Thứ Hai, 24/09/2012, 10:05 (GMT+7)
.

Làng yến Long Bình: Nỗi lo to hơn nổi tiếng

Tại thời điểm giữa tháng 9-2012, nếu vào trang mạng Google gõ “làng yến Long Bình” và nhấp chuột sẽ cho ngay 1.010.000 kết quả (0,20 giây); gõ “nhà yến Khương Ninh, Long Bình” sẽ có 655.000 kết quả (0,24 giây) còn gõ “yến sào Mười Thiết Long Bình” sẽ nhận được 336.000 kết quả (0,23 giây).

Từ một vùng đất nông nghiệp, kém phát triển, tiềm năng kinh tế không có gì, bổng chốc “danh nổi như cồn”. Không chỉ trong nước mà cả ngoài nước. Thế nhưng trong sự “nổi tiếng” đó là cả “nổi lo” thường nhật của một vùng quê vốn yên ả.

KHAI THÁC “VÀNG TRẮNG” VÀ HỆ LỤY

Tất cả đều bắt đầu từ câu chuyện “chim yến làm tổ trong nhà ông Trần Văn Thiết (Mười Thiết)” để từ đó hình thành làng yến, thu hút nhiều “nhà đầu tư” là “đại gia” từ nhiều địa phương khác đổ về bỏ vốn tậu đất xây nhà nuôi yến, nhiều nhất là từ TP. Hồ Chí Minh, có cả công ty có vốn đầu tư nước ngoài như công ty Việt - Úc, có những chủ nhà nuôi yến là bà con người Việt đang định cư ở nước ngoài. Một số người đã có của ăn của để, thậm chí là khá lên, giàu lên nhờ vào mỏ “vàng trắng” trời cho này.

Khu vực trung tâm của làng yến lúc nào cũng có một vài công trình đang khẩn trương xây dựng làm cho “xóm mới” (gọi là xóm mới vì nó chỉ mới hình thành từ sau khi chính quyền Sài Gòn lập quận Hòa Bình vào năm 1965, đây là khu vực quận lỵ).

Cũng có thể gọi đây là “xóm nhà thờ” vì có một nhà thờ đạo Thiên Chúa gần đó) nghèo khó năm nào chỉ có vài ngôi nhà 2 tầng, trong đó có ngôi nhà mà những con chim yến hoang dã đầu tiên về trú ngụ và làm tổ của ông thợ hồ Để và hiện nay thuộc sở hữu của con rể ông (ông Mười Thiết) trở thành một khu dân cư sầm uất với hàng trăm nhà tầng đồ sộ, trong đó hơn phân nữa là nhà nuôi yến vừa cao vừa to nhất.

Để tự  bảo vệ  nguồn  nước mưa  cư dân  đã  “treo diều đuổi yến”.
Để tự bảo vệ nguồn nước mưa cư dân đã “treo diều đuổi yến”.

Sự nổi tiếng của làng yến Long Bình đến mức bây giờ không cần nhắc lại vì dường như mọi người dân ở đây cũng như dân đầu tư xây nhà nuôi yến, dân kinh doanh tổ yến, các “đại gia” thích ăn tổ yến và những ai lưu tâm tới vấn đề chim yến, tổ yến đều đã thuộc lòng câu chuyện và có thể kể “thiệt” cho bất kỳ ai muốn biết trong bất kỳ cơ hội nào, trong các đám tiệc hay ngoài quán xá.

Sự nổi tiếng này còn nhờ vào hàng loạt những bài viết đã được đăng tải trên các báo viết hay phát trên các đài phát thanh, truyền hình của Trung ương, của địa phương và của cả những địa phương bạn. Người dân ở đây còn thấy nhiều đoàn người có ta, có Tây ở những thời điểm khác nhau đã đến đây quay phim, chụp ảnh và phỏng vấn…

Thật đáng tự hào cho một vùng đất hẹp bao năm khốn khó, tuy không phải ở trong “hốc bà tó” nhưng rất ít ai biết đến tên đất, tên làng bổng chốc trở thành nơi “đất lành chim đậu” nổi tiếng vì một nghề “độc”. Và cũng đáng phải chúc mừng cho những chủ nhân của những ngôi nhà yến đã trở nên giàu có, chí ít là khấm khá nhờ vào cái “mỏ” riêng của mình.

