Thứ Ba, 04/09/2012, 08:51 (GMT+7)
.

Đồng Tháp Mười: Chim, cò, vạc… sẽ bay đi, nếu…

Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười là nơi lưu giữ những sinh cảnh tự nhiên còn lại của hệ sinh thái độc đáo vùng Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, trong những năm qua, rừng tràm trong vùng đệm đang bị phá để chuyển đổi giống cây trồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu bảo tồn. Nếu không có kế hoạch bảo vệ rừng tràm làm vùng đệm thì các loài chim, cò… trong khu bảo tồn sẽ di trú nơi khác.

Người dân lén đốt rừng tràm trong vùng đệm của khu bảo tồn để chuyển đổi sang trồng khóm, lúa.
Người dân lén đốt rừng tràm trong vùng đệm của khu bảo tồn để chuyển đổi sang trồng khóm, lúa.

Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười được thành lập vào tháng 3-2000, thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước. Khu bảo tồn có diện tích 106,8 ha, trong đó có 36 ha tràm là khu trung tâm, nơi dẫn dụ chim mồi. Vùng đệm xung quanh khu bảo tồn được xác định có diện tích 1.800 ha, trong đó có 950 ha thuộc chủ quyền của dân, 850 ha thuộc chủ quyền của Cục V26, Bộ Công an.

Phần lớn diện tích vùng đệm của khu bảo tồn là rừng tràm. Diện tích vùng đệm thuộc chủ quyền của dân, được Nhà nước đầu tư trồng tràm rồi giao lại cho dân canh tác. Khu bảo tồn được tái tạo như một khu rừng nguyên sinh. Việc thành lập khu bảo tồn là nhằm bảo vệ hệ sinh thái trong vùng.

Ngay những ngày đầu khi mới thành lập, các anh em cán bộ khu bảo tồn đã bắt tay vào dẫn dụ các loài động vật hoang dã như chim, cò, vạc… về sinh sống. Từ con số không, đến nay đàn động vật hoang dã của khu bảo tồn ước khoảng hơn 10.000 con, gồm 27 loài động vật, trong đó có 5 loài quý hiếm: giang sen, cò ngàn, điên điển, diệc xám và diệc lửa.

Phó Giám đốc Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười Đoàn Thanh Tâm bồi hồi nhớ lại: Để có được đàn động vật hoang dã đông đúc như hôm nay, năm 2001, một đoàn cán bộ của khu bảo tồn phải đi Cà Mau đem cò, còng cọc, diệc xám, diệc lửa, cò ngàn và vạc (đã xử lý cắt cánh và tháo khớp 1 cánh) để làm chim mồi.

Đến đầu năm 2002 thì bắt đầu có cò, vạc, diệc xám… về sinh sống. Đến năm 2003 và 2004, đàn động vật hoang dã đã về với số lượng lớn, ngoài mong đợi của mọi người. Bên cạnh đó, Khu bảo tồn còn tạo môi trường sinh thái như: trồng cây, làm nhà mát, xây chuồng lưới xung quanh… tạo điều kiện cho chim chóc trở về.

Tuy nhiên, những nỗ lực của anh em cán bộ khu bảo tồn đang đứng trước nguy cơ “đổ sông đổ biển” vì không thể giữ được đàn động vật hoang dã. Nguyên nhân là do trong những năm gần đây, rừng tràm vùng đệm đã bị người dân khai phá dần để chuyển sang trồng lúa và khóm.

Lý do nông dân đốn tràm để chuyển đổi sang trồng lúa và khóm là do giá cây tràm sụt giảm không phanh, trong khi đó trồng tràm lại mất hơn 5 năm mới cho thu hoạch, vì vậy cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Chú Nguyễn Văn Bé, ở ấp 4 cho biết: Gia đình chú được Nhà nước giao 3 ha đất tràm thuộc vùng đệm của Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, cây tràm không thể nuôi sống cả gia đình có đến 4 miệng ăn, vì vậy chú đã bán bớt 1,5 ha. Phần đất còn lại, chú Bé phá tràm để trồng khóm và bạch đàn. Hỏi chú có biết phần đất rừng tràm của mình thuộc vùng đệm của khu bảo tồn không, chú bảo biết, nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên đành phải đốn tràm để trồng cây khác, có giá trị kinh tế cao hơn.

Phó Giám đốc Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười Đoàn Thanh Tâm bức xúc: Diện tích tràm trong vùng đệm ngày càng teo tóp dần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đàn động vật hoang dã đang sinh sống ở khu bảo tồn.

Nếu không còn rừng tràm vùng đệm thì khu bảo tồn không thể tồn tại, vì vùng đệm sẽ tạo môi trường sinh thái để các loài động vật hoang dã ăn, ở, sinh đẻ… Nhiều hộ dân sau khi phá tràm thì đào ao nuôi cá. Vì vậy, họ giăng câu, giăng bẫy, giăng lưới… để săn bắt chim, cò, không cho chúng xuống ao ăn cá.

Diện tích rừng tràm của khu bảo tồn bị teo tóp do người dân phá tràm trồng khóm (
Diện tích rừng tràm của khu bảo tồn bị teo tóp do người dân phá tràm trồng khóm (ảnh lớn). 2 nhân viên khu bảo tồn chăm sóc động vật hoang dã (ảnh nhỏ).

Trước thực trạng trên, trong buổi làm việc với Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Hải đã kiến nghị cần có phương án đền bù diện tích tràm vùng đệm xung quanh Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười; nếu triển khai chậm, người dân tự phát phá tràm trồng khóm, lúa, không giữ được diện tích tràm vùng đệm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đàn chim, cò… đang sinh sống, lưu trú tại khu bảo tồn.

Trước kiến nghị trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang chỉ đạo Sở NN&PTNT sớm xây dựng đề án đền bù diện tích tràm vùng đệm xung quanh khu bảo tồn sinh thái ở xã Thạnh Tân (cần chia ra nhiều giai đoạn để thực hiện), trình UBND tỉnh để thông qua HĐND tỉnh.

Trên tinh thần đó, Sở NN&PTNT đã xây dựng Đề cương nhiệm vụ khảo sát và dự toán Dự án đầu tư mở rộng Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Theo đó, diện tích khu bảo tổn hiện hữu là 106,8 ha, diện tích mở rộng khảng 516 ha, cụ thể như sau: Phía Nam của khu bảo tồn mở rộng đến kinh 500 (Bắc kinh Trương Văn Sanh), với diện tích 61 ha; phía Bắc mở rộng đến kinh 500 (Nam kinh Trương Văn Sanh), với diện tích 73 ha; phía Đông mở rộng đến kinh Xáng II, từ kinh 500 Tràm Mù đến kinh 500 Bắc Trương Văn Sanh, với diện tích 382 ha.

Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn đang chờ thẩm định. 

NG. CHƯƠNG
 

.
.
.