Thứ Hai, 06/08/2012, 10:19 (GMT+7)
.

Tân Phú Đông: Khống chế dịch bệnh, phục hồi diện tích nuôi tôm

Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi (BCĐ) huyện Tân Phú Đông, xã Tân Thạnh là nơi khởi điểm dịch bệnh và lây lan ra 50% diện tích nuôi tôm trên địa bàn xã. Trong đó có nhiều diện tích tôm bệnh 100%, tổng giá trị thiệt hại trên 2 tỷ đồng. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế.

Khống chế dịch, bám lấy nghề

Người nuôi đang chăm sóc tôm vụ II-2012.
Người nuôi chăm sóc tôm vụ II-2012.

Anh Nguyễn Văn An - cán bộ phụ trách địa chính - nông nghiệp - môi trường xã Tân Thạnh cho biết: Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên tôm ở xã Tân Thạnh cơ bản được khống chế.

Để đạt được kết quả đó, BCĐ xã đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng như thú y, thủy sản… tăng cường hướng dẫn ngư dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm, kiểm tra, giám sát dịch bệnh, hỗ trợ thuốc dập dịch…

Nhờ vậy, số diện tích tôm còn lại thả nuôi trong vụ I đang được bà con thu hoạch. Tính đến đầu tháng 8-2012, sản lượng tôm sú thu hoạch được 54,2 tấn và 187 tấn tôm thẻ chân trắng.

Song song với việc thu hoạch tôm vụ I, hiện nay người dân trong xã còn tập trung cải tạo lại ao đầm thả nuôi vụ  II-2012. Đến nay, diện tích thả nuôi được 2,9 triệu con giống tôm sú và 57 triệu con giống tôm thẻ chân trắng.

Trở lại vùng nuôi tôm của ấp Tân Đông (diện tích khoảng 80 ha), nơi khởi điểm dịch bệnh trên tôm, vài tháng trước còn vắng lặng, giờ đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Nhiều ao đầm được bà con “chỉnh trang”, rải vôi sát khuẩn, thả tôm nuôi lại.

Thời gian qua, xã đã phối hợp với ngành Nông nghiệp huyện tổ chức 2 cuộc tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về nuôi tôm cho người dân trong vụ nuôi này, đặc biệt chú trọng lịch thời vụ, kiểm soát nguồn giống và phòng chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh cho biết: Khó khăn lớn nhất trong việc khôi phục lại phong trào nuôi tôm ở xã là thiếu vốn. Nhiều bà con đã tự lo để có vốn tái sản xuất, rất ít người nhờ đến ngân hàng hỗ trợ.

Ở xã cù lao này từ nhiều năm nay có rất nhiều hộ dân chuyên sống bằng nghề nuôi tôm, do vậy cho dù thành công hay thất bại bà con cũng phải bám lấy nghề. Điều đáng mừng hiện nay là ở xã Tân Thạnh có 5 cơ sở chuyên cung cấp thức ăn tôm đã chia sẻ khó khăn với người nuôi, sẵn sàng “bán thức ăn trả chậm” cho bà con, góp phần quan trọng để khôi phục lại phong trào nuôi tôm ở xã sau đợt dịch bệnh hoành hành.

Cần tuân thủ nghiêm các hướng dẫn, khuyến cáo

Dù bị thiệt hại gần 10 tỷ đồng nhưng không có hộ nuôi tôm bị dịch bệnh nào đủ điều kiện được hỗ trợ theo Quyết định 1219-QĐ/UBND của UBND tỉnh. Sau khi tỉnh điều chỉnh điều kiện hỗ trợ, đến nay, toàn huyện chỉ có 16 hộ thuộc địa bàn xã chuyên ngư Phú Tân đủ điều kiện được hỗ trợ.

Kỹ sư Nguyễn Trung Hòa cho rằng, Công văn 147/BCĐ-TY của BCĐ phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tỉnh có thể được xem là cứu cánh của những hộ nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra ở huyện, nhưng 16 hộ nêu trên quá ít ỏi so với hàng trăm hộ cần được hỗ trợ, giúp đỡ.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện thả nuôi 1.178 ha tôm (bao gồm vụ I và vụ II-2012 ) với trên 723 triệu con tôm giống các loại của 1.263 hộ nuôi. Trong đó, có 438 ha với gần 300 triệu con tôm giống bị nhiễm bệnh.

BCĐ huyện và các xã  phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh vận động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên tôm cho người dân.

Song song đó, BCĐ huyện còn tổ chức xử lý dập dịch trên 74,4 ha tôm bệnh của 132 hộ, với 5,5 tấn hóa chất TCCA và hơn 10 tấn chlorine; hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện các biện pháp phòng, chống, kiểm tra, giám sát dịch bệnh; xử lý các trường hợp vận chuyển tôm giống sai quy định; đồng thời tiếp tục lấy mẫu nước, giám sát tôm bệnh trong ao và các kinh rạch vùng nuôi để phân tích. Cũng từ đó có cơ sở khuyến cáo phù hợp cho người nuôi hạn chế thiệt hại.

Theo kỹ sư Nguyễn Trung Hòa, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông, đã đến lúc phải thay đổi thói quen, tập quán cũ trong nuôi thủy sản mà cụ thể là nuôi tôm. Người nuôi cần chấp hành nghiêm những quy định, hướng dẫn của ngành Thú y.

Trước mắt, để sớm khắc phục có hiệu quả tình trạng dịch bệnh trên tôm hiện nay, đòi hỏi tôm giống thả nuôi phải sạch bệnh (qua kiểm dịch); nguồn hóa chất sử dụng để cải tạo ao đầm phải nằm trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT; mật độ tôm thả nuôi vừa phải (tôm sú từ 20-25 con/m2; tôm thẻ từ 50- 60 con/m2); nuôi theo mô hình không thay nước hoặc ít thay nước (nếu thay nước phải có ao lắng, xử lý hóa chất); khi có mầm bệnh xảy ra báo ngay cho ngành Thú y lấy mẫu xác định xử lý kịp thời; không tự ý xổ xả nước từ ao tôm bệnh ra môi trường vùng nuôi.

HỮU DƯ

.
.
.