Thứ Hai, 29/10/2012, 10:57 (GMT+7)
.

Nâng chất HTX Nông nghiệp: Tìm lời giải cho “bài toán” hóc búa

“Căn bệnh” yếu kém của hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) lâu nay đã được nói đến rất nhiều nhưng vẫn chưa có lời giải. Để đánh giá đúng thực trạng, từ đó tìm ra loại “thuốc đặc trị” hiệu quả cho kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã tiến hành khảo sát, điều tra tình hình hoạt động của các đơn vị này làm cơ sở củng cố và phát triển.

TRÊN 76% HTX NN TRUNG BÌNH, YẾU KÉM

Dù được các ngành, các cấp hỗ trợ, giúp đỡ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào các khâu sản xuất, kinh doanh như ứng dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất, sản xuất theo quy trình GAP, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch… nhưng hiệu quả hoạt động của HTX NN Quyết Thắng (Tân Phước) vẫn ì ạch.

“Vốn lưu động ít dẫn đến HTX không đủ khả năng đổi mới trang thiết bị, cũng như mở rộng dịch vụ kinh doanh, khó cạnh tranh trên thị trường, giá cả sản phẩm bấp bênh, xã viên chưa an tâm sản xuất, sản phẩm khóm đạt VietGAP chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững nên xã viên còn ngán ngại tham gia”- ông Bùi Công Thành, Chủ nhiệm HTX lý giải.

Đối với HTX Nông nghiệp Kinh doanh Tổng hợp Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho), là một trong số ít HTX làm ăn hiệu quả, thành lập từ rất sớm (trước khi có Luật HTX), có nguồn vốn tương đối khá cũng không thoát khỏi tình trạng chung.

“Khó khăn của HTX là giá cả sản phẩm bấp bênh; thiên tai, dịch bệnh bất thường ảnh hưởng lớn đến hoạt động HTX; chi phí sản xuất cao dẫn đến hiệu quả sản suất, kinh doanh không cao, rủi ro lớn”- ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ nhiệm HTX bày tỏ.

HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) đạt chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP đầu tiên trong tỉnh, được hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế nhưng giờ không có kinh phí tái chứng nhận, HTX đang gặp nhiều khó khăn, một số nhà vườn không thiết tha mô hình. (Ảnh: HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim thu mua vú sữa).
HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành) đạt chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP đầu tiên trong tỉnh, được hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế nhưng giờ không có kinh phí tái chứng nhận, HTX đang gặp nhiều khó khăn, một số nhà vườn không thiết tha với mô hình. (Ảnh: HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim thu mua vú sữa).

Còn theo ông Võ Hồng Sơn, Phó Chủ nhiệm HTX NN Kinh doanh Tổng hợp Bình Tây (Gò Công Tây), trong những khó khăn gặp phải, vấn đề quan tâm của HTX là không có đội ngũ cán bộ quản lý kế thừa.

Theo ông, cán bộ quản lý HTX hiện nay đã lớn tuổi, việc điều hành chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, sự nhiệt tình, chuyên môn, nghiệp vụ rất hạn chế, nhất là lĩnh vực tài chính, kế toán, không theo kịp cơ chế thị trường; trong khi đó những năm qua không có người trẻ nào có trình độ, chuyên môn chịu về làm việc cho HTX. Đây cũng là một số vấn đề chính yếu trong thực trạng khó khăn chung mà các HTX NN trên địa bàn tỉnh gặp phải.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 46 HTX NN đã đăng ký kinh doanh theo luật định với 22.368 xã viên trên địa bàn 38 xã, phường, thị trấn. Qua điều tra, khảo sát 44 HTX (do 2 HTX đang chờ giải thể từ chối cung cấp thông tin), chỉ có 9 HTX sản xuất, kinh doanh khá, giỏi (20,45%); 40% HTX trung bình và 36% HTX yếu kém (1 HTX mới thành lập chưa phân loại). Dù vậy, theo nhận định, kết quả thực tế HTX hoạt động khá, giỏi có thể thấp hơn do trong quá trình hoạt động, một số HTX chưa tự phân loại đúng theo các tiêu chí.

