Thứ Tư, 25/07/2012, 09:33 (GMT+7)
.

Ý chí vươn lên làm giàu, cống hiến cho xã hội của một thương binh

Chiến tranh đã để lại trên cơ thể chú Nguyễn Văn Lộc, tên thường gọi là Tư Lộc (sinh năm 1940, ngụ ấp 2, xã Tân Bình, huyện Cai Lậy) chi chít những vết thương lớn, nhỏ (tỷ lệ thương tật vĩnh viễn 71%). Thế nhưng, thương tật và nghèo khó đã không quật ngã được ý chí vươn lên của người thương binh 2/4 này.

TRỞ THÀNH DOANH NHÂN TỪ NUÔI VỊT ĐẺ

Một ngày giữa tháng bảy, chú Tư Lộc đến nhờ Ủy ban MTTQ xã lập danh sách 20 hộ khó khăn trong xã để được nhận hỗ trợ gạo ăn hàng tháng. Thoạt nhìn dáng vẻ chân chất, giản dị của chú, không ai nghĩ đây lại là một “tỷ phú miệt đồng”. Bước đi liêu xiêu, chú Tư nói vui: “Tại chú Tư đánh giặc “dở” nên mới bị trúng đạn tùm lum mình mẩy, bể nát cái xương chổm như vầy nè. Giờ xương khớp chú Tư bằng inox nên đi nó vậy đó bây ơi!”.

Năm 1960, chàng trai xứ ruộng Tân Bình - Nguyễn Văn Lộc gia nhập đội du kích xã, cùng bà con bám trụ chống càn. Năm 1969, khi đang là xã đội phó, trong một đợt chống càn, chú Tư bị thương, bị chúng bắt giam và sau đó đày ra nhà tù Phú Quốc.

Ở nơi địa ngục trần gian này, chú đã kiên trung giữ vững khí tiết trước bao đòn tra tấn dã man của giặc. Sau Hiệp định Paris, chú được trao trả về căn cứ Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Hòa bình, chú Tư vui mừng trở lại quê hương, vừa công tác tại địa phương, vừa gầy dựng cuộc sống mới.

Tháng ngày chiến tranh và lao tù đã trui rèn trong con người chú Tư Lộc ý chí kiên cường trước những  khó khăn, thử thách. Từ đôi bàn tay trắng, phải đi ở đậu trên đất người khác, người thương binh 2/4 này quyết chí dùng đôi bàn tay kiếm cho vợ con bữa cơm no, chỗ ở tươm tất và cái chữ để hiểu biết với đời.

Chú Tư kể: “Hồi xưa chú đi chăn vịt. Bầy vịt thiên đã “đẻ” ra cho gia đình chú cái cơ nghiệp này đây. Hồi đó, chú có một người bạn là chủ tiệm hột vịt Thái Phát ở chợ Cai Lậy. Thấy hoàn cảnh chú thương tật, sức khỏe kém, không có đất sản xuất lại phải nuôi 6 đứa con nên thương và giúp đỡ.

Ông ấy cho chú mượn tiền mua 1.000 con vịt đẻ về nuôi thả đồng. Chú chăm sóc tốt nên đàn vịt khỏe mạnh, đẻ sung lắm, đạt tới 80 - 85%. Cứ vịt đẻ được bao nhiêu trứng thì chú đem bán cho tiệm Thái Phát để trừ nợ. Thế là chỉ sau 4 tháng chú đã trả xong nợ và có cái để dành dụm làm vốn, mua đất mặt tiền lộ lớn để cất nhà ở và thuận tiện làm ăn - mua chuối già bán xuất khẩu.

Sau đó, chú chuyển qua kinh doanh máy cày, máy xới đất và hiện nay kinh doanh máy chà lúa, ép củi trấu. Kinh nghiệm của chú: Người làm kinh tế phải hội đủ 4 đức tính là: Tâm, Tài, Đức, Tín. Bốn yếu tố này quyết định sự thành bại của doanh nhân”.

Chú Tư Lộc với mô hình xay xát - ép trấu viên khép kín vừa được Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam đưa cán bộ đến tìm hiểu.
Chú Tư Lộc với mô hình xay xát - ép trấu viên khép kín vừa được Ủy ban MTTQ Việt Nam đưa cán bộ đến tìm hiểu.

THÀNH CÔNG TỪ ĐÓN ĐẦU

Trong kinh doanh phải có cái tâm trong sáng, biết yêu thương; phải có tài để đoán biết và nắm bắt thời cơ; có đạo đức, không làm giàu bằng mọi giá và phải giữ uy tín. Sự nghiệp của chú Tư Lộc là minh chứng cho 4 điều này.

Vào những năm 1980, nông dân chủ yếu làm ruộng với con trâu đi trước cái cày theo sau. Chú Tư nghĩ tới những chiếc máy cày trong các đồn điền cao su ở Lộc Ninh. Thế là năm 1986, chú tìm lại vùng ấy và bỏ ra 3 chỉ vàng mua 1 chiếc máy mang về.

