Làng cổ đợi tour
Xã Đông Hòa Hiệp nằm ở trung tâm du lịch huyện Cái Bè, có 6 ấp với 3.636 hộ dân sinh sống. Từ nhiều năm nay, nơi đây phát triển mạnh về du lịch cộng đồng, chủ yếu là loại hình du lịch sinh thái sông nước gắn với tham quan nhà cổ nhờ vào các lợi thế về sông nước, có nhiều nhà cổ, vườn cây ăn trái…
Đồng thời, với vị thế nằm trong Dự án Phát triển du lịch cộng đồng thuộc Dự án Phát triển du lịch Mê Kông, có bến tàu thủy du lịch Cái Bè, nằm cạnh tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre nên Đông Hòa Hiệp rất phù hợp để nối tuyến liên kết phát triển du lịch trong vùng.
Mặc dù có nhiều lợi thế phát triển du lịch nhưng cách làm du lịch của Đông Hòa Hiệp vẫn là tự phát, chưa xứng với tiềm năng và chưa thực sự thu hút du khách.
Nghèo nàn các loại hình dịch vụ
Nằm trong các hoạt động của Dự án “Hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam qua du lịch di sản” (triển khai từ năm 2010 đến năm 2014) do Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) kết hợp với Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).
Hoạt động liên kết này nhằm thực hiện các hoạt động truyền thông di sản, danh lam thắng cảnh, mỹ thuật thủ công tại ba ngôi làng cổ ở Việt Nam là Đường Lâm (Hà Nội), Phước Tích (Thừa Thiên - Huế) và Đông Hòa Hiệp (Tiền Giang).
Dự án nhằm mục đích giúp người dân địa phương xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch và dịch vụ, quảng bá sản phẩm vốn có của dịa phương.
Khách du lịch nước ngoài tham quan ngôi nhà cổ của ông Ba Đức tại xã Đông Hòa Hiệp. |
Riêng tại làng cổ Đông Hòa Hiệp, mặc dù dự án du lịch dựa vào cộng đồng đã được triển khai từ rất sớm nhưng so với hai làng Đường Lâm (Hà Nội) và Phước Tích (Thừa Thiên - Huế) thì cách làm du lịch ở Đông Hòa Hiệp được ví như “nàng tiên chưa tỉnh giấc”.
Theo thống kê của các chuyên gia của Tổ chức JICA, trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 lượt khách trong và ngoài nước đến Đông Hòa Hiệp tham quan thông qua các công ty lữ hành du lịch. Còn lại số lượng khách đi tự do không nhiều, trung bình mỗi ngày chừng hai, ba chục người.
Giải thích vì sao một ngôi làng cổ có tiếng nằm trong vùng du lịch nổi tiếng Cái Bè lại thường xuyên “đói tour”, ông Ando Katsuhiro, chuyên gia Phát triển du lịch của Tổ chức JICA, cho biết: “Trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi nhận thấy ngôi làng Đông Hòa Hiệp trên thực tế nhận được khá nhiều đoàn du khách đến để “trải nghiệm cuộc sống chậm”.
Song, hầu như các đoàn đến rồi đi trong chớp nhoáng. Vì tại đây không có các hoạt động dịch vụ để “níu chân” du khách. Ở Việt Nam, các công ty du lịch đổ dồn vào khai thác du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhưng người dân bản địa hầu như không được hưởng lợi gì”.
Cũng theo ông Ando Katsuhiro, mặc dù làng Đông Hòa Hiệp có những ngôi nhà cổ với hơn trăm năm tuổi, những ngõ xóm rất đẹp. Tuy nhiên, để thu hút du khách cũng như có được nhiều tour, cần đẩy mạnh công tác quảng bá trên các phương tiện truyền thông, vì hiện tại việc làm này rất yếu, nếu phải nói thẳng ra là không có gì.
Việc cần làm ngay bây giờ là tuyên truyền, giới thiệu về làng Đông Hòa Hiệp tại sân bay, bến tàu du lịch và cả các bến xe để thu hút du khách.
Cần phát triển du lịch theo hướng người dân hưởng lợi
Tại Đông Hòa Hiệp hiện có khoảng 8 ngôi nhà cổ thì chỉ có ngôi nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt ở ấp Phú Hòa là may mắn khi được Tổ chức JICA tài trợ 1,8 tỷ đồng trùng tu năm 2002. Còn lại các ngôi nhà cổ khác thì chủ nhân phải “tự thân vận động”.
Khách tham quan bên trong nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt. |
Ngoài ra, còn có người dân tham gia làm du lịch ở Đông Hòa Hiệp bằng các nghề thủ công như làm cốm, tráng bánh tráng, bánh phồng sữa… khách du lịch chỉ tới tham quan, ít khi mua sản phẩm. Hầu hết, người dân phải tự tìm đầu mối tiêu thụ những sản phẩm đã làm cho du khách tham quan nhưng đây là những sản phẩm riêng lẻ, lượng tiêu thụ thấp.