Tổng doanh thu các HTX NN 60,5 tỷ đồng, trong đó lãi 2,4 tỷ đồng, trung bình mỗi HTX lãi 91,7 triệu đồng. Có đến 14 HTX có khoản nợ khó đòi 5,9 tỷ đồng, 11 HTX có khoản nợ phải trả 3,5 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng, chia lãi cho xã viên, thuế và thuế đất.

Trong 40 chủ nhiệm HTX, chỉ có 7 chủ nhiệm HTX có trình độ trung cấp, còn lại đa số trình độ cấp III, một số khác chỉ được đào tạo thông qua các lớp ngắn hạn nên chưa đáp ứng yêu cầu quản lý của HTX trong nền kinh tế thị trường.

Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước ban hành còn rất hạn chế, chỉ có 4 HTX báo cáo tiếp cận dễ dàng, 40 HTX còn lại chưa tiếp cận được hay khó khăn trong tiếp cận. Trong 30 HTX có nhu cầu vay vốn nhưng chỉ có 11 HTX tiếp cận được nguồn vốn này do hầu hết chưa có tài sản thế chấp và chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, quản lý sổ sách kế toán không rõ ràng; một số cán bộ quản lý HTX hiểu biết quy định về thuế còn hạn chế dẫn đến làm không đúng quy định, bị ngành Thuế truy thu lớn như HTX Mỹ Thành (huyện Cai Lậy), HTX sơ ri Gò Công...

Hiện trạng trên dẫn đến mức độ kế thừa trong công tác quản lý và điều hành HTX rất thấp. Nguyên nhân được lý giải, do hiệu quả hoạt động thấp, không có chế độ lương tương xứng, HTX không thể trẻ hóa lực lượng quản lý.

Cụ thể, việc chi trả lương cho lao động tại các HTX NN bình quân trên 1,2 triệu đồng/người/tháng thấp hơn mức lương tối thiểu được quy định. Chỉ có 4 HTX trả lương cho lao động trên 1,4 triệu đồng/người/tháng.

CHUNG TAY THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Ông Đặng Tấn Lâm, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX NN Tiền Giang, tâm tư: “Được các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ nhưng tại sao HTX NN vẫn gặp rất nhiều khó khăn? Đó là do cán bộ thiếu năng lực quản lý, trình độ hạn chế, hoạt động không đều tay; phương án sản xuất, kinh doanh không sát thực tế, không phù hợp với điều kiện của HTX. Tháo gỡ những khó khăn của HTX NN cần sự chung tay của các ngành, các cấp và nỗ lực của HTX mới giải quyết được”.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho rằng trước mắt tập trung phân loại, tháo gỡ khó khăn cho các HTX; tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ HTX hoạt động; nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả; tập trung tuyên truyền về Luật HTX, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác.

Nhà nước cần bổ sung, ban hành thêm một số chính sách và thực hiện các giải pháp mang tính hỗ trợ về kinh tế để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế hợp tác và HTX phát triển; giới thiệu tham quan các mô hình HTX kiểu mới; thành lập HTX  khi hội đủ điều kiện, xuất phát từ nhu cầu người dân, không chạy theo phong trào; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX.

Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đặt câu hỏi: Vì sao cùng được các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ nhưng có một số HTX vượt lên khó khăn hoạt động tốt, trong khi phần lớn lại hoạt động yếu kém?

Theo ông, vấn đề là do bộ máy quản lý thiếu sáng tạo, thiếu chủ động trong sản xuất, kinh doanh, chưa tiếp cận chính sách của Nhà nước cũng như chưa tận dụng, khai thác hiệu quả các lợi thế, nguồn lực hiện có, còn trông chờ vào Nhà nước.

“HTX phải xác định yếu tố quyết định sự thành, bại của đơn vị là từ nội lực, từ sự năng động, sáng tạo trong hoạt động quản lý, kinh doanh của mình. Các chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết nhưng không là yếu tố quyết định. Các địa phương cũng cần nhìn lại cách quan tâm của mình đối với kinh tế hợp tác”- ông Minh nhấn mạnh. 

N.VĂN
 

.
.
.