Có một thời cả nhân dân và chính quyền địa phương rất hồ hởi, phấn khởi xen lẫn chút tự hào vì quê mình rất xứng danh với câu “đất lành chim đậu”. Nhưng qua thời gian và thực tế khắc nghiệt của cuộc sống đã làm cho mọi người sực tỉnh và hiểu ra rằng sự nổi tiếng nào cũng phải trả bằng những cái giá nhất định. Từ đây mọi người, kể cả chính quyền và cư dân bình thường ở đây mới cảm nhận được có quá nhiều nỗi lo

DÂN KHỔ VÌ “SỐNG CHUNG VỚI CHIM YẾN”

Tính đến giữa tháng 9-2012 toàn xã Long Bình có 67 nhà yến lớn, nhỏ nhưng tập trung chủ yếu ở ấp Khương Ninh, chiếm đến 56 nhà. Thực tế là hầu hết nhà yến chỉ được xây tập trung ở xóm mới (xóm nhà thờ), tức là một phần của ấp Khương Ninh, quần tụ xung quanh ngôi nhà yến “tổ” của ông Mười Thiết để “hưởng xái”.

Chỉ trên diện tích 20 ha (chiều dài gần 500 mét x chiều rộng cỡ 400 mét) đang là khu dân cư khá chật chội mà đã có đến 51 nhà, 5 nhà còn lại nằm rải rác ở khu vực phía tây nam của ấp.

Có lẽ đã đến lúc thay biệt danh “làng yến” thành “phố yến” rồi vì hiện nay, bất kỳ ở đâu, lúc nào cứ mở mắt ra là thấy nhà yến cao ngất chắn ngay trước mặt và tai thì điếc đặc tiếng chim kêu, cả tiếng chim thật và tiếng ghi âm phát ra từ máy và lúc nào cũng có đâu đó một công trình nhà yến đang thi công nhộn nhịp.

             Trường mẫu giáo bị “bao vây”

Trường Mẫu giáo Long Bình nằm lọt thỏm giữa bốn bề nhà yến, những nhà gần nhất chỉ cách tường các phòng học chừng chục mét, nhất là ở hướng tây và hướng bắc. Hướng đông và đông bắc chừng năm mươi mét; hướng tây nam và hướng đông chừng trăm mét.

Nhưng cứ theo xu thế hiện nay mà không có những quy định cụ thể của nhà nước thì trong tương lai gần trên miếng đất trống vài ngàn mét vuông giáp ranh phía nam của trường người ta sẽ xây nhà yến, không phải một mà có thể vài ba cái.

Ở hướng đông bên kia đường tỉnh 877A là trung tâm làng yến. Sát đó, cánh đồng hẹp ở phía tây, nhiều thửa đất, mảnh ruộng đã được người dân “tự quy hoạch”, chuyển nhượng công khai có, ngấm ngầm có và ngồi chờ nhà nước cho phép, thậm chí là chỉ cần nhà nước “làm thinh” thì lập tức hàng loạt nhà yến sẽ được xây.

Ngay tại thời điểm này, từ trong phòng học của các cháu mẫu giáo lúc nào cũng “rộn tiếng chim” từ bên ngoài dội vào ở mức ồn ào khó chịu, có khi át cả tiếng cô, tiếng cháu.

Trong vài năm tới, nếu không có gì thay đổi chắc chắn trường Mẫu giáo Long Bình sẽ trở thành “cục nhưn” của “cái bánh” nhà yến khổng lồ. Lúc đó, có lẽ trường học sẽ hoặc là di dời hoặc là giải thể.

Cả hai tình huống đều đặt ra cho chính quyền và ngành Giáo dục địa phương một bài toán khó và đối với nhân dân địa phương là điều bất lợi.

Cả khu dân cư giờ chỉ thấy những khối nhà bê tông đa màu nhưng phần lớn là màu xám xi măng “thống trị”.

Hình thù của những ngôi nhà yến cũng rất đa dạng. Có những ngôi nhà do chỉnh sửa nhiều lần theo phong thủy để có thể “hút” nhiều chim yến vào làm tổ có kết cấu nóc rất ngộ nghĩnh, cái thì giống ống khói lò “phản ứng hạt nhân”, cái thì giống quả bầu hồ lô khổng lồ, cái thì như pháo đài thời trung cổ ở phương tây…

Hệ thống cây xanh cũ bị triệt phá và không trồng lại những cây có đặc tính phát triển theo chiều cao vì có thể ảnh hưởng đến đường bay của chim.

Trong khu dân cư vốn đã có nhiều nơi bị ứ đọng nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi… gây ô nhiễm môi trường; nhiều lối đi công cộng bị lấn chiếm… làm phát sinh mâu thuẫn, xung đột lợi ích, khiếu kiện trong nhân dân mà chính quyền địa phương chưa giải quyết xong thì nay  càng tăng nguy cơ sau khi các công trình nhà nuôi yến mọc lên, gây khó khăn trong việc nâng cấp, mở rộng các con hẻm ở xóm nhà thờ theo tiêu chí nông thôn mới.

Vấn đề dịch bệnh, nhất là cúm gia cầm có thể phát sinh và phát triển ở loài chim yến hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Không ai dám khẳng định là có hay không làm cho sự lo ngại về sức khỏe của cư dân ở đây ngày càng lớn, tỷ lệ thuận với quy mô phát triển của số lượng nhà nuôi yến.

