Thứ Hai, 20/08/2012, 15:22 (GMT+7)
.

Hoàn thiện, nhân rộng mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư

Tiền Giang là một trong 12 tỉnh được chọn thí điểm xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Qua thời gian thực hiện, mô hình đã cho những kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục.

An tâm sản xuất

Triển khai mô hình thí điểm doanh nghiệp - hợp tác xã (HTX) - xã viên HTX tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất lúa, Công ty Lương thực Tiền Giang tiến hành ký hợp đồng với HTX Nếp bè Tân Bình Thạnh (Chợ Gạo) bao tiêu 150 ha sản xuất nếp bè và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất trong vụ đông xuân 2011-2012.

Theo đó, công ty bao tiêu nếp với giá bảo hiểm 6.500 đồng/kg (xác định trên cơ sở giá thành cộng 40% lợi nhuận của nông dân), khi giá lúa thị trường cao hơn giá bảo hiểm, công ty mua theo giá thị trường. Kết quả, công ty mua trên 939 tấn lúa (quy lúa khô) của HTX, vượt 25,3% sản lượng so hợp đồng với giá cao hơn giá bảo hiểm 15%.

Ngoài ra, trong vụ đông xuân này, công ty còn tiến hành ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa với HTX Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè) 89 ha và các xã (không thông qua tổ hợp tác) gồm Bình Nghị (Gò Công Đông) 85 ha; Tân Hòa Tây (Tân Phước) 162 ha; Tân Phú 46 ha và Mỹ Phước Tây (Cai Lậy) 74 ha.

Đến thời điểm thu hoạch, công ty mua được 174,9 tấn lúa Jasmine của HTX Hậu Mỹ Trinh, trên 255 tấn  lúa IR 50404 ở xã Tân Hòa Tây, 171,4 tấn lúa IR 50404 ở xã Mỹ Phước Tây.

Ông Phạm Văn Chính, Phó Chủ nhiệm HTX Nếp bè Tân Bình Thạnh cho biết, theo hợp đồng, công ty bao tiêu 150 ha sản xuất nếp của HTX với sản lượng 750 tấn của 220 hộ dân tham gia, nhưng công ty mua vượt trên 25% sản lượng hợp đồng với giá cao hơn 15% so với giá bảo hiểm, nông dân rất phấn khởi, từ đó an tâm sản xuất.

Qua vụ đông xuân vừa qua, nhiều nông hộ bắt đầu có nguyện vọng xin vào HTX. “Nông dân rất phấn khởi vì được hỗ trợ kỹ thuật, công ty bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá đảm bảo cho nông dân có lời. Từ đó, các thương lái cũng không còn tự do ép giá nông dân như trước đây” - ông Chính nói.  

Thực hiện mô hình thí điểm doanh nghiệp - hộ kinh doanh - nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục sản xuất thanh long, Công ty TNHH Long Việt (Chợ Gạo) ký hợp đồng với 5 hộ kinh doanh lớn chuyên thu mua thanh long trên địa bàn huyện Chợ Gạo.

Qua thời gian thực hiện, công ty đã thu mua thanh long từ các hộ kinh doanh thông qua hợp đồng 495 tấn, chiếm 30% sản lượng thu mua của công ty với giá cao nhất 20.000 đồng/kg, giá thấp nhất 14.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, công ty cũng đã ứng vốn cho hộ kinh doanh và ứng vốn cho nông dân để mua thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất, xông đèn khoảng 1 tỷ đồng.

Từ đó, hộ kinh doanh và nông dân đã bớt đi phần nào gánh nặng vốn, đầu ra sản phẩm. “Tham gia mô hình, nông dân có nơi tiêu thụ thanh long với giá ổn định, được cung ứng một phần vốn khi thiếu hụt, chúng tôi rất an tâm. Chỉ có điều, nông dân còn phải tự mua phân bón, thuốc do chưa có đầu mối cung cấp với giá hợp lý” - ông Nguyễn Văn Khoa, ấp Hưng Ngãi, xã Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo) bày tỏ.

Thanh long là một trong 2 sản phẩm được chọn xây dựng mô hình thí điểm.
Thanh long là một trong 2 sản phẩm được chọn xây dựng mô hình thí điểm.

