Thứ Ba, 11/09/2012, 08:20 (GMT+7)
.

Khẳng định vị thế “vương quốc” rau

Cùng với vú sữa, rau của Huyện Châu Thành có nhiều lợi thế phát triển so với nhiều địa phương khác. Song, nhiều bất cập và tồn tại đã làm cho cây trồng này chưa phát huy hết lợi thế, phát triển thiếu bền vững.

Những năm qua, huyện Châu Thành rất nỗ lực phát triển theo hướng bền vững qua việc ban hành nghị quyết của Huyện ủy chuyên đề về rau màu, UBND huyện ban hành kế hoạch phát triển cây trồng này, ngành Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng chất lượng.  

Được mùa rau.
Được mùa rau.

XÁC LẬP LỢI THẾ

Nghề trồng rau màu ở Châu Thành phát triển rất lâu đời, nông dân có nhiều kinh nghiệm đối với loại cây trồng này. Theo ước tính, toàn huyện có 1.600 ha trồng rau màu, cung cấp sản lượng 150.000 tấn các loại cho các tỉnh miền Đông, miền Tây và TP. Hồ Chí Minh.

Tại những nơi trồng đã hình thành nên các vùng chuyên canh tập trung với diện tích mỗi vùng từ 100-200 ha như rau má ở Tam Hiệp, Tân Lý Đông, Thân Cửu Nghĩa; rau diếp cá ở Nhị Bình, Đông Hòa…

Cơ sở hạ tầng  kỹ thuật vùng rau như thủy lợi, điện, giao thông nông thôn được đầu tư khá tốt, hỗ trợ đắc lực cho phát triển sản xuất rau.

Song, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, sản xuất rau ở Châu Thành còn nhiều bất cập, tồn tại những nghịch lý. Chất lượng rau chưa cao, chưa phát huy đúng mức thế mạnh, hiệu quả và thu nhập kinh tế còn thấp so với tiềm năng; sản xuất tự phát, manh mún dẫn đến chưa chủ động thị trường để tiêu thụ ổn định.

Để củng cố và phát triển vùng rau theo hướng bền vững, năm 2008, Châu Thành đã tiến hành xây dựng quy hoạch vùng sản xuất rau đến năm 2015. Đến năm 2011, Huyện ủy Châu Thành ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển rau màu.

Nghị quyết đã nhấn mạnh, phát triển sản xuất rau được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để phát huy lợi thế của huyện góp phần chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân và thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong, ngoài tỉnh, đặc biệt thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Tiếp theo đó, UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết về phát triển rau màu của Huyện ủy đến năm 2015. Dựa trên cơ sở đặc điểm đất đai, mức độ sử dụng đất, triển vọng sản xuất rau màu… huyện phân chia sản xuất rau màu thành 3 vùng chính.

Tiểu vùng I từ giáp tỉnh Long An đến đường nối tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ với Quốc lộ 1A, đường nối tỉnh lộ 870B với đường cao tốc. Nơi đây tập trung sản xuất rau ăn quả, rau ăn lá, trong đó rau má là chủ lực.

Tiểu vùng II gồm các xã Tam Hiệp, Long Định, Điềm Hy và 1 phần xã Nhị Bình sản xuất chủ yếu theo mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ màu.

Tiểu vùng III gồm xã Long Hưng, xã Thạnh Phú và một phần của xã Nhị Bình (Nam Quốc lộ 1A) sản xuất chủ yếu rau ăn lá, diếp cá, ngò gai, húng cây.

Từ đó, huyện đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 diện tích canh tác rau màu đạt 1.800 ha, trong đó có 500 ha rau má, 150 ha diếp cá, 120 húng cây, 60 ha ngò gai và 970 ha rau ăn lá, rau ăn quả và gia vị. Sản lượng đạt trên 160.000 tấn/năm và giá trị sản lượng trên 1 ha canh tác tăng từ 131 triệu đồng vào năm 2006 lên 270 triệu đồng vào năm 2015.

HƯỚNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN

Châu Thành là địa phương triển khai mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn đầu tiên của tỉnh, là vùng trọng điểm triển khai các mô hình, dự án về sản xuất rau an toàn. Gần đây, Châu Thành được tỉnh triển khai xây dựng 200 ha sản xuất rau an toàn nằm trong đề án xây dựng 500 ha rau an toàn trong toàn tỉnh.

Dù các mô hình trên gặp rất nhiều khó khăn do không có đầu ra, nhưng đây là cơ sở, tiền đề cho huyện tiếp tục phát triển vùng sản xuất rau theo hướng trên. Đồng thời qua đây cũng cho thấy, huyện rất quan tâm đến phát triển vùng rau theo hướng chất lượng, an toàn.

Cụ thể, UBND huyện đã đề ra kế hoạch đến năm 2015 phát triển 1.000 ha rau an toàn. Trước mắt, UBND huyện yêu cầu các xã có diện tích trồng rau phối hợp với các đơn vị chuyên môn của tỉnh, huyện tiến hành tập huấn, thành lập tổ sản xuất, xây dựng các mô hình trình diễn theo hướng an toàn.

Hơn 1 năm qua, các xã phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn tiến hành tập huấn, tổ chức đưa nông dân đi tập huấn, tham quan các mô hình trồng rau an toàn.

Tại xã Thân Cửu Nghĩa, trong năm 2011 và 2012, chính quyền xã đã tiến hành vận động nhân dân tham gia dự án vùng sản xuất rau an toàn và tham gia các chương trình tập huấn kỹ thuật trồng và phát triển cây rau màu trên địa bàn với 184 hộ trên diện tích 71 ha.

Nếu tính từ năm 2007 đến nay, xã có 504 hộ  được tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn với diện tích 156,7 ha. UBND xã Thân Cửu Nghĩa cũng đã tiến hành xây dựng quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên diện tích 30 ha với 140 hộ thuộc 1 phần của 2 ấp Cửu Hòa, Thân Bình nằm trong dự án QSEAP tài trợ.

Theo UBND xã Tam Hiệp, ngay từ năm 2011, xã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn cho 150 nông dân về kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 30 ha ở ấp 1, ấp 2, ấp 5. Ngoài ra, xã còn đưa nông dân tham gia tập huấn ở tỉnh và tham quan thực tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu để học hỏi kinh nghiệm.

Xã đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 50 ha ở các ấp 1, 2, 3, 5, 6 có 222 hộ nông dân tham gia, tổ chức đưa các hộ nông dân đi tập huấn kỹ thuật rau an toàn, VietGAP.

Ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, trong tháng 8 vừa qua, UBND huyện đã tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy về phát triển rau màu ở các xã. Qua đợt kiểm tra, các xã đã thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh rau phù hợp với định hướng phát triển của huyện. Đặc biệt, các xã chú trọng đến việc vận động, tập huấn nông dân sản xuất rau theo hướng an toàn, GAP, thành lập các tổ sản xuất.

“Khi các mô hình điểm đạt kết quả tốt, huyện sẽ nhân rộng, tiến đến hình thành vùng chuyên sản xuất rau an toàn làm cơ sở để đề nghị ngành chức năng chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn cho từng loại rau. Khi đủ điều kiện, huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng xây dựng thương hiệu và tiến đến sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP.

Hiện nay Hợp tác xã rau an toàn Thân Cửu Nghĩa còn gặp nhiều khó khăn do không tìm được đầu ra, các ngành chức năng huyện đã và đang củng cố và nâng chất hoạt động của HTX này, hướng đến xây dựng nhà sơ chế, đăng ký nhãn hiệu, đóng gói bao bì theo quy chuẩn cho rau an toàn của HTX”- ông Hòa nói.

N. VĂN
 

.
.
.