Thứ Hai, 03/09/2012, 12:54 (GMT+7)
.

Xoay trở với giá xăng dầu tăng

Chỉ trong vòng 1 tháng mà giá xăng dầu trong nước tăng đến 4 lần. Hiện giá xăng A92 ở mức 23.650  đồng/ lít, dầu diezen 21.850 đồng/ lít, dầu hỏa 21.900 đồng/ lít. Việc giá xăng dầu liên tục điều chỉnh tăng với mức cao và trong khoảng thời gian ngắn không chỉ gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải, mà còn tác động đến đời sống người dân.

Cước vận tải “khó” tăng

Xăng tăng, tác động mạnh nhất là những người làm việc, sản xuất sử dụng nhiều xăng dầu, điển hình là ngành vận tải. Mặc dù, xăng dầu tăng giá gần một tuần qua nhưng giá cước xe taxi, vận tải hàng hóa, chở khách cho đến “dịch vụ vận tải bình dân” như xe “ôm”, xe vận tải nhỏ… vẫn chưa tăng giá. Riêng giá vé xe buýt ở hầu hết các tuyến đều vẫn giữ nguyên chưa tăng.

Ngành Vận tải
Ngành Vận tải "đau đầu" với xăng, dầu tăng giá.

Ngày 1-9, tại cổng Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, nhiều người hành nghề xe “ôm” cho biết, mặc dù giá xăng tăng nhưng cước xe “ôm” chưa thể điều chỉnh tăng lên.

Anh Nguyễn Văn Nhơn, một tài xế xe “ôm” cho biết: “Từ bệnh viện này chạy về chợ Vòng Nhỏ trước đây là 10.000 đồng, nay xăng tăng giá, xin thêm khách 2.000 đồng mà cũng chẳng có ai chịu đi.

Mặc dù vậy nhưng cũng phải chạy, thà thu nhập giảm đi còn hơn mất khách. Bởi hiện tại chạy xe “ôm” cũng phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ các loại hình vận tải khác, nhất là xe buýt”.

Anh Võ Văn Bảy, chủ một xe tải nhỏ chở hàng hóa ở chợ đầu mối trái cây Thạnh Trị cho biết: “Xăng tăng giá kéo theo chi phí vận chuyển tăng theo. Tuy nhiên, với việc xăng dầu tăng giá liên tục như hiện nay khiến giới chạy xe tải nhỏ vận chuyển hàng hóa như chúng tôi cũng phải “đau đầu”, vì chẳng lẽ mỗi lần xăng dầu tăng giá (khoảng 10 ngày) là lại yêu cầu khách hàng trả thêm tiền".

Theo ông Lê Tấn Nẫm, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Ôtô Tiền Giang, giá xăng dầu liên tục điều chỉnh tăng trong khoảng thời gian ngắn sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, vì không thể tăng giá cước liên tục, mà không tăng thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động do có thể bù lỗ. Với khó khăn này mà hiện giá cước vận tải hàng hóa cũng như chở khách của công ty vẫn giữa nguyên chưa tăng. Đây cũng là điều mà công ty muốn chia sẻ khó khăn với khách hàng hiện nay.

Theo Công ty Taxi Mai Linh Tiền Giang, sau 3 lần giá xăng dầu điều chỉnh tăng (từ cuối tháng 7 đến ngày 13-8), giá cước taxi của công ty, với mức tăng 800 đồng/km đối với xe 4 chỗ và 1.000 đồng đối với xe 7 chỗ. Do đó, với đợt tăng giá xăng lần này quá gần với thời điểm mà công ty đã tiến hành điều chỉnh giá cước trước đó nên công ty sẽ không điều chỉnh tăng giá cước nữa.

Ông Nguyễn Quốc Thái, Giám đốc Công ty Taxi Mai Linh Tiền Giang cho biết: “Mỗi lần xăng dầu tăng, giảm giá nếu tiến hành điều chỉnh giá cước sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất, kinh doanh. Vì khi điều chỉnh giá cước sẽ rất khó khăn về thủ tục, thời gian như bắt buộc công ty phải điều động xe về để kiểm định lại đồng hồ tính cước, ra thông báo điều chỉnh giá cước đến khách hàng, chi phí nhân công… rất tốn kém”.

Ngư dân ra khơi là… lo lỗ

Giá xăng dầu tăng “chóng mặt” trong thời gian qua đã đẩy chi phí ra khơi đánh bắt, thu mua hải sản tăng cao. Ngư dân cố gắng bám biển nhưng canh cánh nỗi lo... lỗ vốn.

Ngư dân ra khơi nhưng lo bị lỗ vốn vì dầu tăng giá, chi phí bị “đội” lên.
Ngư dân ra khơi nhưng lo bị lỗ vốn vì dầu tăng giá, chi phí bị “đội” lên.

Ông Phạm Văn Đực (P.2, TP. Mỹ Tho), chủ 4 tàu thu mua hải sản ngoài khơi cho biết, mấy chuyến ra khơi thu mua hải sản từ đầu tháng 8-2012 đến nay, ông đều từ huề vốn cho đến lỗ do giá dầu tăng. “Giá dầu cứ tăng liên tục, ra khơi là cứ huề hoặc bị lỗ, đôi khi muốn cho tàu nằm bờ chờ giá dầu giảm bớt nhưng không ra khơi thì “bạn” tàu và cả gia đình lấy gì mà sống” - ông Đực than vãn.

