Cánh đồng mẫu lớn chưa giúp nông dân hết thiệt thòi
“Gần đây mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được nhiều nơi nhắc đến như là giải pháp ưu việt, nhưng thực tế mô hình này chưa đáp ứng yêu cầu mà nông dân mong muốn, nhất là yêu cầu tiêu thụ đầu ra. Chúng ta cần có giải pháp thực tế hơn”, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh trong hội nghị về cánh đồng mẫu lớn được tổ chức vừa qua tại Hà Nội.
GS Võ Tòng Xuân xót xa nhắc đến chuyện từ cuối vụ đông xuân 2011 - 2012 cho đến vụ hè thu mới đây, nông dân ĐBSCL bội thu liên tiếp, nhưng cái hồ hởi của bà con mới “phựt lên rồi lại tắt ngấm vì các công ty lương thực không mua lúa”. Thương lái không mua lúa, bắt buộc nông dân phải bán rẻ để cho các doanh nghiệp kinh doanh lương thực và đạo quân thương lái của họ dùng tiền không lãi suất của nhà nước mua tạm trữ cho công ty thay vì cho nông dân.
Cánh đồng mẫu lớn ở An Giang. Ảnh: nongnghiep.vn |
Vì sao đến giờ nông dân vẫn nghèo, không tiền dành dụm trong nhà, lại nợ trong nợ ngoài? Nông dân đã góp phần đưa Việt Nam lên ngôi vị xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, nhưng chính họ không có tiếng nói nào trong quyết định giá cả và sản phẩm họ làm ra. Họ cũng không được hưởng gì từ hỗ trợ của Nhà nước đưa ra với danh nghĩa “tạm trữ cho nông dân”.
GS Võ Tòng Xuân phân tích, khi thu hoạch lúa với hàng triệu tấn, nông dân chỉ biết trông chờ vào Chính phủ nhưng Chính phủ lại giao toàn quyền cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mà thực chất là Tổng Công ty Lương thực (Vinafood I & II) định đoạt. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều năm nay giá lúa do VFA định thường chỉ bảo vệ lợi ích cho Vinafood hơn là cho nông dân.
Lại thêm việc các thương lái trộn lẫn nhiều loại gạo để bán cho doanh nghiệp xuất khẩu một cách hỗn độn nên gạo của Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu trên thế giới. “Nếu chúng ta tiếp tục để sản xuất nông nghiệp như thế này thì chắc chắn nông dân sẽ không thể giàu, như thực tế đã chứng minh trong suốt hơn 30 năm qua”, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Từ đó, ông nêu đề xuất mở lối ra cho nông dân, đó là nhà nước cần sớm tổ chức lại hệ thống sản xuất lúa gạo theo mô hình công ty cổ phần nông nghiệp. Nói cách khác, gắn các “cánh đồng mẫu lớn” với mô hình công ty đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Vai trò nhạc trưởng trong thành lập các công ty cổ phần này chính là đại diện của Sở NN&PTNT các tỉnh. Kết hợp việc quy hoạch vùng sản xuất và kết hợp với liên minh hợp tác xã, Hội Nông dân, tập hợp nông dân tham gia.
Đặc biệt, các xã viên được quyền mua cổ phiếu của các công ty cổ phần bằng lúa thay vì mua bằng tiền mặt. Đến cuối niên vụ, công ty cổ phần sẽ chia lãi cho nông dân. Nhờ đó, nông dân luôn được lãi, hoàn toàn khác với việc mua bán đứt đoạn với thương lái như hiện nay.
(Theo sgtt.vn)