Thêm ưu đãi bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 2114/QĐ-BTC sửa đổi bổ sung một số quy định về bảo hiểm nông nghiệp tại Quyết định 3035/QĐ-BTC đã ban hành trước đó.
Nâng mức năng suất được bảo hiểm đối với cây lúa lên 90%
Cụ thể, quyết định mới đã nâng mức năng suất được bảo hiểm đối với cây lúa lên 90% năng suất bình quân xã hoặc của đơn vị được bảo hiểm thay cho mức 80% như quy định hiện nay.
Về các trường hợp sụt giảm năng suất lúa do thiên tai gây ra được bảo hiểm, ngoài các thiên tai bão, lũ lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá, sóng thần, xâm nhập mặn, quy định mới bổ sung thêm 2 loại thiên tai nữa là giông và lốc xoáy.
Thu hoạch lúa. Ảnh: Như Lam |
Bên cạnh các rủi ro dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, đạo ôn, dịch rầy nâu được bảo hiểm thì bệnh bạc lá và sâu đục thân cũng được bổ sung vào danh sách này.
Bảo hiểm bổ sung cho cây lúa
Về phạm vi bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm mức sụt giảm năng suất lúa gây ra bởi các rủi ro thiên tai hoặc sâu bệnh, bệnh/dịch bệnh trong thời hạn bảo hiểm.
Đối với bảo hiểm bổ sung, tại Quyết định 3035 quy định phạm vi bảo hiểm được mở rộng để bảo hiểm cho chi phí gieo trồng lại trong trường hợp trên 20% diện tích lúa thực tế trong xã bị thiệt hại trong thời gian cấy/sạ gây ra bởi các rủi ro được bảo hiểm.
Còn theo quy định mới thì phạm vi bảo hiểm được mở rộng để bảo hiểm cho chi phí gieo trồng lại trong trường hợp trên 5 ha lúa thực tế trong xã bị thiệt hại trong thời gian cấy/sạ gây ra bởi các rủi ro được bảo hiểm. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm một lần với số tiền bồi thường bằng 5% số tiền bảo hiểm của diện tích lúa phải gieo cấy/sạ lại.
Ngoài ra, quyết định mới cũng nêu rõ tỷ lệ phí bảo hiểm (tính bằng tỷ lệ % trên số tiền bảo hiểm) như sau: Nam Định và Thái Bình là 4,97%; Bình Thuận, Nghệ An và Hà Tĩnh là 4,53%; An Giang và Đồng Tháp là 2,19%. Tỷ lệ phí bảo hiểm này áp dụng cho tất cả các vụ trong tỉnh.
Bỏ điều kiện số lượng vật nuôi tham gia bảo hiểm
Về điều kiện bảo hiểm vật nuôi, theo quy định mới thì không còn điều kiện về số lượng vật nuôi tham gia bảo hiểm (trâu, bò, heo thịt tối thiểu 30% số lượng vật nuôi trong xã...). Quy định này nhằm tạo điều kiện cho tất cả hộ nông dân, cá nhân chăn nuôi trâu, bò, heo, gia cầm được tham gia bảo hiểm nông nghiệp khi có nhu cầu.
Ngoài ra, đối với bảo hiểm tôm/cá, thay vì quy định "người được bảo hiểm phải cam kết tham gia bảo hiểm toàn bộ các cơ sở nuôi trồng thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình trên cùng một địa bàn xã" thì tại quyết định mới không bắt buộc phải tham gia bảo hiểm toàn bộ các cơ sở mà chỉ "khuyến khích người được bảo hiểm tham gia bảo hiểm toàn bộ các cơ sở nuôi trồng thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình trên cùng một địa bàn xã. Người được bảo hiểm có thể lựa chọn tham gia một hoặc một số cơ sở nuôi trồng".
(Theo chinhphu.vn)