Thứ Sáu, 24/08/2012, 07:12 (GMT+7)
.

Nhận diện, nỗ lực phát triển nông nghiệp chất lượng và bền vững

Tiền Giang là một trong những tỉnh đi đầu trong sản xuất trái cây, lúa theo GAP, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Đây là những điểm chấm phá trong nỗ lực hướng đến nền nông nghiệp chất lượng, bền vững.

Tiền Giang là một trong những tỉnh trọng điểm ở vùng ĐBSCL về sản xuất lương thực với sản lượng 1,3 triệu tấn/năm, cây ăn trái đạt sản lượng 1 triệu tấn/năm; chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng rất lớn. Tuy nhiên, đời sống nông dân (80% người dân trong tỉnh sống bằng nghề nông) còn gặp nhiều khó khăn, bấp bênh, thu nhập thấp.

Ông Dương Minh Điều, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã khái quát như thế tại buổi tọa đàm phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng và bền vững. Theo ông, xu thế sản xuất nông nghiệp hiện nay không những chú trọng năng suất, chất lượng mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thấy rõ xu thế này, thời gian qua, Tiền Giang là một trong những tỉnh đi đầu trong tổ chức sản xuất theo hướng chất lượng, bền vững. Cụ thể, triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng đi này cho các sản phẩm chủ lực, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có lúa ở Mỹ Thành Nam, chôm chôm ở Tân Phong, nhãn tiêu da bò, cam sành Cái Bè, khóm Tân Phước đã đạt các tiêu chuẩn GAP, cá tra đạt SQF… Ngoài ra, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công và một số nông sản khác cũng đạt tiêu chuẩn GAP.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái trong sản xuất lúa, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn thực phẩm. Điều này cho thấy sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành của tỉnh và sự hưởng ứng của nhân dân. Ngoài việc ban hành các cơ chế, chính sách, tỉnh còn tranh thủ các nguồn vốn từ lồng ghép các dự án, chương trình vào thực hiện định hướng trên để tránh đầu tư dàn trải không hiệu quả.

Tiền Giang đang xây dựng nền nông nghiệp bền vững, chất lượng, trong đó cây ăn trái đi tiên phong với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP.
Tiền Giang đang xây dựng nền nông nghiệp bền vững, chất lượng, trong đó cây ăn trái đi tiên phong với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP.

Thực hiện chức năng của mình, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp hướng đến mục tiêu đề ra. Trong đó, ngành chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực.

Tính đến cuối năm 2011, ngành phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đào tạo trên 100 cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, nhân rộng GAP; đào tạo nông dân thông qua tập huấn, hội thảo; triển khai xây dựng các mô hình GAP.

Đến nay, toàn tỉnh có 10 sản phẩm đạt các tiêu chuẩn trên, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học được triển khai, nhân rộng. Ngành cũng đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu cho tỉnh xây dựng 2 nghị quyết về nông nghiệp, trong đó chú trọng đến phát triển an toàn, bền vững và áp dụng công nghệ cao.

“Muốn sản phẩm an toàn, chất lượng cao đòi hỏi phải có con giống chất lượng cao, điều kiện canh tác và sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chuỗi giá trị, bảo đảm môi trường. Đó là lý do ngành Nông nghiệp chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh sản xuất theo chất lượng, hiện đại” - ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT xác định.

Là một trong những kênh hỗ trợ đắc lực thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển thương mại nông sản thông qua các hoạt động mời tham gia hội chợ, triển lãm, hội thi, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là thị trường châu Âu, Hoa Kỳ...

“Qua nghiên cứu thị trường, trung tâm đưa ra những khuyến cáo cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; phối hợp với các ngành tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ quảng bá sản phẩm nông nghiệp; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao” - ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc trung tâm nói.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, kết quả của phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, chất lượng trong thực tế còn khá khiêm tốn. Đó là diện tích không đáng kể, chưa đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và ngoài nước. Vì thế, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng trên.

Ông Dương Minh Điều cho biết, trong thời gian tới, tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng mô hình công nghệ sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ xử lý môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, ban hành các cơ chế chính sách đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, bền vững.

Hiện thực hóa định hướng trên, ông Cao Văn Hóa cho biết, ngành Nông nghiệp làm nòng cốt phối hợp với các ngành, đơn vị bám sát quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh để quy hoạch phát triển các loại sản phẩm, đẩy mạnh 4 chương trình trọng điểm của tỉnh về lúa gạo, kinh tế vườn, chăn nuôi và thủy sản.

Cụ thể, khu vực trung tâm gồm huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho và một phần huyện Chợ Gạo tập trung phát triển rau, quả, cây cảnh, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sinh thái, công nghệ cao… Khu vực phía Tây của tỉnh, ngành tập trung phát triển các loại cây ăn trái chủ lực, lúa chất lượng cao, thủy sản nước ngọt, chăn nuôi an toàn sinh học.

Trước mắt, Tiền Giang chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác tốt tiềm năng nông nghiệp ở địa phương theo hướng bền vững, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu. Đặc biệt, cuối năm 2012, tỉnh đăng cai tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL với chủ đề hướng đến nền nông nghiệp chất lượng bền vững. Qua các hoạt động của diễn đàn, đây là cơ hội cho nông nghiệp tỉnh nhà có cơ hội quảng bá sản phẩm, thúc đẩy liên kết, tăng giá trị cho nông sản.

N. VĂN

.
.
.