Thứ Sáu, 14/09/2012, 11:16 (GMT+7)
.

Thức ăn thủy sản: Nhu cầu giảm, giá vẫn tăng

Những ngày gần đây, thị trường thức ăn thủy sản đã xảy ra điều nghịch lý khi giá thức ăn nuôi thủy sản đồng loạt tăng trong khi sức tiêu thụ thức ăn thủy sản trên thị trường giảm do dịch bệnh hoành hành, giá thủy sản thương phẩm giảm mạnh, nông dân thua lỗ phải treo ao.

Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là do ngành sản xuất thức ăn thủy sản đang phải chịu sự chi phối gần như hoàn toàn của các doanh nghiệp nước ngoài.

Thu hoạch cá tra.
Thu hoạch cá tra.

Thâu tóm thị trường

Mối quan hệ giữa các chuỗi mắt xích của quá trình sản xuất thủy sản từ thức ăn, con giống đến người nuôi trồng thủy sản, thu mua, chế biến xuất khẩu thì người nuôi thủy sản vẫn luôn chịu thiệt thòi nhiều nhất. Bởi, dù giá nguyên liệu đầu vào khâu nuôi có tăng, giá thành sản xuất cao đến đâu thì giá bán thủy sản thương phẩm vẫn phụ thuộc vào cánh thương lái, doanh nghiệp thu mua.

Điều này khiến nông dân lắm khi phải chịu cảnh sản xuất thua lỗ hay hòa vốn, và nếu không muốn tuân theo luật chơi này thì nông dân chỉ còn cách… nghỉ nuôi.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản thì khác, họ không bao giờ “chịu” lỗ. Khi giá nguyên liệu đầu vào sản xuất, tỷ giá ngoại tệ hay giá xăng dầu tăng thì các doanh nghiệp này đều “có cớ” để tăng giá, thậm chí khi thấy giá các loại thủy sản thương phẩm ở mức cao, người nuôi có lãi lớn, diện tích nuôi tăng thì giá thức ăn thủy sản cũng tăng theo do “cháy hàng”.

Điều đáng nói hơn, giá thức ăn thủy sản trong thời gian qua chỉ có tăng chứ không hề giảm hoặc nếu có giảm thì cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Trên thực tế, tôm nuôi nước lợ là mặt hàng xuất khẩu có lợi thế nhất của ngành Thủy sản Việt Nam với giá trị xuất khẩu hàng năm hơn 2 tỷ USD. Tuy nhiên, phần cung ứng thức ăn thủy sản (chiếm từ 70-80% chi phí nuôi) lại hoàn toàn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Hiện nay, các công ty nước ngoài trong lĩnh này như: Uni-President, Grobest (Đài Loan), C.P (Thái Lan), Tomboy (Pháp)… đang gần như độc chiếm toàn bộ thị trường thức ăn cho tôm. Riêng 3 “đại gia” là Uni-President Việt Nam, C.P Việt Nam và Grobest đã chiếm tới 70-80% thị phần mặt hàng này.

Đối với ngành hàng cá tra, tình hình cũng chẳng mấy khá hơn, bởi theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, sự có mặt của một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn nuôi thủy sản trong nước trên thị trường hiện nay như: Việt Thắng, Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Cỏ Mây… là nhờ các doanh nghiệp này cung ứng thức ăn cho các vùng nuôi cá tra nguyên liệu riêng của doanh nghiệp, chứ không phải hoàn toàn do phân phối ra thị trường.

Ở phân khúc thị trường này, các công ty ngoại như Uni-President, Grobest, C.P, Green Feed, Cargill (Mỹ), Proconco (liên doanh với Pháp)… cũng chiếm đến 60-70% thị phần.

Áp lực cho nông dân

Những ngày này đi vào các vùng nuôi thủy sản, đâu đâu cũng nghe bà con than vãn chuyện giá thức ăn nuôi thủy sản tiếp tục tăng khiến chi phí nuôi “đội lên”, trong khi dịch bệnh tăng cao, giá thủy sản thương phẩm giảm mạnh.

