Đồng loạt, linh hoạt dập dịch “chổi rồng”
Sau khi Ban Chỉ đạo (BCĐ) tỉnh về phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi phát động ra quân đồng loạt chống dịch bệnh “chổi rồng” hại nhãn trên toàn tỉnh, các địa phương đã tiếp nhận và chuyển giao các loại thuốc đặc trị (từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước) về cơ sở cung cấp cho nông hộ trồng nhãn để triển khai chống dịch.
Tập trung và quyết liệt
Ngay sau lễ ra quân chống dịch “chổi rồng” trên toàn tỉnh và tiếp nhận thuốc đặc trị bệnh này từ BCĐ tỉnh, huyện, những ngày qua, các xã, ấp tổ chức cấp phát thuốc cho nông dân, hướng dẫn quy trình chống dịch; còn nhà vườn tiến hành cắt và tỉa cành, phun thuốc cho vườn nhãn của mình.
Ông Bùi Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh (Cái Bè) cho biết, ngay khi nhận thuốc ngày 10-8, xã chuyển ngay cho các ấp. Những ngày qua, các ấp tổ chức cấp phát thuốc cho nông dân. Các hộ dân đã nhận thuốc và đang tiến hành các bước xử lý.
Phun thuốc chống bệnh “chổi rồng” trên nhãn tại xã Hòa Khánh (Cái Bè). |
Theo chân cán bộ nông nghiệp xã Hòa Khánh, chúng tôi đến hộ anh Phạm Hoàng Hiệp, ấp Hòa Phúc. Anh cho biết vừa mới nhận thuốc do Nhà nước hỗ trợ vào lúc sáng và sẽ tiến hành cắt tỉa, phun xịt trong vài ngày tới.
Anh Hiệp bày tỏ: “Vườn nhãn 1,1 ha bị bệnh “chổi rồng” 2 năm nay. Tôi tốn hàng triệu đồng cho việc điều trị nhưng không hết. Đang lúc khó khăn, Nhà nước hỗ trợ thuốc và chi phí cắt tỉa, có quy trình xử lý cụ thể, vườn nhãn (nguồn thu chủ yếu của gia đình) hy vọng còn cứu được”.
Anh Phạm Văn Thắm, gần bên cũng cho biết vừa nhận thuốc trị “chổi rồng” về. “Nếu Nhà nước không hỗ trợ lần này chắc tôi bỏ luôn quá. Trước đây mạnh ai nấy làm, tốn tiền mà không hiệu quả, giờ được hỗ trợ thuốc, tổ chức chống dịch đồng loạt, cơ hội thành công cao hơn. Ai cũng vui” - anh Thắm nói.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè, qua gần nửa tháng ra quân, toàn huyện đã cắt tỉa trên 950 ha, trong đó diện tích phun xịt thuốc dập dịch trên 850 ha.
Tại huyện Châu Thành, không khí chống dịch “chổi rồng” cũng đang diễn ra rầm rộ. Chị Ngô Thị Thảo Trang, cán bộ nông nghiệp xã Dưỡng Điềm cho biết, xã đã chuyển hết lượng thuốc trị bệnh “chổi rồng” xuống các ấp. Các ấp đang tiến hành cấp phát cho dân. Bên cạnh đó, xã cũng thành lập đội xung kích để phun xịt thuốc cho những hộ neo đơn, khó khăn về lao động.
Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng ấp Thuận, xã Dưỡng Điềm cho biết, ngay khi nhận thuốc vào ngày thứ sáu, sang chủ nhật ông tiến hành cấp phát thuốc cho nông dân. Ghé nhà vườn Nguyễn Thanh Hùng, ấp Thuận, xã Dưỡng Điềm, hỏi về chống dịch “chổi rồng”, anh cho biết: “Nhận thuốc về ngày chủ nhật đến thứ ba anh đã tiến hành phun xịt ngay. 3 hộ gần bên cùng nhận thuốc chung với hộ của anh cũng đang chuẩn bị tiến hành phun”.
Tại Cai Lậy, theo báo cáo từ BCĐ các xã, đến ngày 23-8 toàn huyện có trên 500 ha nhãn bị bệnh đã cắt tỉa và ra quân phun xịt thuốc chống bệnh “chổi rồng”.
Linh hoạt trong quy trình
Theo kế hoạch của BCĐ tỉnh, đợt ra quân chống dịch “chổi rồng” trên nhãn diễn ra đồng loạt tại các huyện (có diện tích nhãn bị bệnh “chổi rồng”) và TP. Mỹ Tho từ ngày 10-8 đến 31-12 qua 6 đợt xử lý.