Điều cần nói thêm là để bảo vệ đàn chim yến “của mình”, chủ nhà một số nhà yến lặng lẽ sắm “đồ chơi” là những khẩu súng thể thao bắn đạn chì có cường lực tương đối lớn đủ sức để tiêu diệt mục tiêu là các loài chim khác được cho là khắc tinh của chim yến; trong đó có những loài chim có ích như chim cú mèo, chim heo, kể cả bồ câu nhà nếu dám bén mảng trên không phận khu vực này.

Ở đây chưa bàn tới chuyện phép tắc để sở hữu và sử dụng súng thể thao và vấn đề an ninh, trật tự, an toàn xã hội, mà chỉ đặt vấn đề cân bằng sinh thái, bảo vệ động vật hoang dã cũng mang nhiều hệ lụy. Do quy luật cạnh tranh sinh tồn thì ít mà do con người thì nhiều, có lẽ tương lai ở đây chim yến sẽ là loài chim duy nhất được quyền tồn tại!

Tùy theo quy mô, mỗi nhà yến đều có trang bị  máy cassette và hệ thống máy khuếch đại âm thanh loại hiện đại và công suất lớn để phát các đĩa ghi tiếng chim yến gọi đàn với một hoặc nhiều loa. Thời gian phát đồng loạt từ 4 giờ 30 – 5 giờ sáng cho đến 18 – 18 giờ 30, điện lưới cúp thì sử dụng máy phát điện nội bộ.

Có một “quy luật” lạ đời đang diễn ra ở đây là ở các nhà yến đơn lẻ hoặc mật độ thưa thì tiếng máy được điều chỉnh vừa phải. Ngược lại, ở những chỗ tập trung nhiều nhà yến liền kề lại thi nhau mở máy nhà mình phát càng lớn tiếng càng tốt. Đây cũng là một biểu hiện của sự cạnh tranh và dường như nhà nào có tiếng máy phát mạnh hơn thì chim sẽ tụ tập về nhà đó nhiều hơn, đương nhiên là sẽ có nhiều tổ yến và sẽ có nhiều tiền.

Khổ là khổ cho dân cư đang phải “sống chung với yến”. Là loài hoang dã nên chim yến cũng  không có “ý thức” trong việc thải phân, vì vậy mà trên nóc của tất cả những ngôi nhà trong “làng yến” đều ít nhiều có phân chim yến. Và, đã gọi là chất thải thì ít nhiều gì cũng có độc tố, phân chim yến cũng vậy.

Ngoài ra, còn phải kể đến những mầm bệnh cơ hội khác mà phân chim yến là môi trường thuận lợi cho sự phát triển và phát tán. Trong khi đó, dân nông thôn vẫn còn tập quán uống nước mưa sống, kể cả ở các quán ăn, uống cũng vậy. Chỉ trừ nấu ăn, pha trà là phải đun sôi nhưng có ai dám bảo đảm rằng trong phân chim yến không có những loại vi khuẩn có thể sống trên 1000C?

Vụ “Treo diều dọa yến” đã xảy ra ở làng yến Long Bình (thuộc ấp Hòa Phú, sát ranh ấp Khương Ninh) đăng trên một tờ báo ở TP. Hồ Chí Minh (ngày 17-8-2012) phản ánh những xung đột lợi ích tất yếu giữa người nuôi chim yến và cư dân, trong đó nổi lên hàng đầu là vấn đề nước mưa bị ô nhiễm do phân chim yến.

Hai người hàng xóm hoàn toàn có lý khi đòi được hỗ trợ tiền mua nước sạch vì không thể hứng nước mưa từ nóc nhà đầy phân chim. Đây chỉ là một vụ tranh chấp đầu tiên, đơn lẻ giữa hai chủ nhà liền kề với một nhà yến thuộc loại nhỏ nhất và chưa phải là ở khu trung tâm.

Ở khu trung tâm (xóm nhà mới ấp Khương Ninh) chỉ trên một diện tích mặt đất gần 20 ha mà có đến 51 nhà yến, hầu hết có quy mô lớn xen kẻ trong khu dân cư với trên 200 hộ; tổng số đàn yến của tất cả các nhà yến có thể lên đến hàng trăm ngàn con thì lượng phân của chúng thải ra trên nóc các ngôi nhà không phải nhỏ.

Xung đột lợi ích, sứt mẻ tình làng nghĩa xóm

Ngoài những điều kể trên còn có một chuyện rất quan trọng là mọi hoạt động của những ngôi nhà ở xung quanh có thể ít nhiều bị “kiểm soát” bởi hệ thống camera lắp đặt trong và ngoài, đặc biệt là bên ngoài các nhà yến.

