Thứ Tư, 01/08/2012, 15:01 (GMT+7)
.

Kinh tế tập thể TP. Mỹ Tho: Vượt khó vươn lên!

Nghị quyết 13-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) ngày 18-3-2002 “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa VIII) cụ thể hóa bằng Nghị quyết 10-NQ/TU, UBND tỉnh có Kế hoạch 89/KH-UBND; ngay sau đó căn cứ các văn bản này, Thành ủy Mỹ Tho đã ban hành Nghị quyết và kế hoạch thực hiện.

Qua triển khai đến nay cho thấy khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn TP. Mỹ Tho đã có những chuyển biến tích cực, nhiều HTX vượt qua yếu kém, làm ăn hiệu quả, đặc biệt là nhận thức của cộng đồng về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển KT-XH. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn còn nhiều việc phải làm đối với khu vực kinh tế vốn khá nhiều tiềm năng này.

XÁC ĐỊNH VAI TRÒ NHƯNG CHƯA TẠO ĐỘT PHÁ

TP. Mỹ Tho hiện có 16 hợp tác xã (HTX) ở 3 khu vực (nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại) với trên 3.000 xã viên tham gia, tổng vốn hoạt động trên 600 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động thường xuyên và mùa vụ, trong đó đã có không ít đơn vị được nhận các danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.

TP. Mỹ Tho còn có gần 300 tổ hợp tác (THT) trong nhiều lĩnh vực như: Sản xuất rau an toàn, trồng hoa kiểng, nuôi cá bè, cá kiểng, thu hoạch lúa, cấp nước sinh hoạt nông thôn và hoạt động trong lĩnh vực tiểu, thủ công nghiệp… tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.

Trong quá trình phát triển, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Hàng chiếu cói, đan lát của HTX Chiến Thắng, HTX Nhất Trí (phường 3), HTX Quang Minh (phường 10) đã xuất trực tiếp sang các thị trường lớn và ổn định như Anh, Mỹ, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Đức, Bỉ, Phần Lan, Úc… đem về cho HTX “hàng triệu đô” mỗi năm.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, mặc dù kinh tế tập thể, chủ yếu là HTX đóng vai trò không nhỏ đối với nền kinh tế của thành phố, song cho đến giờ này cũng còn nhiều bất cập, năng lực nội tại của không ít đơn vị tập thể còn hạn chế, kém hiệu quả, lợi ích mang lại cho các thành viên chưa nhiều, một số đơn vị không phát huy hiệu quả phải giải thể hoặc “giậm chân tại chỗ” về quy mô.

Dưa hấu - sản phẩm truyền thống của HTX nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Tân Mỹ Chánh. Ảnh: N.Trung
Dưa hấu - sản phẩm truyền thống của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Tân Mỹ Chánh. Ảnh: N.Trung

TIẾP SỨC

Để tạo điều kiện cho kinh tế tập thể - nhất là HTX phát triển, thời gian qua Thành ủy, UBND TP. Mỹ Tho đã phối hợp tốt với các sở, ban, ngành tỉnh triển khai nhiều cơ chế, chính sách mang lại lợi ích thiết thực cho các HTX, THT. Đơn cử như tổ chức nhiều lớp đào tạo về quản lý HTX cho 150 lượt chủ nhiệm, phó chủ nhiệm HTX, đào tạo nghiệp vụ bán hàng, marketing, ngoại thương… cung ứng nhân lực cho HTX.

Bên cạnh đó, thành phố còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các HTX được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ và của tỉnh như: được Quỹ Đầu tư phát triển cho vay đầu tư, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, được hỗ trợ vốn từ Quỹ Khuyến công (Sở Công thương), Quỹ Khuyến nông (Sở NN&PTNT), kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ (Sở KH-CN)…

Gần đây nhất đã có 7 HTX, THT vay 1,25 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ THT mứt Phường 10 vay 90 triệu đồng để mua nguyên liệu dự trữ phục vụ sản xuất, hỗ trợ làng nghề bánh - bún - hủ tiếu Mỹ Tho nâng cấp thiết bị sản xuất bằng inox thay vì bằng gỗ; Quỹ Khuyến nông cấp 269 triệu đồng để xây 269 hầm khí sinh học cho các HTX, THT; ngân sách thành phố hỗ trợ HTX Nông nghiệp – Kinh doanh tổng hợp Tân Mỹ Chánh 50 triệu đồng để xây dựng điểm giết mổ gia cầm sạch…

Ngoài các hỗ trợ “vật chất” trên, hàng năm, thành phố còn tổ chức nhiều cuộc tham quan hội chợ triển lãm máy móc, thiết bị mới; chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho các THT, HTX, giúp các đơn vị trao đổi kinh nghiệm, đầu tư đổi mới công nghệ và máy móc hiện đại phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, từ kinh phí xúc tiến thương mại đã hỗ trợ một số HTX, THT xây dựng thương hiệu, mã vạch sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá và mở rộng thị trường; hiện có 2 HTX đã đăng ký thương hiệu là HTX Chiến Thắng (phường 3), HTX chế biến thức ăn chăn nuôi Bình Minh (xã Tân Mỹ Chánh) và THT Hủ tiếu Mỹ Tho cũng đã đăng ký thương hiệu Hủ tiếu Mỹ Tho và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận.

