Thứ Sáu, 17/08/2012, 10:27 (GMT+7)
.

Làng nuôi cá bè khổ vì tin đồn thất thiệt

Nghề nuôi cá lồng bè phát triển mạnh tại Tiền Giang trong khoảng 10 năm trở lại đây. Lúc cực thịnh, trên đoạn sông Tiền thuộc địa phận TP. Mỹ Tho và huyện Châu Thành tập trung 1.500 lồng bè cá neo đậu.

Hình ảnh những ngôi nhà bè nổi liên hợp là nơi ở, kho chứa bảo quản thức ăn chăn nuôi cùng các vật dụng khác; bên dưới là khu vực nuôi cá neo đậu nối tiếp nhau trải dài trên một quãng sông hàng chục km càng làm cho không gian du lịch sông nước thêm giàu sức sống. Có thể nói hiệu quả được nhân lên. Thế nhưng sóng gió nổi lên ở làng bè bởi tin đồn thất thiệt...

ĐIÊU ĐỨNG VÌ TIN ĐỒN

Năm 2012 có thể xem là năm “đại hạn” của nghề nuôi cá lồng bè. Giá cá thịt tụt dốc thê thảm, trong khi thức ăn chăn nuôi và các chi phí sản xuất cần thiết đều tăng mạnh, đưa đến hạch toán thua lỗ nặng; nhiều hộ không chịu đựng nỗi phải tính kế bán lồng bè cá nhảy lên bờ làm nghề khác sinh sống...

Không dừng lại ở đó, người nuôi cá lồng bè phải gánh chịu từ những thông tin không đúng như: “cá điêu hồng lồng bè nhiễm chất cấm”, “ăn cá điêu hồng bị bệnh”... trong thời gian qua khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm cá điêu hồng.

Đìu hiu làng bè.
Đìu hiu làng bè.

Về thăm làng cá lồng bè trên sông Tiền hôm nay mới thấy rõ ảnh hưởng của những thông tin thất thiệt trên vẫn còn hết sức nặng nề. Ông Nguyễn Văn Tạo, cư ngụ tại ấp Thới Hòa (Thới Sơn, TP. Mỹ Tho) có thâm niên 8 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng và hiện sở hữu 20 bè cá - mỗi lồng bè có vốn đầu tư đóng mới lên đến 50 triệu đồng, ông ngán ngẩm bày tỏ bức xúc trước thiệt hại rất lớn từ những thông tin đó làm cho giá cá sụt giảm, người tiêu dùng không ăn, sản phẩm không tiêu thụ được, người nuôi thua lỗ tiền tỷ.

Bản thân ông mới xuất bán trên 20 tấn cá điêu hồng với giá 27.500 đồng/kg, tháng trước, lỗ trên 20 triệu đồng. Lỗ như vậy là mừng lắm rồi – ông nói thêm. Bởi lẽ giá cá thịt hiện nay thương lái thu mua chỉ còn 25.500 đồng/kg trong khi giá thức ăn cùng các chi phí khác đều tăng đã đội giá thành lên đến 29.000 đồng/kg. Nghĩa là cứ xuất bán mỗi tấn cá người nuôi lỗ từ 3,5 - 4,5 triệu đồng. Mỗi lồng cá cho sản lượng 7 tấn, người nuôi lỗ từ 40 – 50 triệu đồng sau 5 tháng nuôi (!).

TƯƠNG LAI NÀO CHO LÀNG CÁ LỒNG BÈ?

Ông Nguyễn Văn Phú, ấp Thới Hòa, Thới Sơn cho biết, gia đình ông nuôi 6 lồng cá. Mỗi lồng trong một vụ nuôi đòi hỏi vốn đầu tư trên 200 triệu đồng (chưa tính chi phí đóng lồng), đến kỳ thu hoạch từ 6 – 7 tấn cá. Với giá hiện nay, ước tính trung bình 6 lồng cá trên ông lỗ 140 triệu đồng. Nhiều hộ dân không chịu đựng nổi đang tính kế bán bớt hoặc “treo bè” chờ thời.

Điển hình như ông Phan Phú Cường sở hữu 20 lồng bè đang bán bớt phân nửa. Đơn giản bởi càng đầu tư cho nghề nuôi cá lồng bè thời điểm hiện nay càng lỗ nặng. Cũng nên đề cập đến một nghịch lý: Trong khi giá bán sỉ cho thương lái như thế thì giá bán lẻ cho người tiêu dùng tại các chợ không hề giảm, vẫn ở mức 40.000 – 45.000 đồng/kg tùy thời điểm. Nghĩa là không loại trừ lợi dụng thời cơ, tư thương ép giá người nuôi.

Vậy thì tương lai nào cho làng nghề nuôi cá lồng trên sông Tiền?  Trước mắt, vẫn còn hết sức ảm đạm và chưa thể nói trước được điều gì bởi nhiều áp lực đang đè nặng lên người nuôi: Suy giảm kinh tế, giá cả các mặt hàng thiết yếu nói chung đều tăng, đầu ra nông sản bấp bênh trong khi vốn đầu tư lớn và đa phần là tiền vay bạc hỏi... Làng nuôi cá lồng bè mỗi ngày một đìu hiu, xơ xác. Ít người còn tha thiết với nghề từng giúp bà con dựng nên cơ nghiệp ngày nào, thay vào đó họ đang tính đến những phương cách khác để cứu lấy mình.

Trong khi đó, ngay từ cuối tháng 4-2012, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã khẳng định không phát hiện chất cấm Trifluralin trên cá điêu hồng nuôi lồng bè. Mặc dù ngành chức năng đã sớm khẳng định như thế nhưng thực trạng trên cho thấy việc gầy dựng thương hiệu cá điêu hồng lồng bè tốn nhiều công sức nhưng giữ gìn thương hiệu càng nan giải hơn.

Làm sao trả lại công bằng cho con cá điêu hồng và nghề nuôi cá điêu hồng lồng bè trong khi chỉ với một vài thông tin thất thiệt, thiếu trách nhiệm đã gây thiệt hại lớn cho nông dân và cho nền kinh tế? Câu hỏi bức xúc ấy của bà con rõ ràng vẫn chưa được trả lời một cách thỏa đáng.

MINH TRÍ

.
.
.