Nhiều “gút mắc” cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình thí điểm cũng có mặt hạn chế cần khắc phục để nhân rộng. Ông Nguyễn Văn Châu, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Kinh doanh - Xuất nhập khẩu (Công ty Lương thực tỉnh) cho biết, lúc đầu tham gia mô hình, công ty xúc tiến ký hợp đồng với HTX Bình Nhì (Gò Công Tây) nhưng hợp đồng không thực hiện được.

Nguyên nhân, 2 bên không thống nhất về cơ cấu giống lúa cho sản xuất do nông dân không bỏ được tập quán sản xuất lúa VD 20 để trồng lúa chất lượng cao, trong khi giống lúa này công ty rất khó tiêu thụ. Mặt khác, đối với khu vực phía Đông, công ty không có kho tàng, hệ thống sấy. Dù đã nỗ lực liên kết với hàng xáo mua trực tiếp lúa tươi của nông dân rồi sấy để cung cấp cho công ty nhưng chất lượng lúa do hàng xáo cung cấp không đảm bảo cho xuất khẩu.

Năng lực, cơ sở vật chất của các HTX, tổ hợp tác còn nhiều yếu kém như không có kho chứa, hệ thống sấy… không thể giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt hợp đồng tiêu thụ. Nông dân còn hạn chế nhận thức về trách nhiệm tuân thủ quy định trong hợp đồng (khi thương lái đẩy giá lúa cao để cạnh tranh giá mua với công ty, nông dân dễ phá vỡ hợp đồng).

Tổng diện tích Công ty Lương thực tỉnh đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa trong vụ đông xuân 2011-2012 là 626 ha, tổng sản lượng theo hợp đồng 3.130 tấn lúa của 950 hộ nông dân tham gia với giá bảo hiểm nếp bè 6.500 đồng/kg, lúa VD20 là 6.300 đồng/kg, Jasmine 5.824 đồng/kg, lúa chất lượng cao 5.324 đồng/kg, IR 50404 là 4.677 đồng/kg.

Kết quả, công ty mua thông qua hợp đồng trong vụ 1.541,2 tấn lúa khô, đạt 49,2% so với lượng theo hợp đồng đã ký.

Theo ông Trần Hữu Danh, Giám đốc Công ty TNHH Long Việt, thời gian qua, công ty tiến hành ký hợp đồng với một số hộ kinh doanh, phần lớn hộ kinh doanh còn lại chỉ “hợp đồng bằng miệng”.

Từ đó cho thấy độ rủi ro trong mua bán còn khá cao. Đó là chưa nói đến lượng thanh long mua qua hợp đồng chỉ đạt khoảng 30%, 70% còn lại mua trực tiếp của nông dân không qua hợp đồng.

Giá thanh long thường biến động, việc thỏa thuận giá ký kết với nông dân rất khó khăn. Ngoài ra, công ty cũng chưa liên kết thực hiện được khâu cung ứng trực tiếp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người sản xuất; nguồn vốn hạn chế không thể đáp ứng hết nhu cầu của hộ kinh doanh và nông dân.

Qua khảo sát 2 mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Tiền Giang vừa qua, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đánh giá, lợi ích lớn nhất của 2 mô hình là nông dân được bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá bán đảm bảo có lời, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng đảm bảo để tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Hạn chế lớn nhất của 2 mô hình là không tổ chức được việc cung ứng vật tư phục vụ sản xuất cho nông dân với giá hợp lý, tránh những rủi ro cho nông dân do sử dụng nhằm phân, thuốc giả; một số hộ không tuân thủ hợp đồng; quan hệ giữa công ty và hộ kinh doanh còn dựa nhiều vào “chữ tín” mà không hợp đồng bằng văn bản dẫn đến tính bền vững thấp, độ rủi ro cao.

Về vấn đề trên, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương đề nghị mở rộng mô hình về diện tích cũng như về loại cây trồng; quy hoạch vùng trồng theo hướng thị trường gắn với thương hiệu; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tích cực xúc tiến thương mại, liên kết các địa phương, doanh nghiệp; kêu gọi doanh nghiệp tham gia mô hình; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, đồng thời gắn kết với nông dân, tăng cường kiến thức pháp luật cho nông dân để họ tuân thủ hợp đồng.

N. VĂN

.
.
.