Thứ Hai, 13/08/2012, 11:44 (GMT+7)
.

Liên kết sản xuất, hướng đi đúng ở một tổ hợp tác

Năm 2009, tổ hợp tác (THT) sản xuất sầu riêng Bình Hòa B (ấp Bình Hòa B, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) được thành lập với mục đích giúp nông dân thay đổi tập quán trồng sầu riêng, tạo sản phẩm trái sạch, an toàn, hướng đến yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Sau ba năm thực hiện, mô hình đã mở ra hướng đi bền vững cho nông dân chuyên canh sầu riêng ở đây.

Anh Nguyễn Văn Út chăm sóc vườn cây sầu riêng đang ra hoa nghịch vụ.
Anh Nguyễn Văn Út chăm sóc vườn cây sầu riêng đang ra hoa nghịch vụ.

Những năm gần đây, cùng với các xã phía Nam Quốc lộ 1A, xã Tam Bình đã trở thành “quê hương mới” của cây sầu riêng. Nếu trước năm 2000, xã chỉ có vài hộ trồng sầu riêng thì hiện nay đã có trên 1.200ha đất nông nghiệp được chuyển sang chuyên canh các giống sầu riêng chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng như: Ri6, Monthong, Chuồng bò…

Diện tích tăng đáng kể nhưng nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, chưa tập trung thành vùng chuyên canh, đa số sản xuất theo kinh nghiệm nên thường gặp tình trạng năng suất thấp, giá bán không ổn định. Vì vậy, việc thành lập THT với định hướng sản xuất sầu riêng sạch trên giống hạt lép ở ấp Bình Hòa B đã hướng nông dân làm quen với mô hình làm ăn tập thể, nâng cao giá trị nông sản.

THT sản xuất sầu riêng Bình Hòa B có 25 thành viên tham gia trên diện tích 10,1ha với hai giống chủ lực là Monthong và Ri6. Được sự hỗ trợ của Phòng NN&PTNT huyện, ba năm qua các thành viên đã tham gia tập huấn kỹ năng sản xuất, kỹ năng làm việc trong tổ kinh tế hợp tác, trao đổi về việc sản xuất trái cây sạch, quảng bá sản phẩm …

Có 4 công sầu riêng Monthong tham gia sản xuất theo mô hình này, ông Nguyễn Văn Nhủ, một thành viên của THT cho biết: “Trước đây, tuy diện tích vườn liền kề nhưng mọi người ít có cơ hội cùng ngồi lại trao đổi. Bây giờ, kiến thức của một người cùng chia sẻ cho nhiều người qua các lần họp định kỳ và khi kết thúc mùa vụ sẽ rút ra kinh nghiệm từ quá trình sản xuất”.

Đang canh tác 7 công sầu riêng Ri6 và Monthong, mỗi năm lợi nhuận trên 300 triệu đồng nhưng anh Nguyễn Văn Út chưa an tâm bởi những diễn biến khó đoán trước của thị trường, vì vậy khi tham gia THT anh mong tìm đầu mối tiêu thụ bền vững cho trái sầu riêng.

Hiện nay, các thành viên của THT sản xuất sầu riêng Bình Hòa B đã bước vào vụ sản xuất trái sạch lần thứ ba. Tuy chưa tìm được nguồn bao tiêu như mong muốn nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả nhất định. Cụ thể là 100% thành viên đều áp dụng thành công mô hình xử lý sầu riêng ra hoa vụ nghịch, cách canh tác để đạt năng suất trái cao, phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bón phân hợp lý, tuân thủ việc ghi chép sổ nhật ký, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, lấy mẫu kiểm tra chất lượng theo định kỳ…Đặc biệt, họ không còn lo ngại kỹ thuật phòng, trừ các loại bệnh nguy hiểm trên cây sầu riêng.

Kết quả bước đầu mang lại niềm tin vào phương cách làm ăn mới. Theo ông Nguyễn Tấn Nhủ, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bình với diện tích chuyên canh sầu riêng khá lớn nên từ mô hình điểm của THT sản xuất sầu riêng Bình Hòa B, hướng tới xã sẽ vận động thành lập thêm 2 THT tại ấp Bình Hòa A và Bình Thạnh để giúp nông dân làm quen với quy trình sản xuất trái cây sạch, tạo vùng hàng hóa ổn định để tìm đầu mối tiêu thụ, phát huy hiệu quả kinh tế bền vững từ cây sầu riêng.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.