Thứ Sáu, 10/08/2012, 07:38 (GMT+7)
.

Điều lo cũ chưa qua, nỗi lo mới lại đến với doanh nghiệp

Cú “tăng 3” về giá điện, xăng dầu, gas gần đây đã đẩy doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vào tình thế “Điều lo cũ chưa qua, lo mới lại đến”. Thực tế này cho thấy, phần nào đi ngược lại chủ trương của Chính phủ khi đang thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường đã và đang là liều thuốc hữu hiệu nhất để giúp doanh nghiệp bước qua giai đoạn “bão tố” hiện nay. Thông qua việc miễn, giảm thuế và giảm lãi suất ngân hàng sẽ kích thích sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.

Với gói hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, các doanh nghiệp vẫn cho rằng còn một thời gian dài nữa mới có thể khôi phục sản xuất và tăng trưởng. Tuy nhiên, từ ngày 1-7 giá điện tăng tương đương 5% (chưa bao gồm VAT); từ ngày 1-8 giá gas tăng thêm 52.000 đồng/bình 12 kg và giá xăng tăng 900 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng 500 đồng/lít, kg… đã phần nào dập tắt hy vọng hồi phục sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.

Hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất cầm cự.
Hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất cầm cự.

Trong khi trên thực tế, gói hỗ trợ của Chính phủ thông qua các nhóm giải pháp mới chỉ trong giai đoạn đầu thực hiện, nên hiệu quả mang lại cũng chỉ mang tính nhất thời.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc DNTN SD (Cụm công nghiệp Trung An) cho biết, đơn vị đang làm việc với 3 ngân hàng, nhưng đến ngày 3-8 chỉ có 1 ngân hàng giảm lãi suất cho vay theo chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước (tức lãi suất cho vay dưới 15%/năm), 2 ngân hàng còn lại lãi suất cho vay vẫn còn gần 17%/năm, dù là vay ngắn hạn.

Có lẽ các ngân hàng còn chờ thêm thời gian nữa để luân chuyển vốn đầu vào, với mức lãi suất huy động thấp hơn. Chỉ riêng có điểm mới là Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) Chi nhánh Mỹ Tho cho vay tín chấp theo L/C (Letter of Credit, thanh toán tín dụng thư, cách này chỉ dành cho thanh toán quốc tế).

Trước đây, các ngân hàng chỉ cho vay theo dạng chiết khấu, tức là khi đã làm hàng xong, giao chứng từ đi thì ngân hàng cho vay, còn nay ngân hàng cho vay ngay khi mở L/C, với mức vay bằng 70% giá trị lô hàng.

“Trong khi đó, chỉ riêng tháng 7, khi áp dụng giá tính tiền điện mới, chi phí tiền điện đã tăng thêm 15%. Kèm theo giá xăng tăng 2 lần liên tiếp chắc chắn chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu sẽ tăng theo, dự báo không dưới 10%.

Như vậy, việc giảm lãi xuất cho vay chưa chắc bù được chi phí tăng thêm của việc tăng giá điện, xăng dầu. Cộng dồn các yếu tố sản xuất - kinh doanh mới tăng, chi phí đầu vào của sản phẩm sẽ tăng không dưới 15%, trong khi giá sản phẩm rất khó tăng ngay vì giá sản phẩm được ký ổn định ít nhất cũng phải 6 tháng hay một năm trở lên. Do vậy, doanh nghiệp thực chất không được hưởng lợi từ chủ trương giảm lãi suất ngân hàng” - ông Nguyễn Văn Dũng phân tích thêm.

Còn theo giám đốc một doanh nghiệp trong ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ, vướng mắc lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay còn nằm ở chỗ tỷ giá giữa VND/USD. Do chính sách của Nhà nước kìm tỷ giá trong thời gian dài, trong khi giá trị đầu vào trong nước tăng cao. Nếu cộng dồn 2 năm gần đây, tỷ lệ tỷ giá giảm cũng phải 20%, lại có xu hướng tiếp tục giảm.

Trong khi đó, muốn đàm phán để tăng giá sản phẩm với đối tác nước ngoài lại không phải là điều đơn giản vì một sản phẩm ở thị trường nước ngoài thông thường ổn định một giá trong suốt vòng đời sản phẩm, có thể từ 3-5 năm. Nên khách hàng khó chấp nhận việc tăng giá sản phẩm liên tục như các doanh nghiệp của Việt Nam.

“Thời gian này doanh nghiệp vẫn phải sản xuất cầm cự, đến lúc nào đó Nhà nước thả nổi bớt tỷ giá, các doanh nghiệp xuất khẩu mới đỡ. Chưa kể ngoài chi phí điện, xăng dầu, sắp tới chi phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, lộ trình cải cách tiền lương tối thiểu… sẽ tăng, nên chi phí đầu vào sẽ tăng thêm quá nhiều”- Đó là lý giải của vị giám đốc.

Ở nhóm doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu cũng không nằm ngoài tình hình chung. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng nhận định, thị trường tiêu thụ Mỹ, Nhật hiện tại cũng không được tốt nhưng nặng nhất vẫn là thị trường châu Âu do đang bị khủng hoảng.

Trong khi đó, tình hình trong nước, hiện tại lãi suất vay ngân hàng có giảm nhưng doanh nghiệp muốn tiếp cận với lãi suất thấp là rất khó, bởi nợ cũ với lãi suất cao vẫn còn. Thứ nữa, mặc dù với mức lãi suất tương đối thấp nhưng doanh nghiệp không biết vay để làm gì vì thực tế “cơ thể” doanh nghiệp đã bị “lạnh” do trải qua thời gian dài khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đạo cho rằng, cái lo của doanh nghiệp hiện nay là giá xăng, điện tăng khiến giá thành sản phẩm tăng thêm. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể tăng giá sản phẩm do kinh tế sụt giảm. Mặt khác, có tăng giá sản phẩm cũng rất khó bán được hàng. Nếu tình trạng giá xăng, điện cứ tăng không kiểm soát, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực sẽ càng lớn thêm và điều này không kích thích sản xuất.

“Đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, riêng chi phí tiền điện đã chiếm mất từ 5-7% doanh thu. Giá điện, xăng, dầu, gas tăng sẽ kéo theo các chi phí khác tiếp tục đội lên như phí vận chuyển, phí bao bì, phí bảo quản… tác động lên giá nguyên liệu cá, tôm. Trong khi đó, doanh nghiệp đang “bí” đầu ra, bán giá thấp nên có thể dẫn đến lỗ nặng” - ông Nguyễn Văn Đạo phân tích.

Rõ ràng các doanh nghiệp đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn nhưng hy vọng để ổn định, hồi phục sản xuất - kinh doanh vẫn còn rất mong manh. Nói như ông Đoàn Thành Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, phải mất một thời gian dài nữa doanh nghiệp mới có cơ may phục hồi sản xuất, tất nhiên cũng không ít doanh nghiệp "chịu đau" khi phải đi đến con đường phá sản hay giải thể.

THẾ ANH
 

.
.
.