Thứ Bảy, 20/10/2012, 08:53 (GMT+7)
.

Báo động tình trạng nợ đọng thuế

Danh sách nợ đọng thuế kéo dài, nhất là đối với các doanh nghiệp ngày càng tăng lên, mặc dù Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp miễn, giảm, giãn thuế. Điều đáng nói là không ít doanh nghiệp cố tình chây ỳ, bỏ trốn không nộp thuế.

Tập trung ở ngành Xây dựng, Dịch vụ

Danh sách doanh nghiệp nợ thuế thuộc diện Chi cục Thuế TP. Mỹ Tho quản lý phải thực hiện giải pháp cưỡng chế ngày càng dài thêm. Theo Chi Cục Thuế TP. Mỹ Tho, tổng số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp đến ngày 15-10 khoảng 14 tỷ đồng, trong đó nợ thuế không có khả năng thu do doanh nghiệp bỏ trốn trên 4 tỷ đồng.

Trong khối doanh nghiệp nợ thuế, doanh nghiệp trong nhóm ngành Xây dựng chiếm 60%; trong lĩnh vực dịch vụ, in ấn chiếm 30%; trong nhóm ngành Thương mại chiếm 10%. Gần đây, doanh nghiệp nợ đọng thuế kéo dài nổi cộm lên ở nhóm ngành Xây dựng, bơm hút cát, dịch vụ bảo vệ…

Nhiều doanh nghiệp trong nhóm ngành Xây dựng nợ đọng thuế kéo dài nhiều năm, với số tiền nợ thuế lớn như: Công ty cổ phần Đ.A, xã Tân Mỹ Chánh, với số tiền nợ thuế 438 triệu đồng; Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Xây dựng T.B, đến tháng 10 số tiền nợ thuế và phạt chậm nộp 467 triệu đồng; Công ty TNHH H.V 246 triệu đồng…

Danh sách doanh nghiệp nằm trong diện Chi Cục thuế TP. Mỹ Tho sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế do nợ thuế.
Danh sách doanh nghiệp nằm trong diện Chi Cục thuế TP. Mỹ Tho sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế do nợ thuế.

Ông Nguyễn Quốc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Mỹ Tho cho biết, nguyên nhân nợ đóng thuế là do nhiều doanh nghiệp không có vốn, chủ yếu sống nhờ vào vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, do không có tài sản thế chấp nên khó vay vốn từ kênh của các tổ chức tín dụng, nên chiếm dụng vốn vật tư, vật liệu xây dựng và nợ thuế.

Một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách của Nhà nước cho chậm nộp thuế nên không nộp thuế. Cũng có doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị các doanh nghiệp ngoài tỉnh chiếm dụng vốn dẫn đến doanh nghiệp của tỉnh phải nợ thuế…

“Tới đây Chi cục Thuế sẽ rà soát lại tất cả doanh nghiệp nợ thuế trên 90 ngày để phát hành thông báo cưỡng chế; đồng thời lựa chọn đối tượng để thực hiện cưỡng chế. Việc cưỡng chế cũng tuân theo trình tự quy định như: xác định số dư của doanh nghiệp tại ngân hàng; tiến hành kiểm tra tài sản; kiểm tra tài sản của người thứ 3 đang giữ; đình chỉ sử dụng hóa đơn, thu hồi mã số thuế… Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy, việc cưỡng chế nợ thuế cũng không đơn giản do phần lớn đối tượng nợ thuế không hợp tác, không có tài sản…”- ông Nguyễn Quốc Sơn cho biết.

Trước tình hình thu ngân sách của thành phố những tháng qua đạt thấp, nợ đọng thuế ngày càng tăng, nhất là đối với loại hình doanh nghiệp còn rất lớn, mặc dù ngành Thuế đã thực hiện nhiều biện pháp kể cả cưỡng chế, kê biên  tài sản nhưng nhìn chung chưa mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, ngày 8-10 Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Trần Văn Kết đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố.

Ban Chỉ đạo sẽ trực tiếp xử lý đối với các doanh nghiệp có số nợ thuế lớn; thành lập tổ giúp việc để tiến hành phân loại, đôn đốc, phối hợp các ngành có liên quan lập hồ sơ và đề xuất UBND thành phố ban hành quyết định cưỡng chế các đơn vị nợ thuế theo quy định.

