Nông dân khổ vì trồng sơri “chua”
Giá cả bấp bênh, đầu ra gặp khó khăn, đã làm cho nông dân trồng sơri Brazil ở TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông chán nản. Cầm cự không nổi, họ đành phải đốn bỏ để chuyển sang trồng rau màu.
Bà Ngô Thị Nguyệt, ấp Thuận Hòa (Long Thuận, TX. Gò Công) vừa đốn bỏ hơn 1 công đất trồng sơri Brazil để chuyển sang trồng màu. Gốc, nhánh và cành sơri còn nằm ngổn ngang. Bà Nguyệt cho biết, cây sơri giờ chỉ biết đốn làm củi chứ để chi cho chật đất.
Nông dân bức xúc khi sơri Brazil rớt giá. |
Ông Lê Văn Hiền, ấp Thuận Hòa, xã Long Thuận cho biết, trước Tết Nguyên đán 2012, giá sơri lên tới 5.500 đồng/kg, nông dân ào ạt đào mô, lên liếp trồng sơri. Đi tới đâu, họ đều tán thưởng cây sơri. Tuy nhiên, giá sơri xuống thấp, thương lái mua không nhiều nên nông dân đành phải chịu thua.
Đang loay hoay cùng nhân công phá bỏ vườn sơri 3 công đất để chuyển sang trồng rau màu, ông Hiền tâm sự: “Neo lại chờ giá thì lấy gì mà sống. Gia đình phụ thuộc vào 3 công đất trồng sơri này. Giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg không đủ chi phí sản xuất thì để làm gì cho tốn đất. Vậy mà thương lái còn chê lên, chê xuống”.
Gần đó, gia đình ông Phạm Văn Xong cũng đốn bỏ trên 200 gốc sơri 4 năm tuổi. Ông nêu lý do: Khi có thị trường tiêu thụ, giá cao, thương lái mua rất dễ; còn giá xuống thấp thì họ làm eo, làm sách. Bực mình quá, tôi đốn bỏ hết để chuyển sang trồng giống cây khác. Chừng nào giá lên cao rồi tính tiếp.
Vườn sơri 4 công của ông Trần Văn Bườm, ấp Thuận An (Long Thuận, TX. Gò Công) chín rụng đỏ đất. Ông Bườm than vãn: “Khổ lắm chú ơi! Giá sơri hiện nay không đủ bù vào công hái nữa. Không chỉ vậy, buổi sáng thương lái đặt mua sơri chín thì tới trưa lại nói chuyển qua mua sơri cam. Số sơri chín đành phải mang đi bỏ”.
Bà Ngô Thị Nguyệt (Long Thuận, TX. Gò Công) đốn sơri để làm củi. |
Bà Châu Thị Tuyết, Chủ nhiệm HTX sơri Gò Công (Long Thuận, TX. Gò Công) cho biết, HTX có 30 ha sơri Brazil nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 10 ha. Đa số nông dân đã chuyển sang trồng màu hay giống cây khác.
Tại huyện Gò Công Đông, nông dân đã đốn bỏ nhiều diện tích sơri và con số này sẽ tăng lên nếu như giá cả vẫn thấp. Ông Nguyễn Minh Nam, ấp Kinh Trên, xã Bình Ân cũng vừa đốn xong 2 công sơri Brazil.
Ông Nam nói: “Giá sơ ri xuống thấp khoảng 5 tháng nay, người trồng cố cầm cự để chờ giá. Không chịu nổi đành phải đốn bỏ”. Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ nhiệm HTX sơri Bình Ân cho biết, hiện nay nông dân đốn bỏ sơri Brazil rất nhiều để chuyển sang trồng giống sơri truyền thống. HTX có khoảng 14 ha nhưng nông dân đều chuyển sang trồng sơri Gò Công.