Theo tính toán của ông Đực, chi phí mỗi chiếc tàu khi ra khơi thu mua hải sản trong một tuần là phải tốn khoảng 120 triệu đồng, trong đó tiền dầu khoảng 65 triệu đồng (3.000 lít). Với giá dầu hiện nay, chi phí sẽ “đội” lên thêm gần 6 triệu đồng.

Cùng cảnh ngộ, ông Trương Văn Trước (P.2, TP. Mỹ Tho), chủ 3 chiếc tàu thu mua hải sản ngoài khơi, mấy ngày nay cũng đứng ngồi không yên vì giá dầu tăng cao. “Chi phí đi biển cứ tăng lên, nếu cứ để tàu nằm bờ chờ giá dầu giảm thì không biết đến chừng nào, minh chứng là trong suốt tháng qua giá dầu cứ tăng chứ không giảm. Do đó, hiện giờ đi biển không khéo là lỗ nhưng không đi biết lấy gì mà ăn” - ông Trước than thở.

Đau đầu tính toán cách chi tiêu

Giá xăng, dầu tăng cùng với gas, sữa, điện đều đồng loạt tăng giá đã làm cho những người có thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng, trong đó có cả giới công chức đang “đuối sức” để đối phó với tăng giá. Có hàng trăm khoản phải chi trong khi thu nhập chờ mãi vẫn không thấy theo kịp giá.

Theo “hạch toán” của chị Thu Hương, một công chức làm việc trong ngành Giáo dục, hiện tại thu nhập hàng tháng của chị là 3 triệu đồng. Trước đây, chồng chị làm giám sát xây dựng nhưng một năm qua ngành này gặp khó khăn nên chỉ có thể phụ gia đình hàng tháng khoảng 1,5 triệu đồng. Tổng cộng thu nhập hàng tháng của vợ chồng chị là 4,5 triệu đồng.

Chỉ mỗi tiền sữa cho đứa con nhỏ của chị là đã khoảng 1,2 triệu đồng/tháng; tiền xăng đi lại hàng tháng của hai vợ chồng trước đây khoảng 700.000 - 800.000 đồng, bây giờ phải cộng khoản tăng thêm gần 1 triệu đồng. Số tiền còn lại chị phải chi trả tiền ăn uống cho cả gia đình, tiền điện, nước… “Nhiều lúc, đầu tôi muốn nổ tung vì có quá nhiều khoản phải chi, trong khi thu nhập chẳng thấm vào đâu”- chị Hương nói.

Nhằm giảm bớt khoản tiền đi lại do giá xăng tăng cao, phương tiện xe buýt đang là sự lựa chọn của nhiều người. Em Đỗ Huy Huân, sinh viên Khoa Xây dựng (trường Đại học Tiền Giang) cũng đành phải “trùm mền” chiếc xe gắn máy để đi lại bằng xe buýt hoặc xe đạp.

Còn chị Uyên Phương, ở xã Nhị Quí (Cai Lậy) là công nhân đang làm việc tại một công ty may ở thị trấn Cai Lậy, cũng chọn xe buýt làm phương tiện đi lại từ nhà đến nơi làm, để giảm bớt chi phí đi lại do giá xăng tăng cao.

Cùng với mối lo ngại giá xăng, dầu tăng sẽ kéo giá cả hàng hóa tăng theo là sự đau đầu trong tính toán cách chi tiêu đã làm không ít người phải cầu mong: Giá ơi, dừng lại!

PHƯƠNG NGHI

Một tuần sau khi xăng, dầu tăng giá thì giá các loại gia súc, gia cầm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng vẫn chưa tăng giá. Thậm chí, heo hơi và gia cầm hiện vẫn còn ở mức giá khá thấp. Cụ thể heo hơi có giá từ 39.000 - 43.000 đồng/kg; gà công nghiệp giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg tại trại. Riêng ở các chợ, thịt heo các loại có giá bán từ 80.000 - 110.000 đồng/kg tùy loại.

Tuy nhiên, giá bán lẻ các loại rau, củ, quả tăng khá cao. Cụ thể như: bí đỏ giá bán 16.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; đậu que 19.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg); đậu bắp 15.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg)… Theo các tiểu thương kinh doanh rau, củ, quả ở các chợ, do thời điểm giá xăng, dầu tăng đúng vào mùa ăn chay nên đã đẩy giá rau, củ, quả tăng cao trong khoảng một tuần qua.

Theo đại diện Co.opMart Mỹ Tho, Vinatex Mart Mỹ Tho, thì các siêu thị này đang nỗ lực giữ giá cả hàng hóa không tăng trong đợt xăng, dầu tăng giá này. Bởi các siêu thị này đang tham gia Tháng khuyến mãi lớn (tháng 9), đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào từ 3 - 4 tháng trước nên giá cả sẽ có thể ổn định cho đến hết tháng 9-2012.

 

.
.
.