Vào mùa mưa không có nắng để phơi bánh, nếu là hộ dân không làm du lịch họ sẽ tạm ngưng công việc hoặc chỉ tráng bánh với số lượng ít hơn mùa nắng. Song những hộ làm du lịch lại không thể tự điều tiết sản phẩm làm ra, cứ có khách vào họ phải tráng bánh cho khách xem. Bánh phơi gió lại không ngon, chất lượng bánh giảm, giá thấp hơn trong khi giá nguyên liệu lại tăng. Thậm chí có ngày bánh làm ra không kịp phơi phải bỏ. Người dân coi như mất cả vốn lẫn lời.
Riêng các công ty du lịch chỉ trả chi phí trà nước cho các điểm liên kết, những chi phí khác (chi phí nguyên liệu làm ra sản phẩm cho khách xem, chi phí vận chuyển nhiên liệu đốt, công sức…) người dân tự trang trải. Thu nhập từ việc tham gia kinh doanh du lịch thấp, dẫn tới người dân làm các nghề truyền thống không tha thiết với việc làm du lịch.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cái Bè cho rằng, sự phân chia lợi nhuận không cân bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và người dân tham gia du lịch. Người dân địa phương chưa thực sự được hưởng lợi từ du lịch, đó là nguyên nhân làm cho người dân “quay lưng” hoặc chưa mặn mà với du lịch.
Theo bà Kobayashi Akiko, điều phối viên Dự án “Hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam qua du lịch di sản”, sở dĩ dự án chọn làng Đông Hòa Hiệp cũng như hai làng khác của Việt Nam để triển khai thực hiện là vì các làng này đã có sẵn các yếu tố văn hóa, di sản, cộng đồng dân cư ổn định. Theo lịch trình dự án triển khai tại làng Đông Hòa Hiệp từ tháng 8-2011 đến hết tháng 3-2012 sẽ tổ chức hoạt động điều tra về kiến thức, trang phục, ẩm thực; đồng thời tiến hành xây dựng đoạn đường dài 700m (cặp rạch Bà Hợp ở ấp An Lợi) dẫn đến ngôi nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt với các hạng mục như: trồng cây xanh, gắn đèn chiếu sáng, các điểm nghỉ chân… Dự toán kinh phí khoảng 1,1 tỷ đồng. Các hoạt động này sẽ do nhóm chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh cùng với các ngành chức năng huyện Cái Bè và xã Đông Hòa Hiệp thực hiện. |
Trong khi đó, một số công ty lữ hành du lịch lại cho rằng, hiện tại làng cổ Đông Hòa Hiệp vẫn chưa thu hút được nhiều tour là do các yếu tố tạo nên trở ngại như phương tiện, hạ tầng, dịch vụ, thủ tục lưu trú, đặc biệt là sự thiếu chuyên nghiệp của chủ nhà vốn chưa biết nhiều về du lịch.
Đại diện một công ty du lịch tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua công ty có thực hiện mô hình Homestay (loại hình du lịch lưu trú ở nhà dân) tại làng cổ Đông Hòa Hiệp, ngoài việc góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương nhờ các hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng.
Tuy nhiên, mô hình Homestay được triển khai tại làng cổ này hiện nay chưa thực sự thu hút du khách. Bởi việc đón tiếp khách tại điểm chưa đi vào hệ thống vì còn thiếu các nội quy và biển báo. Du khách muốn lưu trú qua đêm tại đây, nhưng trong làng không có nhiều hoạt động vào buổi tối.
Việc quản lý tạm trú, tạm vắng trong thời gian khách lưu trú còn nhiều phiền hà. Mặc dù các hoạt động sản xuất thủ công của người dân như làm cốm, tráng bánh tráng, bánh phồng sữa… được xem là “xương sống” trong việc xây dựng các tour, tuyến khám phá Đông Hòa Hiệp, nhưng việc sản xuất này chưa thường xuyên vì đầu ra không ổn định.
Trong một chuyến làm việc gần đây tại làng Đông Hòa Hiệp, kiến trúc sư Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh, đã nói về cách làm du lịch ở Đông Hòa Hiệp nên gắn liền với các ngành nghề thủ công và nhà cổ.
Theo ông, khi làm du lịch, phải hiểu hai vấn đề. Thứ nhất, đây là đối tượng của du lịch văn hóa, không phải du lịch “vắt chanh”, du lịch vui chơi giải trí… Thứ hai, phát triển du lịch phải gắn với quyền lợi của người dân. Phải lấy di sản làm tài nguyên, như Hội An, để phát triển du lịch; phải gắn bảo tồn, quyền lợi của người dân và du lịch làm một.
PHƯƠNG NGHI