Thứ Sáu, 03/08/2012, 09:50 (GMT+7)
.

Hỗ trợ phòng, chống bệnh “chổi rồng” hại nhãn

Ngày 2-8, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1778/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh “chổi rồng” hại nhãn trên địa bàn tỉnh.

* Đối tượng hỗ trợ: Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có trồng nhãn với mọi quy mô, mọi hình thức trên địa bàn tỉnh được ngành Bảo vệ thực vật (BVTV) xác nhận có diện tích bị thiệt hại do bệnh “chổi rồng” hại nhãn.

Bệnh chổi rồng đã gây nhiều thiệt hại cho nông dân. Ảnh: Ngô Tông
Bệnh chổi rồng đã gây nhiều thiệt hại cho nông dân. Ảnh: Ngô Tông

* Điều kiện hỗ trợ: Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có diện tích trồng nhãn được chính quyền địa phương quản lý trên giấy chủ quyền sử dụng đất nông nghiệp để trồng nhãn.

Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khi phát hiện có nhãn trồng bị nhiễm bệnh thì phải báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan BVTV gần nhất và chấp hành các hướng dẫn dập dịch của các cơ quan chức năng.

* Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần cho người trồng nhãn tại các địa phương kể từ ngày UBND tỉnh công bố dịch “chổi rồng” hại nhãn để cắt bỏ, tiêu hủy cành nhãn bị bệnh, thuốc và tiền công phun thuốc BVTV để dập dịch như sau:

- Đối với diện tích cây bị bệnh thiệt hại từ 30% - 70%, mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/ha.

- Đối với diện tích cây bị bệnh thiệt hại từ trên 70%, mức hỗ trợ là 7 triệu đồng/ha.

* Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ thuốc phun xịt dập dịch “chổi rồng” tối đa không quá 3 triệu đồng/ha đối với diện tích bị thiệt hại từ 30% trở lên. Hỗ trợ bằng tiền mặt tối thiểu là 2 triệu đồng/ha đối với diện tích cây bị bệnh thiệt hại từ 30% - 70%; 4 triệu đồng/ha đối với diện tích cây bị bệnh thiệt hại từ trên 70% cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có diện tích trồng nhãn bị bệnh “chổi rồng” để cắt tỉa cành, phun xịt thuốc để dập dịch.

* Kinh phí thực hiện: Từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và dự phòng ngân sách địa phương. Cụ thể: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%, ngân sách tỉnh chi 25% và ngân sách cấp huyện chi 5%.

TUẤN ANH

.
.
.