Thứ Hai, 13/08/2012, 08:26 (GMT+7)
.

Lãi suất cho vay có thể xấp xỉ 10%/năm

Đó là khẳng định của ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong buổi đối thoại với gần 80 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vào ngày 9-8 tại Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang.

fd
Nuôi trồng thủy sản thuộc nhóm ưu tiên vay vốn lãi suất thấp. Ảnh: Thành Công

Buổi đối thoại tập trung xoay quanh vấn đề lãi suất cho vay và việc tái cơ cấu lại các khoản nợ vay với lãi suất cao thời gian trước đây. Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tín dụng, ông Lê Minh Hưng cho rằng, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện theo chủ trương của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh theo hướng giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các doanh nghiệp để góp phần gỡ khó cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Ngân hàng, chấn chỉnh các ngân hàng yếu kém. Nhờ vậy, cơ cấu tín dụng đã chuyển biến rõ nét, nguồn vốn cho các lĩnh vực ưu tiên được tập trung như: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp phụ trợ và xuất khẩu tăng rất mạnh; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện một cách vững chắc tạo thêm nguồn vốn dồi dào cho các doanh nghiệp tiếp cận.

Về diễn biến thị trường tín dụng thời gian tới, ông Lê Minh Hưng cho rằng, nếu diễn biến lạm phát theo hướng kiểm soát tốt và ổn định, đến cuối năm nay tỷ lệ lạm phát dao động từ 6-7% thì Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể điều chỉnh lãi suất huy động còn 8%/năm; nếu tiếp tục duy trì mức độ lạm phát đến giữa đầu năm 2013 ở mức 4-5%, lãi suất huy động có thể giảm xuống 7%/năm, khi đó lãi suất cho vay hoàn toàn có thể xấp xỉ 10%/năm.

Tuy nhiên, muốn làm được điều này là phải ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được tốt các cân đối của nền kinh tế. Bên cạnh các giải pháp tài chính theo tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo, nhất là đối với Ngân hàng NN&PTNT, phải ưu tiên tập trung vốn cho 4 nhóm đối tượng ưu tiên vay vốn theo chủ trương chung của Chính phủ.

Hạn chế thấp nhất tình trạng doanh nghiệp phá sản, giải thể
Ông Dương Minh Điều, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, tuyên bố phá sản để lại nợ xấu cho ngành Ngân hàng.

Trong nhiều năm liền, có thể nói trong năm nay nợ xấu ngân hàng tăng cao nhất và thời gian tới có chiều hướng tăng cao hơn khi một số doanh nghiệp tiếp tục tuyên bố phá sản. Do vậy, trong thời gian tới đề nghị các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các món vay có lãi suất cao trước đây để hỗ trợ cho doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo có hiệu quả nguồn vốn ngân hàng; nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, tạo điều kiện tổng hợp để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đối với các doanh nghiệp, cần nhanh chóng đánh giá lại tình hình tài chính, định hướng lại sản xuất - kinh doanh; rà soát, cơ cấu lại các khoản nợ vay ngân hàng nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng giải thể, phá sản…

Thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay không quá 15%/năm từ ngày 15-7, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã và đang điều chỉnh lãi suất cho vay và cơ cấu lại các khoản nợ vay.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Tiền Giang cho biết, chi nhánh đã tiến hành thực hiện lộ trình giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Từ tháng 7, chi nhánh đã giảm lãi suất cho vay đối với 4 nhóm ưu tiên, với mức lãi suất tối đa là 13%/năm, các nhóm còn lại từ 11-14,5%/năm.

Đồng thời, Vietcombank Chi nhánh Tiền Giang cũng đang thực hiện các gói lãi suất ưu đãi, với tổng nguồn vốn 9.000 tỷ đồng, với lãi suất từ 12-13% và gói cho vay ngoại tệ ngắn hạn với lãi suất từ 3,3-5,4%/năm. Tuy nhiên, muốn được vay các gói hỗ trợ này doanh nghiệp phải được xếp hạng tín dụng A+ trở lên, đối với doanh nghiệp vay ngoại tệ phải có nguồn ngoại tệ để cân đối…

Đối với những bất cập trong thị trường tín dụng thời gian qua, ông Nguyễn Bảo Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho rằng, khoảng 2 năm trở về trước đánh giá của ngân hàng để cho doanh nghiệp vay dễ dàng hơn bây giờ. Có trường hợp, cùng một doanh nghiệp được ngân hàng đánh giá tài sản thế chấp và cho vay 50% tài sản, có ngân hàng lại cho vay 60%, 70%, thậm chí để cạnh tranh có ngân hàng cho vay đến 80% tài sản. Tình hình cho vay ồ ạt như thế cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu.

Từ thực tế nợ xấu tăng, ngân hàng cảm thấy “quá sợ”, nên bắt đầu gây khó khăn lại đối với doanh nghiệp vay vốn. Tức là “khi quá tả, khi quá hữu”. Do vậy, trên thực tế có ngân hàng nợ xấu cao nên chưa chịu hạ lãi suất cho vay để bù đắp lại khoản nợ xấu. “Ngân hàng Nhà nước nên xử lý tốt dự phòng rủi ro, giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu tốt hơn để các doanh nghiệp không bị “bắt chẹt” nhiều.

Đối với các doanh nghiệp làm ăn tốt với ngân hàng cũng cần ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi. Ngân hàng cũng nên hy sinh một phần lợi nhuận để giúp doanh nghiệp. Thực tế trên địa bàn Tiền Giang cũng có doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn, với lãi suất thấp từ 11-11,5%/năm, nhưng số này cũng không nhiều, chủ yếu là đối với các ngân hàng lớn”- ông Nguyễn Bảo Long cho biết.

Còn theo ông Hà Văn Tính, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành (Song Thuận, Châu Thành), đề nghị cần quan tâm nhiều hơn về tài chính cho doanh nghiệp trong nhóm ngành chế biến thủy sản xuất khẩu. Bởi doanh nghiệp trong nhóm ngành này cung cấp và tiêu thụ lượng hàng hóa rất lớn cho nông dân, giải quyết rất lớn lượng lao động, chỉ riêng công ty đã thu hút gần 2.000 lao động địa phương.

Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp trong nhóm ngành này, Ngân hàng Nhà nước nên duy trì lãi suất cho vay USD dài hơn nữa, vì doanh nghiệp xuất khẩu thu lượng ngoại tệ hàng năm rất lớn. Đồng thời, lãi suất cho vay theo VND cũng cần giảm thêm vì nhóm ngành chế biến thủy sản xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn…

THẾ ANH

Cuối tháng 9 không còn dư nợ có lãi suất trên 18%/năm
Ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang cho biết, thực hiện chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7, cơ cấu nợ có lãi suất 15%/năm trở xuống chiếm trên 60% trên tổng dư nợ, tăng trên 31% so với tháng 6 và dư nợ có lãi suất trên 20% chỉ chiếm 1,83%, giảm 2,9%.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh các món vay cũ thuộc 4 nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định xuống tối đa 15%/năm; phấn đấu đến cuối tháng 8 không còn dư nợ cho vay có lãi suất trên 20%/năm và cuối tháng 9 không còn dư nợ có lãi suất trên 18%/năm; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực trong việc cơ cấu lại nợ cho khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp và tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp để doanh nghiệp duy trì sản xuất-kinh doanh…

 

.
.
.