Thứ Hai, 03/09/2012, 12:43 (GMT+7)
.

10 năm kiên trì chống ruồi đục quả

Tâm nguyện và sự trì chí đó là trường hợp của Thạc sĩ (ThS) Lê Quốc Điền, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật (Viện Cây ăn quả miền Nam). Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, anh đã cho ra đời chế phẩm sinh học SOFRI Protein phòng trừ ruồi đục quả, góp phần giúp trái cây miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có mặt trên thị trường thế giới.

Nhà khoa học trẻ hướng về nhà nông

Anh Lê Quốc Điền là người con của “vương quốc trái cây” Tiền Giang. Ngay khi còn ngồi trên giảng đường đại học, anh đã trăn trở trước thực trạng trái cây của quê hương mình cũng như của vùng ĐBSCL “chu du” nước ngoài nhưng luôn bị “chiếu bí” vì chứa ấu trùng, dư thừa vi lượng thuốc hóa học… Chính vì thế mà người nông dân không thể làm giàu dù sản lượng nông sản làm ra không hề ít.

Thạc sĩ Lê Quốc Điền đang hướng dẫn nhà vườn phòng, trị bệnh “ chổi rồng” trên cây nhãn.
ThS Lê Quốc Điền hướng dẫn nhà vườn phòng trị bệnh “chổi rồng” trên nhãn.

Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thực tế từ các vườn cây ăn trái, anh Điền đã tìm ra nguyên nhân làm cho năng suất, chất lượng trái cây chưa cao. Đó là do nhiều nhà vườn đang phải đối mặt với dịch hại  ruồi đục quả. Chúng không chỉ trực tiếp gây hại trên nhiều loại cây ăn trái, làm giảm năng suất, chất lượng trái mà còn là rào cản trong việc xuất khẩu trái tươi.

Theo ThS Điền, ruồi đục quả rất lợi hại vì khả năng đẻ trứng cao (ruồi cái đẻ 300 trứng/lần), vòng đời ngắn, từ đó có thể tạo thành quần thể lớn trong một thời gian ngắn và có khả năng lây nhiễm cao, đồng thời có khả năng di chuyển rất xa. Mức độ thiệt hại do ruồi đục quả gây ra phụ thuộc vào chủng loại cây và thời gian thu hoạch trái.

Tại ĐBSCL, thiệt hại do nhiễm ruồi đục quả gây ra trên hoa quả rất cao, đơn cử năm 2003 được ghi nhận như sau: xoài 12%, ổi 94%, mận 76,3%, thanh long 18%, khổ qua 30%... Từ thực tế đó, nông dân dựa vào thuốc hóa học phòng trị ruồi đục quả, dẫn đến không an toàn chất lượng trái sau khi thu hoạch và ngay cả không có sự an toàn trong sản xuất.

Hiệu quả từ SOFRI Protein

Trong lúc người nông dân đang loay hoay với việc tìm giải pháp đối phó với ruồi đục quả nhằm nâng cao năng suất và chất lượng trái cây thì từ kinh nghiệm của những chuyến đi thực tế, lục lọi các tài liệu trong và ngoài nước, anh lao vào nghiên cứu với các thí nghiệm, công thức, bẫy ruồi, nuôi ruồi... Không phụ tấm lòng của nhà khoa học trẻ, chế phẩm SOFRI Protein ra đời và rất khả thi để phòng trừ ruồi đục quả.

Anh Điền cho biết, hậu quả do dịch ruồi đục quả đã từng xảy ra trên trái sơri trồng ở TX. Gò Công từ năm 2000 - 2006. Năm 2006, khi trái sơri bị ruồi phá hại thì nông dân đối phó bằng cách phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Do đó, khi phân tích dư lượng thuốc BVTV trên trái sơri đã phát hiện 26 loại thuốc BVTV đã được sử dụng có tồn dư thuốc vượt mức cho phép nên trái sơ ri không bán được ở thị trường nội địa và xuất khẩu.  Trong khi loại cây này đang là nguồn sống của nhiều nông hộ, vì thế để trái sơ ri xuất khẩu ra thị trường nước ngoài không những đòi hỏi sản lượng phải lớn, còn phải đảm bảo an toàn thực phẩm.

Với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Chương trình hợp tác nghiên cứu kỹ thuật ACIAR (Úc), hiện tại Việt Nam đã xây dựng xưởng sản xuất sản phẩm bã có tên thương mại là SOFRI Protein với công suất khoảng 50 tấn/năm.

Sản phẩm đã chuyển giao thành công nhiều mô hình cây ăn trái xuất khẩu như: Thanh long (100 ha), sơri (280 ha), xoài cát Hòa Lộc (50 ha), vú sữa (100 ha), nhiều năm giúp cho nông dân tăng năng suất 20% so với phương pháp cũ.

Năm 2010, ACIAR đã ghi nhận và đánh giá là sản phẩm SOFRI protein diệt ruồi bền vững, thuận lợi cho việc xuất khẩu quả tươi.

Để tháo gỡ những khó khăn cho người trồng sơri, UBND tỉnh đã đồng ý để anh thực hiện Đề án “Quản lý tổng hợp IPM và áp dụng quy trình IPM đồng bộ trên diện rộng bằng SOFRI Protein 10DD, kết hợp với một số loại thuốc sinh học khác nhằm giảm thiệt hại ruồi đục quả và các loại côn trùng khác trên cây sơri tại vùng Gò Công”.

Với thử nghiệm phòng trừ ruồi hại trái sơri trên diện tích 100ha tại Gò Công, cho thấy tỷ lệ hại giảm xuống còn 4%, trong khi vùng đối chứng tỷ lệ này là 100%.

Từ đó đến nay, người trồng sơri ở TX. Gò Công vẫn sử dụng chế phẩm sinh học SOFRI Protein phòng trừ ruồi đục quả, không chỉ mang lại lợi nhuận khoảng 180 triệu đồng/ha mà hiện vùng chuyên canh trồng sơri xuất khẩu của 100 hộ dân tại Gò Công đã “lấy lòng” được thị trường Nhật Bản, mang về ngoại tệ.

Với ThS Lê Quốc Điền, đó là một kết thúc đẹp cho “cuộc chiến” với loài ruồi đục quả bằng chế phẩm sinh học SOFRI Protein.

Hơn mười năm đeo đuổi nghiên cứu về ruồi đục quả, nhà khoa học trẻ Lê Quốc Điền cho rằng, cần có những nghiên cứu chuyên sâu nhằm xây dựng quy trình cụ thể cho việc sử dụng bã phòng trừ ruồi đục quả cho từng loại cây ở từng vùng khác nhau.

Hiện anh đang “đầu tắt mặt tối” với nhiều dự án cá nhân lẫn cộng đồng; trong đó, có một chiến dịch quy mô lớn là trị bệnh “chổi rồng” trên cây nhãn đang được thực hiện tại nhiều nhà vườn miền Tây.

PHƯƠNG NGHI

 

.
.
.