái Bè), cũng lâm vào tình cảnh tương tự. 4 công nhãn trồng đã trên 10 năm tuổi bị bùng phát bệnh “chổi rồng” từ năm 2010 đến nay. “Nhãn dễ chăm sóc, năng suất cao, bỏ nó chúng tôi tiếc lắm. Nghe ai nói làm cách nào hay, thuốc gì hiệu quả, chúng tôi tiến hành làm theo ngay. Kết quả, tiền mất mà bệnh trên cây vẫn còn. Sau nhiều lần phun thuốc, xử lý chi phí lên đến hàng triệu đồng, cây vẫn tái nhiễm, cuối cùng tôi quyết định chuyển sang trồng chanh” - anh Lộc phân bua.
Anh Nguyễn Văn Tính, cùng xã cũng cho biết 9 công nhãn 15 tuổi của anh hàng năm cho thu trên 100 triệu đồng, những năm qua bị thất thu nặng do bị bệnh “chổi rồng”. Điều trị không hiệu quả, anh cũng bắt đầu chuyển sang lên liếp trồng chanh.
Xã Hòa Khánh có trên 666 ha nhãn với trên 2.600 hộ dân trồng và tất cả các diện tích này đều bị bệnh “chổi rồng” với tỷ lệ trên 70%. Trong 2 năm bùng phát dịch “chổi rồng”, nhiều hộ dân sống chủ yếu nhờ vào cây nhãn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Bùi Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh bày tỏ: “Cây nhãn là nguồn thu chủ yếu của rất nhiều hộ dân, giúp không ít hộ xóa đói, giảm nghèo. Do điều trị bệnh không hiệu quả, nhiều hộ dân bắt đầu chán nản và chuyển sang trồng cây khác, chủ yếu trồng chanh. Nếu không sớm có cách phòng, trừ hiệu quả, diện tích trồng nhãn bị chuyển đổi dần”.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè, toàn huyện có trên 2.800 ha trồng nhãn, qua điều tra đến nay có trên 2.700 ha nhiễm bệnh “chổi rồng” với tỷ lệ bệnh trên 70%, trên 91 ha nhiễm từ 30-70%. Từ khi bùng phát dịch “chổi rồng” đến nay, người dân đã chuyển đổi cây trồng từ vườn nhãn bị bệnh đã lên trên 86 ha.
Tại Châu Thành, trong số 1.200 ha trồng nhãn đã có trên 900 ha bị bệnh “chổi rồng”. Đến nay đã có gần 10 ha vườn nhãn bị bệnh được chuyển đổi sang cây trồng khác.
Dập dịch: Triển khai chậm
Dịch “chổi rồng” gây hại nhãn bùng phát trên địa bàn tỉnh từ sau năm 2009. Đến nay, toàn tỉnh có trên 6.500 ha bị nhiễm bệnh “chổi rồng”, trong đó trên 4.800 ha nhiễm trên 70%, tập trung ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, TP.Mỹ Tho.
Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh và địa phương đã xúc tiến tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo hướng dẫn việc phòng, trị bệnh, tiến hành điều tra vườn, xác định tỷ lệ vườn bệnh, xây dựng các mô hình phòng, chống bệnh “chổi rồng”…
Tuy nhiên, do công tác điều trị, phòng, chống đơn lẻ ở từng hộ, nhiều hộ phòng trị không đúng quy trình nên hầu hết vườn đều bị tái nhiễm; các mô hình phòng, chống bệnh “chổi rồng” do ngành Nông nghiệp, công ty triển khai còn đang trong quá trình thực hiện, trong khi bệnh “chổi rồng” tiếp tục gây thiệt hại nặng cho các vườn nhãn.
Để dập dịch “chổi rồng”, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí dập dịch “chổi rồng” với mức 7 triệu đồng/ha nhãn bị nhiễm tỷ lệ trên 70% và 5 triệu đồng/ha nhãn bị nhiễm tỷ lệ từ 30-70%. Thực hiện chính sách trên, Sở NN&PTNT có kế hoạch triển khai dập dịch từ khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6. Tuy nhiên, đến nay công tác này vẫn chưa thực hiện. Nhà vườn có nhãn bị bệnh “chổi rồng” và các địa phương đang rất “sốt ruột”.
Bà Trần Thị Nguyên, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy bày tỏ: “Công tác điều tra vườn, công khai niêm yết cho dân biết đã xong nhưng đến nay huyện chưa nhận được thuốc để tiến hành tổ chức phun đồng loạt dập dịch. Nhiều cán bộ xã điện hỏi bao giờ triển khai dập dịch, tôi không biết trả lời sao, chỉ còn biết nói chờ”. Bà cho biết thêm, thời gian qua nhiều nhà vườn bị thiệt hại nặng do bệnh “chổi rồng” đã tự mua thuốc về phun, cắt tỉa phần bị bệnh nhưng không có kết quả do làm đơn lẻ.
Bà Nguyễn Kim Liên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè cho biết, đến nay công tác điều tra, xác định vườn nhãn bệnh, tỷ lệ bệnh của vườn đã xong, xúc tiến thành lập các tổ xung kích phun thuốc, tổ giám sát ở cơ sở, giờ chỉ còn chờ tỉnh cấp thuốc là tiến hành phun xịt, cắt tỉa đồng loạt dập dịch. “Nghe nói, tỉnh đang đấu thầu đơn vị cấp thuốc phòng, trị bệnh “chổi rồng” phục vụ công tác dập dịch. Nhiều khả năng tháng 8 mới có thể tiến hành”- bà Liên nói.
Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cũng cho biết tình trạng tương tự. “Công tác dập dịch triển khai chậm cũng gây những khó khăn nhất định trong việc khống chế, ngăn chặn bệnh”- ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện nói.
N.VĂN