Theo thống kê, TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông có khoảng 280 ha trồng sơri. Trong đó, có 140 ha sơri Gò Công, 100 ha sơri Bến Tre (sơri ngọt) và 40 ha sơri Brazil (sơri chua). Theo những người trồng sơri Brazil, cây này được trồng ở vùng đất Gò Công năm 2008 do mau cho trái, trái to, năng suất cao. Tuy nhiên, giống sơri này vị rất chua, khó tiêu thụ ở thị trường nội địa, chỉ có thể xuất khẩu sang Nhật.
Nghiên cứu giống sơri để “cứu” nông dân Bộ Khoa học và Công nghệ vừa quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu canh tác cây sơri Nichirei - HPC, trực thuộc Công ty TNHH Nichirei - HPC tại ấp Hòa Bình (Bình Nghị, Gò Công Đông). Trung tâm là tổ chức khoa học công nghệ, có vốn đầu tư nước ngoài. Chức năng của Trung tâm là nghiên cứu, cải tạo và phát triển giống sơri ăn quả; nghiên cứu, phát triển và tư vấn kỹ thuật canh tác cây sơri; nghiên cứu và tư vấn kỹ thuật quản lý chất lượng trái sơri. |
Phòng Kinh tế TX. Gò Công cho biết, trước đây, Tổ hợp tác (THT) sản xuất và tiêu thụ sơri an toàn Thuận An, Thuận Hòa (xã Long Thuận) ký hợp đồng mua bán 6,49 ha sơri nguyên trái với Công ty TNHH Thịnh Phát; trong đó, Công ty TNHH Thịnh Phát đầu tư và thanh toán 1.000 cây giống sơri Brazil (giá 20.000 đồng/cây). Thời hạn hợp đồng 7 năm, từ ngày 31-1-2007 đến ngày 31-12-2014.
Năm 2008, Công ty TNHH Thịnh Phát có trao đổi với HTX sơri Gò Công (Tiền thân là THT Thuận An) điều chỉnh số lượng trồng cây sơri này từ 1.000 cây lên 1.535 cây.
Quy cách mua trái sơri có độ chín từ cam xanh đến chín nửa trái. Công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả theo từng thời điểm nhưng không thấp hơn giá tối thiểu thực hiện từng năm trong hợp đồng và THT không được phép bán cho đơn vị khác nếu không có sự đồng ý của công ty.
Theo yêu cầu của khách hàng và thị trường hiện nay nên Công ty TNHH Thịnh Phát chỉ mua sơri hàng chín 7kg/cây/đợt hái, không mua toàn bộ như hợp đồng đã ký. Số lượng 1.535 cây sơri Brazil hợp đồng đến nay đã 4 - 5 tuổi, cho năng suất 20 - 25kg/cây/đợt hái nên nông dân trồng sơ ri đang gặp khó khăn về đầu ra.
Năm 2008, một số hộ dân ở huyện Gò Công Đông ký hợp đồng trồng và tiêu thụ sơri Brazil với Công ty TNHH Thịnh Phát, với giá tối thiểu 3.000 đồng/kg. Sau ba năm trồng, sơri Brazil cho thu hoạch và được tiêu thụ với giá khoảng 5.500 đồng/kg. Nhiều người trồng sơri giống truyền thống (sơri Gò Công) thấy vậy liền đốn bỏ để trồng sơri Brazil nhưng không ký hợp đồng trồng và tiêu thụ với doanh nghiệp.
Do có nhiều người trồng theo phong trào nên diện tích sơri Brazil từ 7ha ban đầu đã vọt lên tới 25ha. Trong đó, diện tích trồng theo hợp đồng chỉ khoảng 18ha. Ban đầu, thị trường tiêu thụ tốt nên Công ty TNHH Thịnh Phát mua luôn sơri của những hộ không có hợp đồng. Gần đây thị trường xuất khẩu gặp khó nên công ty không mua sơri do nông dân trồng ngoài hợp đồng...
SĨ NGUYÊN - NGUYỄN SƠN