Theo quy trình, trong lần xử lý đầu tiên, nông dân phải cắt tỉa cành rồi tiêu hủy chúng trước khi phun thuốc bảo vệ thực vật vào cây. Sau khi cây ra cơi đọt thứ 1 tiến hành cắt tỉa bỏ những cành bị tái nhiễm và tiếp tục phun thuốc trừ nhện lông nhung lần 2 rồi phun tiếp lần 3 sau 7 ngày (Công việc này lập lại đến khi đủ 6 lần xử lý). Phương châm ra quân chống dịch là đồng loạt, tập trung, hiệu quả và an toàn.
Song, khi triển khai công tác dập dịch, yêu cầu đồng loạt, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xem ra rất khó thực hiện.
Theo Chi cục Bảo vệ Thực vật, tuần qua, tỉnh đã hoàn tất việc tập kết thuốc cho các địa phương có diện tích nhãn nhiễm bệnh “chổi rồng”. Hiện các xã đang tiến hành cấp phát cho dân để ra quân chống dịch. Cụ thể, các huyện: Cái Bè, Châu Thành, Tân Phú Đông đã hoàn tất việc cấp thuốc đến nông dân. Tại TP. Mỹ Tho, công tác cấp phát thuốc cho nông dân đã cơ bản xong, riêng xã Thới Sơn đã cấp phát thuốc đến nông dân khoảng 60%. Huyện Cai Lậy đã cấp phát thuốc đến nông dân xong lượng thuốc huyện đã nhận đợt 1 và 50% thuốc đã nhận đợt 2. Nông dân đang tiến hành cắt tỉa những chồi bị tái nhiễm và phun thuốc đợt 1. |
Chị Trần Thị Nguyên, Quyền Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, cho rằng dịch bùng phát trong thời gian dài, mỗi nông hộ đã tự chống dịch theo một kiểu, do đó vườn nhãn ở nhiều giai đoạn khác nhau, có vườn không được chăm sóc và điều trị, có vườn đã tiến hành xử lý rất nhiều lần...
Vì thế, không thể tiến hành cắt tỉa, phun xịt đồng loạt và qua 6 lần xử lý theo đúng quy trình. “Trước khi ra quân chống dịch, có nhiều vườn đã xử lý đợt 1, đợt 2, một số vườn khác đang cho trái, nhà vườn không thể chấp nhận xử lý theo đúng trình tự từ bước 1 đến bước 6 như quy trình.
Vì thế, chúng tôi đã đề xuất với cơ quan bảo vệ thực vật và được chấp thuận không tiến hành xử lý lại những vườn đã xử lý, chỉ tiến hành xử lý các bước tiếp theo tùy vào các giai đoạn của cây nhãn”- chị Nguyên nói.
Bên cạnh đó, dù được tuyên truyền ra quân đồng loạt nhưng rất khó vì còn phụ thuộc vào điều kiện lao động của mỗi nông hộ mà họ chọn thời gian tiến hành cắt tỉa, phun thuốc thích hợp.
Ngoài ra, theo chị, từ điều tra diện tích nhãn có tỷ lệ bệnh “chổi rồng” nặng (hỗ trợ chi phí dập dịch) đến khi cấp thuốc và ra quân khá dài. Không ít vườn khi điều tra tỷ lệ bệnh thấp đến nay bệnh phát triển rất mạnh, gây hại nặng cho vườn nhưng không được cấp thuốc ra quân đợt này. Đây là nơi mầm bệnh lưu tồn và phát tán sau này. Ban Chỉ đạo huyện đang đề nghị tỉnh cấp thuốc bổ sung cho những diện tích nhãn bệnh nặng phát sinh.
Bà Nguyễn Kim Liên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè, cho biết huyện cũng đang đề nghị bổ sung thuốc cho những diện tích bệnh mới phát sinh. Đối với yêu cầu chống dịch đồng loạt, bà cho rằng rất khó thực hiện và huyện triển khai ra quân theo hình thức cuốn chiếu.
Mặt khác, theo phản ánh của nông dân và ngành nông nghiệp địa phương, đặc thù vườn nhãn ở các huyện phía Tây thường trồng gần ao nuôi cá, gần nhà. Sau khi phun thuốc diệt nhện lông nhung (trung gian truyền bệnh chổi rồng) ảnh hưởng đến cá nuôi, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh (khi ra quân phát động chống dịch “chổi rồng”, Sở NN&PTNT đã khuyến cáo).
“Đề nghị BCĐ tỉnh xem xét cho thay thế bằng một số hóa chất, thuốc trị được bệnh này nhưng không gây độc hại cho môi trường xung quanh để phun những khu vực trên” - một cán bộ ngành Nông nghiệp huyện đề xuất.
N. VĂN