Thứ Ba, 04/09/2012, 08:00 (GMT+7)
.

Tân Phước: Chủ động ứng phó với lũ

Rút kinh nghiệm của mùa lũ năm 2011, ngay từ đầu năm 2012, huyện Tân Phước đã có bước chủ động chuẩn bị ứng phó khi có lũ lớn.

GIA CỐ, XÂY DỰNG MỚI Ô BAO

Về Tân Phước vào những ngày cuối tháng 8, chúng tôi đi trên đường Lộ Mới qua địa phận xã Mỹ Phước, nhìn về bờ đông của tuyến kinh, đất lô nhô, chiếc kober còn đang làm dở dang công việc, 2 chiếc xáng cạp đang neo đậu cách đó vài trăm mét.

Đây là 1 trong 8 công trình xây dựng ô đê bao đang thực hiện trên địa bàn xã Mỹ Phước để khép kín, bảo vệ những diện tích sản xuất phía trong vào mùa lũ tới và những năm tiếp theo. Gần đó, một cống hở phục vụ bơm chống úng cũng đang thi công.

Thi công ô đê bao bảo vệ khóm ở ấp Hưng Quới, xã Hưng Thạnh
Thi công ô đê bao bảo vệ khóm ở ấp Hưng Quới, xã Hưng Thạnh.

Ông Huỳnh Lâm Thiện, Phó Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Giảm nhẹ thiên tai (BCH PCLB-GNTT) xã Mỹ Phước cho biết, trên địa bàn xã có 21 ô đê bao, trong đó có 8 ô bao được huyện triển khai thực hiện trong năm 2012, đến nay đã cơ bản hoàn chỉnh với diện tích bảo vệ khoảng 850 ha.

Hiện nay, 5 ô bao mới hoàn thành đã tổ chức tổ bơm tát chống úng. Với các ô bao mới được hoàn thành cộng với các ô bao đã thực hiện trước đó, diện tích khóm trên địa bàn Mỹ Phước cơ bản được bảo vệ khi có lũ lớn.

Tại xã Hưng Thạnh, nhiều diện tích khóm năm rồi bị ngập hết và thiệt hại không nhỏ. Vừa qua, huyện đã cho xây dựng tại khu vực này 3 ô bao, trong đó 2 ô đã hoàn thành, còn 1 ô bao đang thi công, đã tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất.

Anh Nguyễn Thanh Vũ (ấp Hưng Quới), cho biết, lũ năm 2011 đã làm ngập 5 công khóm 3 năm tuổi. Từ đó đến nay, anh không dám trồng lại khóm vì lo lũ lớn và cũng chưa biết trồng cây gì “né” lũ. Giờ đây, Nhà nước xây dựng ô đê bao này anh tỏ ra vui mừng.

CHỦ ĐỘNG TỪ XA

Theo BCH PCLB-GNTT huyện Tân Phước, do thời gian dài không lũ, người dân trồng khóm tự phát ngoài đê lên khoảng 2.100 ha. Lũ năm 2011 làm thiệt hại, ảnh hưởng khoảng 900 ha. Bên cạnh đó, nhiều tuyến, đoạn đê bị sụt lún, mỏng chưa được gia cố kịp thời không đảm bảo cao trình, độ an toàn của đê nên công tác phòng, chống gặp lúng túng, cập rập.

Rút kinh nghiệm từ lũ năm 2011, ngay từ đầu năm 2012, BCH huyện đã tập trung triển khai công tác phòng, chống lụt, bão. Theo đó, BCH huyện làm việc với các xã có diện tích khóm ngoài đê bao: Thạnh Tân, Mỹ Phước, Hưng Thạnh để xúc tiến xây dựng, gia cố.

Đến thời điểm này, kế hoạch gia cố, xây dựng 14 ô bao với tổng chiều dài 40 km bằng nguồn thủy lợi phí cấp bù năm 2011-2012 đã cơ bản hoàn thành. Đối với những khu vực chưa có đê bao, huyện khuyến cáo người dân trồng những cây đảm bảo tránh lũ. Theo thống kê, trong thời gian qua, toàn huyện xây mới 49 ô bao với tổng diện tích sản xuất trên 5.000 ha.

Cống hở phục vụ cho công tác bơm chống úng  theo kế hoạch sẽ được hoàn thành vào ngày 22-9 tới
Cống hở phục vụ cho công tác bơm chống úng theo kế hoạch sẽ được hoàn thành vào ngày 22-9 tới.

Theo ông Huỳnh Văn Bườn, Phó BCH huyện, Tân Phước chống lũ triệt để bằng việc xây dựng các ô đê bao mới bảo vệ được cây khóm chứ không “sống chung” với lũ như một số vùng khác. Với quan điểm trên, bên cạnh việc kiện toàn BCH các cấp, triển khai công tác PCLB, phân công các thành viên BCH phụ trách các xã, cùng với nỗ lực của các cấp, ngành trên địa bàn huyện, sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện chủ động gia cố, xây dựng các ô đê bao bảo vệ cây khóm.

Đến nay, có 95% diện tích khóm đã có đê bao ngăn lũ (14.500 ha khóm). Ngoài ra, BCH huyện còn tiến hành nạo vét 5 tuyến kinh nội đồng để tiêu thoát nước. 

Dù vậy, theo ông Bườn, công tác phòng, chống lũ còn gặp một số khó khăn về điện để bơm thoát nước; hệ thống kinh nội đồng chưa được nạo vét  kịp thời; tình hình sạt lở ngày càng phức tạp, nhiều tuyến bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, cao trình không đảm bảo, thân đê mỏng.

Mặt khác, hiện nay toàn huyện có khoảng 600 ha lúa thu hoạch sau ngày 15-9, tập trung ở các xã: Phước Lập, Thạnh Hòa, Tân Hòa Tây. Từ đó, huyện đề xuất các ngành, các cấp có liên quan hỗ trợ huyện trong việc xử lý sạt lở, kéo điện 3 pha phục vụ việc bơm thoát nước, vận động người dân ký quỹ bơm tát, hỗ trợ kinh phí gia cố ô bao bảo vệ lúa, nạo vét kinh tiêu thoát nước chống úng cho diện tích sản xuất trong ô đê bao.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCH huyện, nhấn mạnh: Rút kinh nghiệm từ lũ năm rồi, năm 2012 huyện đã tập trung hoàn thiện các ô bao còn dở dang, lãnh đạo bà con sản xuất tập trung theo quy hoạch, những nơi nào có ô đê bao, vận động nông dân chuyển đổi cây trồng theo hướng trồng khóm, những nơi chưa có ô bao thì trồng những cây đảm bảo “né” lũ an toàn; tranh thủ các ngành, các cấp liên quan đề nghị kéo điện phục vụ cho bơm tát (đang triển khai); thành lập, củng cố các tổ bơm tát, sửa chữa, mua máy bơm kịp phục vụ chống úng.

“Huyện xác định công tác phòng chống lụt, bão là trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đối với kinh tế và đời sống của đại đa số người dân trong huyện. Huyện đã chỉ đạo dù có lũ lụt hay không thì việc bơm tát luôn chủ động; phải theo dõi sát, không được lơ là trong công tác phòng, chống thiên tai”- ông Mẫn nói.

N. VĂN
 

.
.
.