Các họng kính camera vô tư chỉa vào mọi nơi, kể cả những vị trí nhạy cảm nhất của nhà láng giềng như cửa sổ phòng ngủ, nhà vệ sinh, nhà tắm… bất kể ở thời điểm nào. Không cần biết là những ống kính camera này có “thấy” được gì không bên nhà hàng xóm nhưng rõ ràng đây là chuyện không bình thường, làm xáo trộn sinh hoạt của đông dân cư.

Tất cả những chuyện này đều không có một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nào để điều chỉnh và chính đây là ẩn họa của những xung đột có thể bộc phát bất cứ lúc nào trong nội bộ nhân dân.

Tiếng là trung tâm làng yến, là nơi có mật độ nhà yến có thể là cao nhất nước hiện nay 51 cái/ 20 ha (tức 255 cái/ cây số vuông) và còn có khả năng tăng thêm nhưng Khương Ninh thực chất vẫn là ấp chưa thoát nghèo trong 8 ấp của xã Long Bình.

Ấp có đến 474 hộ với 3.000 khẩu nhưng chỉ có 57 ha đất nông nghiệp, vì vậy mà có đến ½ trên tổng số là hộ phi nông nghiệp, trong đó có 34 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo (năm 2012). Việc làm tại chỗ thiếu trầm trọng. Trong khi đó, trên toàn ấp có 57 nhà yến thì có hơn phân nửa thuộc sở hữu của những “đại gia” từ nơi khác đến, còn lại phần lớn là của những hộ vốn đã giàu hoặc khá.

Có thể, những nhà nuôi yến ở Khương Ninh nói riêng và ở Long Bình nói chung đã đem về lợi nhuận cực lớn được tính bằng trăm triệu hay tỷ đồng. Nhưng tất cả đều vào tay của thiểu số chủ nhà yến, còn tuyệt đại bộ phận cư dân địa phương (95%) không được hưởng tí ti lợi ích nào ngoài cái tiếng “dân làng yến” (!).

Thực tế là trong quá trình xây lắp, một số người lao động tại chỗ cũng được tuyển vào nhưng phần lớn chỉ làm… cu li, thời gian và số lượng cũng hạn chế. Những hoạt động như duy tu, bảo dưỡng, chỉnh sửa sau xây dựng thuộc loại lao động kỹ thuật cao mang tính đặc thù nên lao động địa phương không thể “rớ” vào.

Ngay cả chuyện trông coi nhà yến, nhất là những nhà yến có chủ là người nơi khác đến thì không tới lượt người tại chỗ, trừ vài trường hợp đặc biệt. Từ khi nhà yến được xây dựng rầm rộ, ở đây cũng không phát sinh thêm được một loại dịch vụ nào khả dĩ ăn theo. Ngược lại, một số diện tích đất ở, vườn tạp và kể cả ruộng mà quyền sử dụng vốn là của người dân sở tại đã chuyển nhượng cho người nơi khác đến.

Nói tóm lại, dù nghề nuôi yến ở đây có phát triển đến đâu đi nữa thì cũng không thể làm cho đại bộ phận cư dân sở tại, đặc biệt là những hộ phi nông nghiệp có thêm việc làm và thu nhập để có thể phát triển bền vững, nhất là những hộ nghèo hoặc cận nghèo.

Lời kết để ngỏ

Thật ra là từ hai năm trước, trong bài viết về “Làng yến Long Bình” cũng của tác giả, những nỗi lo này đã được nêu ra ở dạng dự báo. Được biết, chính quyền tỉnh Tiền Giang đã có chủ trương ngưng cấp phép xây nhà nuôi yến ở trong khu dân cư nói chung, trong đó có khu vực làng yến Long Bình nhưng điều đó không có nghĩa là những hệ lụy được chấm dứt.

Với nguồn lợi nhuận đầy hấp dẫn do nuôi yến lấy tổ mang lại người ta sẵn sàng bằng mọi cách, kể cả chuyện vi phạm các quy định của chính quyền địa phương, hoặc “chạy” để có thể sở hữu một, thậm chí là hai, ba nhà yến trong khu vực này.

Mặt khác, nếu như chính quyền địa phương có quyết liệt trong việc quy hoạch lại khu vực nuôi yến, xử lý nghiêm người vi phạm thì sẽ có giải pháp nào để làm dịu  những nỗi lo do thực trạng đang hiển hiện ở “phố yến” Khương Ninh - Long Bình. Chẳng lẽ cư dân sở tại phải “sống chung với yến” dài dài và trường mẫu giáo mới xây đó tiền tỷ lại phải dời đi?

Mọi thứ xin chờ những chủ trương đúng đắn và những giải pháp thích hợp, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

LÊ MINH HOÀNG


 

.
.
.