13-10, Ngày Doanh nhân Việt Nam: Tổng lực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Có lẽ năm 2012 là năm mà doanh nghiệp “ chịu đau” nhiều nhất. Thông tin về doanh nghiệp “gãy đổ”, phá sản xuất hiện với tần suất khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nguyên nhân chính là do những tác động từ thị trường thế giới. Bởi khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, chỉ cần những cái “hắt hơi” của thị trường thế giới đã tác động ngay đến thị trường trong nước. Trong khi đó, lạm phát trong nước cứ “nhồi đi, nhồi lại” làm cho doanh nghiệp quá sức chịu đựng. Bức tranh kinh tế đầy những mảng tối dẫn đến “sức khỏe” của hầu hết doanh nghiệp bị suy giảm.
Thực tế này dẫn đến tình trạng sản xuất bị đình đốn, sức tiêu thụ kém, hàng tồn kho lớn dẫn đến những hệ lụy rất lớn. Ngay trên địa bàn tỉnh, tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng số doanh nghiệp nằm trong diện khó khăn, nguy cơ phá sản, giải thể cũng không phải là ít.
Doanh nghiệp rất vất vả vượt qua khó khăn. |
Trước tình thế khó khăn hiện tại, trước mắt mỗi doanh nghiệp đều lựa chọn phương cách riêng để vượt qua, có thể co cụm sản xuất, cắt giảm đầu tư, tiết giảm chi phí hoạt động... Tái cấu trúc hoạt động doanh nghiệp là bước đi cấp thiết hiện nay.
Song song đó, lãnh đạo tỉnh cũng hết sức quan tâm đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp và đề ra nhiều giải pháp kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ông Dương Minh Điều, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và ngân hàng gần đây nhất đã nhận định rằng, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, tuyên bố phá sản để lại nợ xấu cho ngành Ngân hàng. Trong nhiều năm liền, có thể nói trong năm nay nợ xấu ngân hàng tăng cao nhất và thời gian tới có chiều hướng tăng cao hơn khi một số doanh nghiệp tiếp tục tuyên bố phá sản.
Do vậy, ông Dương Minh Điều đề nghị các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các món vay có lãi suất cao trước đây để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp, cần nhanh chóng đánh giá lại tình hình tài chính, định hướng lại sản xuất - kinh doanh; rà soát, cơ cấu lại các khoản nợ vay ngân hàng nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng giải thể, phá sản…
Bên cạnh đó, Nhà nước đã nhanh chóng thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp. Nghị quyết 13 của Chính phủ được xem là liều thuốc hữu hiệu để góp phần rất lớn trong việc chống đỡ những khó khăn của doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường. Gói hỗ trợ của Chính phủ tập trung vào hai mảng lớn là ở chính sách thuế và lãi suất ngân hàng. Cả hai nhóm giải pháp này đang được triển khai thực hiện và phát huy tác dụng.
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ, ngành Thuế đã thực hiện việc miễm, giảm, gia hạn nộp thuế. Theo đó, đến đầu tháng 9, ngành Thuế đã gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng cho 2.415 doanh nghiệp vừa và nhỏ, với số thuế trên 124 tỷ đồng; gia hạn cho 10 doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trên 11,7 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên 17 tỷ đồng.
Miễn giảm tiền thuê đất đối với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đang được Nhà nước cho thuê, trả tiền thuê hàng năm cho 21 doanh nghiệp, với số tiền 3,3 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành Thuế cũng thực hiện việc miễn thuế môn bài năm 2012 đối với 272 hộ đánh bắt thủy sản và hộ làm muối, với số thuế 135 triệu đồng; gia hạn tiền sử dụng đất cho 3 doanh nghiệp với số tiền thuế 1,17 tỷ đồng…
Trong khi đó, nhóm giải pháp về lãi suất ngân hàng cũng đã đạt được mục tiêu đề ra. Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, lần đầu tiên lãi suất cho vay đã được ấn định mức trần, bên cạnh việc kéo giảm lãi suất huy động của các ngân hàng xuống còn 9%/năm như hiện nay. Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 15-7, lãi suất cho vay được kéo dần về mức tối đa 15%/năm.
Trong một hội nghị của ngành Ngân hàng gần đây, ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang cam kết rằng đến cuối tháng 9 không còn dư nợ có lãi suất trên 18%/năm và thực tế hầu hết các khoản vay từ các ngân hàng đã lùi về mức thấp hơn trước rất nhiều. Tuy mức lãi suất cho vay hiện tại chưa phải là mức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nhưng đã phần nào giảm được áp lực chi phí tài chính, nhất là đối với các khoản vay cũ.
Với lợi thế sẵn có và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ địa phương và Trung ương, nên trên bình diện chung, theo đánh giá của Sở Công thương, hoạt động của hầu hết doanh nghiệp trên các lĩnh vực có lợi thế vẫn đạt được kết quả khả quan.
Theo đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu 9 tháng qua đạt 686 triệu USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 79,8% kế hoạch năm. Xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực của tỉnh nhìn chung có tăng chút ít về số lượng nhưng phần nhiều đều giảm về giá trị.
Cụ thể như hàng thủy sản thực hiện 94.870 tấn, trị giá 232,7 triệu USD, tăng 11% về lượng nhưng giảm 1,7% về giá trị; gạo ước thực hiện 238.000 tấn, trị giá 97 triệu USD, giảm 15,7% về lượng và giảm 26,3% về giá trị; hàng rau quả ước thực hiện 7.760 tấn, trị giá 9 triệu USD, tăng 6% về lượng nhưng giảm 2,3% về giá trị… Nhưng dẫu sao, đây cũng là thông tin lạc quan cho các doanh nghiệp trong điều kiện hết sức khó khăn như hiện nay.
Tuy nhiên, chặng đường phía trước của các doanh nghiệp vẫn còn rất gian nan. Bởi thực tế gần đây cho thấy, việc tăng liên tục của giá xăng dầu, gas, điện lại đẩy các doanh nghiệp vào một thách thức mới. Chưa kể lạm phát đang có dấu hiệu quay trở lại do tác động từ những đợt tăng giá liên tục. Doanh nghiệp chưa ổn định sản xuất lại phải đối đầu với những thách thức mới.
Ông Đoàn Thành Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhận định, tới đây doanh nghiệp chỉ giảm một phần áp lực tài chính do lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm nhưng vẫn còn khó khăn. Vì trải qua thời gian bệnh nặng quá phải chờ cơ hội để phục hồi và phải chờ cả thị trường phục hồi.
Dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng sau những đợt trồi sụt vừa qua nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, chẳng hạn lĩnh vực xây dựng cơ bản khó trăm bề. Do cắt giảm đầu tư công, kể cả xem xét lại các dự án đang triển khai xem có hiệu quả hay không hiệu quả nên nhà thầu bị vướng không ít lượng vốn vào các dự án xây dựng dở dang. Doanh nghiệp nào ít công trình càng "khỏe", càng nhiều công trình càng nhiều khó khăn. Các nhà thầu đang phải cố gượng để vượt qua….
THẾ ANH