Thứ Tư, 10/10/2012, 08:06 (GMT+7)
.

Triển khai gói tín dụng “giải cứu” ngành Chăn nuôi, thủy sản

Gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai thực hiện vào ngày 5-10 nhằm mục tiêu chung là hỗ trợ cho ngành Chăn nuôi, thủy sản vượt qua khó khăn hiện nay.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất cho vay cho các khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất (11%/năm) cho các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất, chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt heo, thịt gia cầm; nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 5 ngân hàng được chỉ định thực hiện gói tín dụng ưu đãi này, bao gồm: Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL, Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh Tiền Giang.

Ông Kiều Mạnh Minh, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Tiền Giang cho biết một số điều kiện để được hưởng ưu đãi lãi suất đối với các món vay mới về chăn nuôi, thủy sản:

- Đối với các đối tượng vay chăn nuôi mới có quy mô vừa và nhỏ, có mức vay từ 200 triệu đồng trở lên phải có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường do cơ quan chức năng cấp; có chích ngừa bệnh lở mồm long móng, ngừa H5N1.

- Đối với các hộ chăn nuôi có quy mô gia đình, có mức vay dưới 200 triệu đồng phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi và khuyến khích nên có hợp đồng tiêu thụ để khắc phục tình trạng heo, cá, gia cầm không bán được, cũng như khuyến khích tiêm phòng dịch bệnh.

Chăn nuôi được áp dụng mức lãi suất vay tối đa 11%/năm.
Chăn nuôi được áp dụng mức lãi suất vay tối đa 11%/năm.

Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Tiền Giang cũng lưu ý, đối với các khoản vay mới với lãi suất ưu đãi 11%/năm chỉ áp dụng cho mục đích vay vốn để chăn nuôi, chế biến thịt heo, gia cầm, cá tra. Trường hợp khách hàng vay theo mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp thì không áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi.

Đồng thời, Ngân hàng NN&PTNT Tiền Giang cũng thẩm định thận trọng những khách hàng mới nhằm ngăn chặn tình trạng nợ xấu từ nơi khác chuyển về Ngân hàng NN&PTNT. Hiện tại, dư nợ cho vay hộ sản xuất nông nghiệp tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Tiền Giang chủ yếu là vay theo mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp (VAC, VACR…).

Riêng dư nợ cho vay để sử dụng mục đích chăn nuôi heo, gia cầm, cá tra; chế biến thịt heo, cá tra đến ngày 31-8 là 328 tỷ đồng (trong đó chăn nuôi heo 299 tỷ đồng, cá tra 8,6 tỷ đồng, gia cầm 18 tỷ đồng; chế biến thịt heo và cá tra là 1 tỷ đồng).

Theo ông Kiều Mạnh Minh, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Tiền Giang là chi nhánh loại 1 và là chi nhánh duy nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thừa vốn, nên dễ cân đối nguồn vốn cho vay. Đến thời điểm này, tổng vốn huy động của chi nhánh khoảng 7.300 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay chỉ khoảng 5.300 tỷ đồng; trong đó, cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 90% trong tổng dư nợ. Do vậy, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Tiền Giang đủ sức cung ứng vốn cho nông dân theo chủ trương phát triển tam nông.

Dự kiến dư nợ của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Tiền Giang cho vay để sử dụng mục đích chăn nuôi heo, gia cầm, cá tra, chế biến thịt heo trong năm 2012 là 400 tỷ đồng và năm 2013 là 500 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Hòa, Giám đốc BIDV Chi nhánh Tiền Giang cũng cho biết, chi nhánh cũng dự trù khoản vốn cho vay đối với các đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó năm 2012 khoảng 685 tỷ đồng và năm 2013 là 822 tỷ đồng.

Về điều kiện để các đối tượng vay vốn ưu đãi cũng như điều kiện vay vốn thông thường mà BIDV đang áp dụng, chẳng hạn, đối với doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề chế biến thủy sản; có trụ sở đăng ký tại địa bàn tỉnh; có giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh môi trường; có phương sản xuất - kinh doanh khả thi; có tài sản đảm bảo nợ vay theo quy định của BIDV; có kiểm tra thực tế nhà xưởng chế biến và hoạt động kinh doanh của khách hàng…

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại của các ngân hàng tham gia thực hiện gói tín dụng lãi suất ưu đãi là chưa có nguồn vốn riêng từ Chính phủ để thực hiện gói lãi suất thấp. Ông Chu Quang Cù, Phó Giám đốc Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL Chi nhánh Tiền Giang cho rằng, hiện tại chi nhánh phải tự huy động nguồn vốn để cho vay, lãi suất huy động chấp hành theo quy định của ngành nhưng nguồn vốn vẫn có nền lãi suất bình quân trên 11%/năm. Do đó, nguồn vốn để cho vay ưu đãi có phần hạn chế, nhưng thực hiện chủ trương chung, từ nay đến cuối năm 2012 chi nhánh cũng sẽ dành 50 tỷ đồng để cho vay theo lãi suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và cả ngân hàng cũng đang trông chờ vào gói tín dụng 9.000 tỷ đồng cứu ngành chế biến và xuất khẩu cá tra. Gói tín dụng này đã được Chính phủ thông qua nhưng đến nay chưa được triển khai thực hiện. Thực hiện gói tín dụng này, theo dự kiến của Bộ NN&PTNT, sẽ có 60% hộ nuôi cá tra được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất 0,65%/tháng, thời gian vay 6 tháng, với số vốn khoảng 5.400 tỷ đồng.

Đối với các doanh nghiệp mua cá tra nguyên liệu từ các hộ nuôi mà doanh nghiệp ký hợp đồng, được hỗ trợ vay 1.440 tỷ đồng, kỳ hạn 4 tháng của ngân hàng. Đối với doanh nghiệp có vùng nuôi cá tra riêng, sẽ được vay với số vốn 2.160 tỷ đồng, kỳ hạn 6 tháng….

THẾ ANH

Năm “hạn” của ngành Chăn nuôi, thủy sản

Từ đầu năm đến nay, ngành Chăn nuôi và thủy sản liên tục chứng kiến những biến động bất thường và bất lợi. Điều bất lợi lớn nhất là giá bán liên tục rớt xuống, tiêu thụ khó khăn trong khi giá thức ăn lại tăng liên tục. Giá heo hơi hiện tại dao động từ 3,3 - 3,5 triệu đồng/tạ, cá tra từ 22.500-23.000 đồng/kg, gà công nghiệp từ 28.000 - 30.000 đồng/kg. Tất cả giá bán các loại đều nằm dưới giá thành.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Thông tin Thương mại (Bộ Công thương), giá thức ăn các loại đều liên tục tăng. Chẳng hạn, đối với thức ăn cho heo, giá cám hỗn hợp vừa tăng 300 đồng/kg và cám đậm đặc tăng 600 đồng/kg. Giá thức ăn thủy sản cũng đã tăng liên tục 2 lần, mỗi lần 250-300 đồng/kg đối với thức ăn cá tra và 800 - 1.000 đồng/kg đối với thức ăn tôm.

Dự báo giá thức ăn nuôi cá sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm do giá nguyên liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu tiếp tục tăng cao… Từ thực tế này, gói tín dụng với lãi suất ưu đãi được xem là để “ giải cứu” ngành chăn nuôi, thủy sản. Tuy nhiên, có tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi hay không còn là một câu chuyện khác.

 

.
.
.