Ông Nguyễn Văn Trung, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông cho biết, từ đầu năm đến nay giá thức ăn cho tôm đã tăng 2 lần với mức tăng tổng cộng 1.500 đồng/kg. Hiện thức ăn cho tôm sú giai đoạn tôm từ 3 - 4 tháng tuổi có giá 36.500 đồng/kg, thức ăn cho tôm thẻ chân trắng từ 2 - 3 tháng tuổi có giá 29.000 đồng/kg. Còn đối với thức ăn cho cá tra giá cũng vừa tăng từ 300 - 400 đồng/kg tùy theo công ty.

Trong khi đó, theo Bộ NN&PTNT, tính đến trung tuần tháng 7-2012, Sóc Trăng có 11.649 ha tôm nuôi bị thiệt hại, chiếm 40% tổng diện tích xuống giống; Cà Mau có 11.500 ha tôm nuôi bị bệnh; Bạc Liêu có 10.000 ha; Tiền Giang có 650 ha thiệt hại, chiếm 35% diện tích.

Những con số này cho thấy nhu cầu thức ăn tôm trên thị trường giảm mạnh do tôm phải “thu hoạch sớm”. Bên cạnh đó, diện tích thả nuôi cá tra năm nay cũng giảm so với cùng kỳ năm trước do giá cá ở mức thấp trong thời gian dài, người nuôi thua lỗ.

Nhiều người nuôi thủy sản cho biết, năm ngoái, dù giá thức ăn tôm tăng khoảng 10 lần nhưng nông dân không lo lắm do giá tôm thương phẩm ở mức giá cao “kỷ lục”, người nuôi vẫn có “lãi khủng”. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản đã lợi dụng tâm lý này của nông dân để “té nước theo mưa”, nhưng tăng rồi không thấy giảm.

Tuy nhiên, năm nay tình hình đã khác hẳn, giá tôm giảm đến 50%, giá cá tra thương phẩm luôn dưới giá thành sản xuất, nên thức ăn thủy sản chỉ cần tăng giá dù chỉ một lần là nông dân lại “tăng xông”. Do đó, để giảm sự phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp, hiện nhiều người nuôi tôm, cá đang tính chuyện trở lại sử dụng thức ăn tự chế để giảm chi phí.

Cần có giải pháp bình ổn hiệu quả

Trước tình trạng nêu trên, bình ổn giá thức ăn là yêu cầu cấp thiết của người nuôi thủy sản trong giai đoạn hiện nay để họ đỡ được phần nào áp lực trong sản xuất, nhưng để làm được điều này lại không dễ. Bởi về luật, Nhà nước không can thiệp sâu vào việc kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ khuyến cáo doanh nghiệp xem xét lại giá thức ăn cho hợp lý, hài hoà lợi ích của các bên tham gia chuỗi sản xuất.

Trong khi đó, giải pháp tẩy chay những doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản bán giá cao vô lý theo đề xuất của một số chuyên gia ngành Thủy sản thì khó có thể thực hiện do người tiêu dùng Việt Nam, nhất là nông dân chưa có thói quen này. Và khi các doanh nghiệp ngoại đã “bắt tay” nhau thì nông dân cũng khó có thể tẩy chay được họ. Do đó, về lâu dài, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình, người nông dân vẫn cần có giải pháp hiệu quả hơn từ phía cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, nông dân cần liên kết với nhau hình thành một vùng nuôi lớn, một tổ chức nuôi thủy sản lớn (dưới dạng các hợp tác xã, hiệp hội…) để từ đó có thể đàm phán về giá cả, chất lượng với các nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản. Việc liên kết còn giúp người nuôi giảm chi phí sản xuất thông qua việc mua thức ăn trực tiếp từ nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản với giá gốc, từ đó hạn chế được những “tổn thương” khi giá thức ăn thủy sản tăng.

THÀNH CÔNG

.
.
.