Thấu hiểu một nhu cầu mà rất nhiều HTX đang “bí” là vấn đề mặt bằng, thành phố Mỹ Tho đã xây dựng 2 cụm công nghiệp (CCN) tập trung (CCN Trung An và CCN Tân Mỹ Chánh) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX thuê đất đầu tư phát triển sản xuất; chuyển nhượng đất (có hỗ trợ) của Trạm Y tế xã Tân Mỹ Chánh giúp HTX chế biến thức ăn chăn nuôi Bình Minh mở rộng xưởng sản xuất; các HTX Quang Minh, HTX Thương mại - dịch vụ Phường 1 và HTX Hùng Vương được cho thuê đất thời gian dài để đơn vị đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực cạnh tranh...

Ngoài ra, thành phố còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các HTX có nhu cầu di dời do mặt bằng hạn hẹp hoặc mở rộng sản xuất vào các cụm công nghiệp với các thủ tục ngày càng nhanh gọn, ví dụ như HTX Chiến Thắng được ưu tiên cho thuê đến 2 ha đất tại Cụm CN-TTCN Tân Mỹ Chánh để mở rộng cơ sở sản xuất.

Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề cũng được đẩy mạnh thi công, chủ yếu được tập trung ở làng nghề bánh - bún - hủ tiếu Mỹ Tho.

Kiểm dịch ở lò giết mổ gia súc  của HTX Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Tân Mỹ Chánh. Ảnh: N.Trung.
Kiểm dịch ở lò giết mổ gia súc của HTX Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Tân Mỹ Chánh. Ảnh: N.Trung

THÁO GỠ  KHÓ KHĂN & GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế hiện nay nhiều HTX, THT của TP. Mỹ Tho cũng còn một số khó khăn nhất định; dễ thấy nhất là vốn điều lệ của HTX còn thấp, chậm đổi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quy mô nhà xưởng còn nhỏ, khó mở rộng thêm do mặt bằng nhiều đơn vị chủ yếu nằm trong khu dân cư.

Một số HTX - nhất là HTX thương mại hiện nay thiếu vốn và mặt bằng để xây kho hàng nên phải đi thuê với giá khá cao; giá trị tài sản thế chấp vay chỉ đủ kinh doanh “tầm tầm”, gặp những thương vụ mua bán đột xuất có lợi nhuận cao hay cần mở rộng mạng lưới kinh doanh thì lúng túng, mất thời cơ; tính liên kết còn kém.

Một số nhà cung cấp hàng hóa giảm hoặc chuyển chính sách ưu đãi sang cho người tiêu dùng và hộ kinh doanh nhỏ lẻ nên tỷ lệ lợi nhuận của HTX khá thấp; tình hình biến động giá cả cũng là khó khăn lớn, hiện không ít nhà cung ứng hàng thường “buộc” HTX phải ứng trước hay mua bằng tiền mặt, không chịu bán trả chậm…

Nội lực của một số HTX còn hạn chế về năng lực, trình độ, thiếu nhân sự quản trị tốt. Đặc biệt về phía Nhà nước vẫn còn “khoán trắng” việc quản lý, giúp đỡ kinh tế tập thể phát triển cho một số cơ quan như Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính - Kế hoạch (vấn đề này thuộc về cơ chế vì sau khi hệ thống Liên hiệp xã Tiểu-thủ công nghiệp từ Trung ương tới cấp huyện “giải tán” vào cuối năm 1987 thì cho tới giờ này vẫn chưa có cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác và hợp tác xã)…

Để kinh tế tập thể trên địa bàn TP. Mỹ Tho tiếp tục phát triển, thiết nghĩ trong thời gian tới cần tiếp tục “tổng rà soát”, điều tra, khảo sát toàn diện khu vực kinh tế tiềm năng này để có biện pháp tháo gỡ hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền tháo gỡ từng khó khăn.

Bên cạnh đó, về định hướng phát triển cần chú ý xem xét các yếu tố cho phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, ví dụ phát triển công nghiệp nông thôn nên theo hướng phát triển tổ hợp tác của làng nghề, sử dụng nguyên liệu, lao động tại chỗ và hỗ trợ các HTX, THT khép kín quy trình sản xuất - tiêu thụ, hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, mã vạch sản phẩm, hỗ trợ đào tạo nghề nhằm nâng cao năng lực quản lý, thích ứng với thị trường.

Thực hiện hiệu quả vốn khuyến công đưa vào đào tạo nghề tại các HTX, THT. Vận động các HTX ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh, thực hiện nối mạng với các HTX có quy mô lớn, có hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ HTX lập Website quảng bá sản phẩm hoặc hình ảnh đơn vị, qua đó tăng cường phát triển thị trường kinh doanh qua thương mại điện tử.

Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng, hỗ trợ lãi suất thông qua các định chế tài chính hiện có. Tổ chức các chuyến tham quan trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nhằm cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.

Về phần mình, các HTX, THT cần chú trọng công tác tuyển dụng và bố trí nhân sự, định việc cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận đảm bảo đạt hiệu quả cao, nơi nào có điều kiện thì có thể thuê cả chuyên gia, nhà quản lý giỏi để hoạch định kế hoạch phát triển dài hạn; kiến nghị Trung ương hình thành hệ thống chuyên trách quản lý nhà nước về kinh tế tập thể ở cấp tỉnh, huyện…

PHÙNG QUỐC ANH

.
.
.