Thứ Hai, 08/10/2012, 10:45 (GMT+7)
.

Cảnh giác với dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi

Tại buổi sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi 9 tháng qua và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2012, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, 9 tháng qua tình hình sản xuất lúa đạt trên 100% so với kế hoạch, năng suất bình quân 6,1 tấn/ha; gia súc, gia cầm đều tăng so với kế hoạch; tổng sản lượng nuôi và khai thác thủy sản  đạt 163,5 ngàn tấn. Bên cạnh những thuận lợi thì diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu là 63.482 ha, giảm 14 ngàn ha so với năm 2011; diện tích nhãn bị nhiễm bệnh “chổi rồng” 6,2 ngàn/7,7 ngàn ha.

Ngoài ra, toàn tỉnh đã ghi nhận 8 đàn gia cầm có dấu hiệu của bệnh cúm A/H5N1 tại 7 xã/3 huyện với số con mắc bệnh là 16.732 con/tổng đàn 23,4 ngàn con, số tiêu hủy 11,6 ngàn con; xuất hiện 48 đàn heo có dấu hiệu bệnh heo tai xanh tại 15 xã/4 huyện với 1.061 con/tổng đàn 1,3 ngàn con và đã tiêu hủy 318 con.

Ảnh: Vân Anh
Diện tích nhãn bị nhiễm bệnh "chổi rồng" trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua khá cao. Ảnh: Vân Anh

Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi đã tập trung triển khai công tác tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, heo tai xanh và cúm gia cầm; tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên gia súc, gia cầm; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, lò giết mổ…

Tuy nhiên, “Công tác triển khai chống dịch “chổi rồng” tại cơ sở còn chậm, xuất hiện nhiều hộ đốn bỏ trong quá trình triển khai chống dịch. Công tác tiêm phòng đối với đàn vật nuôi còn thấp. Hồ sơ quyết toán tuy bị tẩy xóa nhiều nhưng có chữ ký xác nhận của chính quyền địa phương; chữ ký của các chủ nuôi gần giống nhau, tiêm phòng không đúng đối tượng”- ông Hóa cho biết những mặt hạn chế 9 tháng qua.

Trong 3 tháng cuối năm 2012, Ban Chỉ đạo tỉnh tập trung hướng dẫn lịch thời vụ xuống giống vụ lúa đông xuân 2012-2013; theo dõi sự tái nhiễm bệnh “chổi rồng” trên nhãn sau khi cắt tỉa, phun thuốc trừ bệnh; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh để phát hiện và xử lý kịp thời các loại bệnh nguy hiểm như: lở mồm long móng, tai xanh trên heo, cúm A/H5N1 trên gia cầm; theo dõi tình hình dịch bệnh trên tôm...

Ông Lê Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng phải cảnh giác với các bệnh lở mồm long móng trên gia súc, tai xanh trên heo, cúm A/H5N1 trên gia cầm, bệnh “chổi rồng” trên nhãn. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo tỉnh cần chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi thời gian qua.

Thời gian tới, ngành chức năng phải tập trung tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Khi có dịch xảy ra phải khẩn trương tiêm phòng, dập dịch và không để bùng phát; tập trung dập dịch “chổi rồng” trên nhãn. Quản lý chặt chẽ việc lập danh sách và chi hỗ trợ đối với cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra theo quy định của nhà nước. Các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc xử lý các lò giết mổ lậu, các điểm chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường…

SĨ NGUYÊN

.
.
.