Miệt mài sửa sang, cải tiến, chiếc máy chạy ngon lành dưới ánh mắt lạ lẫm của người dân trong vùng. Thế là chú mua thêm máy và đi cày xới mướn. Lúc đó chú là người duy nhất làm nghề này. Thấy nhiều người có nhu cầu mua máy, chú tiếp tục trở lên Lộc Ninh mua máy cũ về sửa rồi bán lại cho người có nhu cầu.

Đến thời đổi mới, mở cửa, biết máy móc từ nước ngoài sẽ nhập vô nhiều nên chú bán dần hết máy cày và năm 1989 chuyển sang kinh doanh máy chà lúa.

Kinh doanh xay xát cũng lắm thăng trầm. Những năm đầu vốn ít, dây chuyền công nghệ lạc hậu, kinh nghiệm chưa nhiều nên kinh doanh không hiệu quả. Chú mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đi đầu trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại, nhờ vậy hiệu quả kinh doanh nhà máy của chú vượt trội so với những cơ sở khác trong huyện.

Từ 1 cơ sở xay xát lúa gạo Tân Long đặt tại ấp 2, xã Tân Bình (Cai Lậy) với số vốn 4 tỷ đồng vào năm 2000, đến nay cơ ngơi của gia đình chú Tư Lộc đã phát triển lên 5 nhà máy, trải dài trên tuyến tỉnh lộ 868, cái nào cũng quy mô rộng hàng nửa ha với công nghệ hiện đại.

Hệ thống nhà máy xay xát lúa gạo của gia đình chú Tư Lộc đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 250 lao động ở địa phương, với mức thu nhập trung bình từ 3 - 4 triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt, trước xu thế sản xuất thân thiện môi trường, cuối năm 2011 nhà máy Tân Long 1 là cơ sở xay xát lúa gạo đầu tiên trên địa bàn huyện Cai Lậy mạnh dạn đầu tư lắp đặt 2 hệ thống ép trấu viên.

Toàn bộ trấu từ nhà máy được chuyển thẳng qua hệ thống máy ép để cho ra sản phẩm là những viên trấu dùng làm chất đốt, năng suất bình quân đạt khoảng 50 tấn/ngày. Sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hiện nay tổng giá trị tài sản của gia đình chú Tư Lộc đã lên đến cả trăm tỷ đồng. Tất cả 6 người con của chú đều có cơ sở làm ăn, biệt thự và ôtô riêng. Nhưng điều quan trọng hơn cả đối với chú Tư là các con của chú đều chí thú làm ăn, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng đi lên.

XIN TRẢ “NỢ” ĐỜI!

Không chỉ làm ăn giỏi, chú Tư Lộc là người có nhiều đóng góp cho các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa tại Tân Bình. Sau khi tạo xong cái nền vững chắc cho các con phát triển, người thương binh già này chuyên tâm dành thời gian lo chuyện xã hội và xem đây là trách nhiệm thiêng liêng với đồng đội, đồng bào.

Chú Tư Lộc giản dị với chiếc xe máy cũ kỹ mang niềm vui đến với học sinh nghèo.
Chú Tư Lộc giản dị với chiếc xe máy cũ kỹ mang niềm vui đến với học sinh nghèo.

Khi giữ vai trò Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã, chú Tư đã đề xuất xin chủ trương tổ chức lễ giỗ liệt sĩ tại xã Tân Bình vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hàng năm và đứng ra ủng hộ tài lực để thực hiện. Lễ giỗ đầu tiên này được nhân dân ủng hộ nhiệt tình, được xem là mô hình hay, được nhân rộng ra các xã khác trong huyện Cai Lậy và hiện nay là chủ trương chung của toàn tỉnh.

Không những thế, hàng chục năm nay, người thương binh này còn dành toàn bộ tiền trợ cấp thương binh của mình (hiện tại là 2,5 triệu đồng/tháng) ủng hộ quỹ khuyến học - khuyến tài tại địa phương.

Từ việc làm gương mẫu của cha, các con của chú Tư đã noi theo. Họ là những doanh nhân biết chia sẻ với người khó khăn. Cả 5 cơ sở kinh doanh đều trích lợi nhuận mỗi năm để ủng hộ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, khuyến học - khuyến tài, xóa đói giảm nghèo của xã Tân Bình và huyện Cai Lậy.

Gia đình chú Tư Lộc đã xây tặng 1 căn nhà tình nghĩa cho con liệt sĩ, 5 căn nhà tình thương cho người nghèo. Đặc biệt, gia đình chú Tư còn ủng hộ hàng trăm triệu đồng, hàng chục tấn gạo làm quà cho bà con khó khăn trong và ngoài xã nhân dịp lễ, tết hoặc gặp thiên tai.

Không muốn nhắc nhiều việc tham gia công tác xã hội - từ thiện của bản thân và các con, chú Tư Lộc khề khà: “Bằng việc làm thường ngày của mình, chú dạy con cái rằng đồng tiền làm ra rất khó, phải biết giữ. Nhưng giữ tiền ở đây không phải là bo bo ôm của, mà phải sử dụng đúng mục đích, không tiêu xài hoang phí. Chúng ta sống trong cộng đồng, phải biết chia sẻ. Dù làm nghề gì đi chăng nữa, con người sống cũng phải biết đem 4 đức tính Tâm, Tài, Đức, Tín để trả “nợ” với đời!”.

THỦY HÀ

.
.
.