Thứ Tư, 26/09/2012, 10:12 (GMT+7)
.

Xuất khẩu gạo: Nhận định thị trường, chọn đúng phân khúc để “đột phá”

Theo Cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang đạt 657,8 triệu USD, tăng 11,3% so cùng kỳ, nhiều mặt hàng chủ lực của tỉnh đều tăng khá, riêng mặt hàng gạo giảm cả về sản lượng lẫn giá trị. Vì vậy việc “chạy nước rút” để hoàn thành chỉ tiêu mặt hàng này đang là một thách thức lớn.

Giá xuất bất lợi

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ xuất được 212.992 tấn gạo, giảm 20% so cùng kỳ, đạt 91,9 triệu USD, giảm 25,1% (tương đương giảm 30,7 triệu USD) so cùng kỳ.

Khảo sát từ một số doanh nghiệp cho biết, tình hình xuất khẩu gạo mấy tháng qua gặp những biến động mạnh, nhất là đã có thời gian khách hàng Trung Quốc -  một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam liên tục hủy hợp đồng đã làm giá lúa hàng hóa giảm mạnh và tình hình chỉ mới khởi sắc trở lại trong thời gian gần đây, cụ thể là trong tháng 7 và 8.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, gạo giao tháng 8 có số lượng tăng vọt ở mức cao nhất từ trước đến nay, giá xuất khẩu bình quân tăng khá so các tháng trước đó, cụ thể giá xuất bình quân tháng 8 tăng từ 40 - 45 USD so tháng 7, từ đó dẫn đến tổng trị giá FOB và CIF của sản lượng xuất tháng 8 đều tăng từ 22,8% - 25,6% so tháng 7 và tăng trên 18% so cùng thời điểm năm 2011.

Ảnh: Võ Nguyên Phú
Ảnh: Võ Nguyên Phú

Như vậy tới thời điểm này giá đã khá “hời” nhưng nhiều doanh nghiệp lại vấp một khó khăn khác. Đó là hiện tại nguồn cung trong tỉnh đã gần như “cạn”, thu hoạch vụ hè thu cũng gần kết thúc, từ đó khiến giá lúa thị trường nội địa ở mức cao, trong khi các hợp đồng ký xuất khẩu trước đây với giá thấp, có lúc chỉ 375 USD/tấn (gạo 25% tấm) đã đẩy không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh lỗ nặng.

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp vệ tinh trong xuất khẩu gạo thì mục tiêu Chính phủ giao doanh nghiệp nhà nước đại diện ký ở những thị trường tập trung (ví dụ như Philippines…) để làm “đầu tàu” kéo giá các hợp đồng thương mại lên là hoàn toàn đúng đắn, nhưng do tác động diễn biến thị trường, các hợp đồng tập trung lại ký với giá “không như ý” (thấp) khiến không ít doanh nghiệp vệ tinh bị lỗ.

“Doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng giá rẻ thì mức lỗ sẽ thấp, nếu đợi đến gần thời hạn thực hiện hợp đồng mới thu gom gạo và giao cho khách hàng sẽ lỗ nặng hơn”- ông Trương Văn Dinh, Cục trưởng Cục Thống kê nhận định.

Tuy nhiên, xét về tổng thể khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì nông dân vẫn có lợi trong các mùa vụ lúa năm nay. Ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng thư ký VFA đánh giá, mặc dù có khó khăn nhưng năm nay nông dân vẫn lãi từ 1.500 - 2.000 đồng/kg lúa, cụ thể giá lúa bình quân 8 tháng có giá từ 5.336 - 5.504 đồng/kg (tùy loại lúa thường hay hạt dài) và có dao động nhất định giữa các vùng tùy chất lượng, độ ẩm và vận chuyển (có thời điểm cả 2 loại lúa thường và hạt dài đều vượt 6.000 đồng/kg), trong khi giá thành vụ đông xuân ước tính bình quân toàn vùng ĐBSCL chỉ khoảng 3.357đồng/kg và vụ hè thu là 3.993 đồng/kg.

Tuy nhiên, ông Huệ cũng đưa ra cảnh báo: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đã vượt qua gạo Ấn Độ và Pakistan.

Phân khúc thị trường cần chú ý xuất gạo phẩm chất cao

Theo nhận định của VFA, tình hình gạo thế giới từ nay đến cuối năm vẫn trong xu hướng bão hòa do nguồn cung dồi dào và nhiều nước tồn kho lớn (hiện Thái Lan đang tìm cách giải quyết hàng tồn kho, đồng thời chính phủ nước này thông báo sẽ tiếp tục thực hiện chương trình can thiệp hỗ trợ giá lúa trong các vụ sắp tới sẽ khiến tồn kho tiếp tục “phồng” lên và gây tăng thêm áp lực lên thị trường; Ấn Độ dự báo được mùa và sẽ tăng xuất khẩu; thu hoạch mới từ Pakistan, Miến Điện, Campuchia từ tháng 9 sẽ bổ sung nguồn cung trên thị trường...), nói chung trong các tháng còn lại của năm 2012 tất cả các phân khúc gạo trên thị trường thế giới sẽ đều có sự cạnh tranh quyết liệt.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần năng động hơn trong việc xâm nhập và trụ vững ở các thị trường truyền thống, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, đồng thời cũng phải hết sức cẩn trọng trong các hợp đồng thương mại, nhất là trong việc kiên quyết từ chối các yêu cầu trong giao nhận của phía đối tác qua việc pha trộn các phẩm cấp gạo lại với nhau theo yêu cầu của khách hàng (sự việc này không chỉ xảy ra với các đơn hàng qua Trung Quốc mà mới đây, một số thương lái Thái Lan thông qua cửa ngõ biên giới Campuchia cũng đưa ra một số đề nghị tương tự).

Theo ông Phạm Văn Bảy  - Phó Chủ tịch VFA, trước những cạnh tranh gay gắt tại các phân khúc gạo phẩm cấp thấp, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã chuyển hướng sang các thị trường gạo cao cấp. Ông cho biết nhiều nước nhập khẩu gạo vẫn còn hạn ngạch, nhất là thị trường Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc với nhu cầu nhập gạo cấp cao; bên cạnh đó nhu cầu mới từ Indonesia, châu Phi, Trung Quốc, Philippines sẽ tạo điều kiện giảm áp lực tồn kho nhưng vấn đề quan trọng chính là ai có khả năng “vào” được với giá cạnh tranh nhất!.

Tuy nhiên, cũng theo một chuyên gia của VFA thì mặc dù không thống kê được, nhưng ước số lượng gạo xuất qua biên giới phía bắc và tây nam thời gian qua và cả sắp tới sẽ là đáng kể, như vậy sẽ “góp phần” làm giảm thêm nguồn cung xuất khẩu trong nước; trong khi đó thu hoạch vụ hè thu sắp kết thúc, nếu nguồn cung hạn chế có thể sẽ “đẩy” giá lúa gạo tăng mạnh.

Đây là những điểm mà các doanh nghiệp cần lưu ý trong đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm, trước mắt cần làm thật tốt, thật nhanh việc mua tạm trữ lúa gạo vụ hè thu 2012 theo Quyết định 812/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để chủ động trong các hợp đồng xuất khẩu (Được biết, hiện nay VFA đã phân bổ chỉ tiêu cho 93 thương nhân có đủ điều kiện mua tạm trữ lúa gạo, trong đó riêng Tiền Giang có 11 doanh nghiệp kinh doanh lương thực được phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ với tổng số 43.000 tấn quy gạo)...

QUỐC ANH

.
.
.