Khả năng lũ đạt đỉnh khoảng trung tuần tháng 11
Trao đổi với phóng viên Báo Ấp Bắc về diễn biến lũ, bão từ nay đến cuối năm 2012, ông Võ Văn Rồng (ảnh), Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang cho biết:
Những ngày qua, mực nước khu vực thượng nguồn sông Mê Kông có xu hướng xuống. Tại Pakse (Lào), mực nước cao nhất đo được trong ngày 6-9 đạt 9,40 m và sáng ngày 10-9 mực cao nhất trong ngày đo được tại đây xuống còn 8,33 m. Tại Kratie (Campuchia), mực nước cao nhất trong ngày 6-9 là 19,55 m và mực nước cao nhất đo được vào ngày 10-9 là 18,30 m.
Hàng năm mực nước tại khu vực vào thời điểm này là mức cao nhất của năm (trừ năm 2011). Diễn biến mực nước tại khu vực thượng nguồn trong mấy ngày qua thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời điểm. Nguyên nhân là do lượng mưa bổ sung cho sông Mê Kông để sinh lũ ở thượng nguồn thấp.
Tại khu vực thượng nguồn sông Tiền, nước đang lên do tác động của lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về, mặt khác nước ở khu vực này vẫn còn chịu ảnh hưởng của triều. Mực nước cao nhất đo được trong ngày 7-9 tại Tân Châu là 2,83 m, thấp hơn so cùng thời điểm năm 2011 là 0,92 m. Đây cũng là mực nước cao nhất tính từ đầu tháng 9. Vào ngày 11-9, mực nước cao nhất đo được tại đây còn 2,73 m. Nhưng khi vào kỳ triều, mực nước sẽ lên trở lại.
Phóng viên (PV): Khả năng lũ năm nay ở khu vực ĐBSCL như thế nào, thưa ông?
Ông Võ Văn Rồng (V.V.R): Dù nước thượng nguồn sông Tiền vẫn còn chịu ảnh hưởng của triều nhưng do tác động của lũ từ thượng nguồn Mê Kông nên biên độ triều đang có xu hướng hẹp dần. Trên sông Tiền, tại Tân Châu mực nước tiếp tục lên do ảnh hưởng của nước lũ thượng nguồn đổ về kết hợp với kỳ triều trong thời gian tới.
Dự báo, lũ sẽ đạt đỉnh tại Tân Châu vào trung tuần tháng 10 cao hơn báo động I một ít, đạt mức từ 3,6 - 3,8 m. Với dự báo này, lũ năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm.
PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn lũ tại Tiền Giang như thế nào?
Ông V.V.R: Tại khu vực phía Tây của Tiền Giang, hiện nước vẫn còn chịu ảnh hưởng mạnh của triều. Mực nước cao nhất đo được tại trạm Hậu Mỹ Bắc (Cái Bè) vào ngày 6-9 là 1,19 m và mực nước cao nhất vào ngày 11-9 là 1,17 m.
Tại Tiền Giang, đỉnh lũ khả năng xuất hiện vào khoảng trung tuần tháng 11 với mực nước đạt cao nhất từ 1,6 - 1,8 m. Còn ở vùng hạ lưu sông Tiền, tại Mỹ Tho, mực nước sẽ lên vào kỳ cuối tuần. Dự báo mực nước triều cao nhất năm nay tại vùng hạ lưu sông Tiền sẽ thấp hơn năm rồi. Cụ thể, mực nước triều cao nhất trong năm tại Mỹ Tho khoảng 1,6 - 1,7 m, xuất hiện vào trung tuần tháng 10 và tháng 11.
Do năm nay không có lũ sớm, trong khi đó mực nước ở khu vực nội đồng vùng lũ đến thời điểm này vẫn còn thấp, nên những diện tích lúa trễ vụ do ảnh hưởng dây chuyền từ lũ muộn năm 2011 thu hoạch vào cuối tháng 9 vẫn đảm bảo an toàn. Những diện tích thu hoạch sau tháng 9 có an toàn hay không còn tùy diễn biến của thời tiết, lũ.
Gia cố đập để ứng phó với lũ. Ảnh: TL |
PV: Xin ông cho biết dự báo tình hình thời tiết mà cụ thể là bão từ nay đến cuối năm?
Ông V.V.R: Những ngày qua, lượng mưa ở khu vực Tiền Giang tương đối lớn. Lượng mưa đo được ngày 10-9 qua quan trắc tại trạm Mỹ Phước (Tân Phước) đạt 170,1 mm, khu vực Gò Công 91,5 mm, trạm Hậu Mỹ Bắc (Cái Bè) 108,4 mm. Ngày 11-9, lượng mưa tại khu vực Chợ Gạo đạt 60,6 mm, khu vực Cai Lậy 90,5 mm.
Nguyên nhân do dải hội tụ nhiệt đới dắt ngang qua Nam Trung bộ gây mưa nhiều. Trong vài ngày tới, lượng mưa sẽ giảm dần do dãi hội tụ này có xu hướng nâng dần trục lên phía Bắc. Dự báo từ nay đến cuối năm, có khoảng 2-3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam, trong đó có 1 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực từ Nam Trung bộ đến Nam bộ.
Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ có bão hoạt động ở Nam biển Đông gây mưa nhiều nơi, có nơi mưa vừa đến mưa to. Trong mưa có thể kèm theo giông, lốc xoáy, sét, bà con cẩn thận đề phòng, chằng chéo nhà cửa. Đặc biệt đối với các huyện phía Đông cần chủ động, không lơ là trong phòng tránh bão.
PV: Xin cảm ơn ông!
N. VĂN (thực hiện)