Doanh nghiệp lớn nợ thuế lớn

Những năm gần đây, việc sản xuất - kinh doanh của không ít doanh nghiệp khó khăn do khủng hoảng kinh tế, do lạm phát… nên đối với các đối tượng nộp thuế do Cục Thuế tỉnh quản lý, tình hình nợ thuế cũng đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn.

Theo ông Phùng Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, tính đến ngày 31-8, số tiền thuế còn tồn đọng trên 280 tỷ đồng; trong đó nhóm nợ khó thu là 107 tỷ đồng, nhóm nợ chờ xử lý 2,8 tỷ đồng, nhóm nợ có khả năng thu là 169 tỷ đồng. So với  thời điểm 31-12-2011, số tiền nợ thuế toàn tỉnh tăng thêm 37,9 tỷ đồng.

Thu ngân sách đạt thấp

Tại hội nghị sơ kết công tác thu thuế 9 tháng do UBND tỉnh tổ chức ngày 15-10, ông Phùng Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, 9 tháng qua thu ngân sách đạt được 1.694 tỷ đồng, chỉ đạt 58,84% dự toán pháp lệnh và bằng 98,03% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân là một số nguồn thu chủ yếu đạt thấp như: Thu từ khu vực công thương nghiệp - dịch vụ ngoài quốc doanh chỉ đạt 45,85%; thu Lệ phí trước bạ chỉ đạt 57%; thu Tiền sử dụng đất chỉ đạt trên 48%. Theo đó, một số huyện, thị có mức thu đạt thấp như: Mỹ Tho chỉ đạt 58,91%, TX. Gò Công đạt 52,92%, Tân Phước chỉ đạt 50, 99%.

Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, số doanh nghiệp ngưng hoạt động tăng lên dẫn đến làm giảm nguồn thu; Nhà nước cắt giảm đầu tư công làm cho ngành Xây dựng gặp khó khăn, không có công trình xây dựng, không có doanh thu và không phát sinh số thuế phải nộp…

Điều đáng chú ý là có nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn đã nợ thuế từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng, tập trung ở nhóm ngành kinh doanh lương thực, xây dựng…

Điển hình là Công ty TNHH N.T.T kinh doanh gặp khó khăn, từ năm 2011 đến nay nợ thuế dây dưa kéo dài, với tổng số tiền nợ 36 tỷ đồng. DNTN T.H.T nợ thuế 10,4 tỷ đồng; DNTN H.H nợ thuế 26,4 tỷ đồng; Công ty TNHH Lương thực H.L nợ thuế 13,5 tỷ đồng; Công ty TNHH H.T.P nợ thuế 9 tỷ đồng… các doanh nghiệp này đã bị ngành Thuế ban hành quyết định cưỡng chế bằng hình thức đình chỉ sử dụng hóa đơn và thu hồi mã số thuế.

Trước tình hình nợ thuế kéo dài và có xu hướng ngày càng gia tăng, theo Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nộp thuế (Cục Thuế tỉnh), trong 9 tháng qua Cục Thuế đã ban hành thông báo tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp theo mẫu 07/QLN; ban hành thông báo về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo mẫu 09-TB/CCNT, với số tiền nợ thuế và phạt chậm nộp trên 177 tỷ đồng, đã thu 42,5 tỷ đồng.

Ngành Thuế cũng đã ban hành 14 quyết định cưỡng chế nợ thuế; trong đó có 10 quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản tiền gửi tại Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác, với số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp qua cưỡng chế thu được là 658 triệu đồng.

Theo lãnh đạo ngành Thuế, tình hình khó khăn của cả nước trong năm 2011 và các tháng đầu năm 2012 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất - kinh doanh, hàng hóa tồn kho lớn, lãi suất ngân hàng tuy có giảm nhưng nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay của ngân hàng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp còn chiếm dụng vốn lẫn nhau trong thanh toán tiền, hàng và trong nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Nhiều người nộp thuế, nợ thuế kéo dài chấp nhận phạt chậm nộp, dây dưa nợ thuế kéo dài. Đặc biệt là vào các tháng cuối năm 2011, tình hình kinh doanh lương thực của các doanh nghiệp ở khu vực Cai Lậy và Bình Đức (Châu Thành) lâm vào tình trạng phá sản, vỡ nợ không còn khả năng chi trả trong đó có tiền nợ thuế nên nợ thuế không giảm mà lại tăng lên.

Trước tình hình nợ đọng thuế có chiều hướng gia tăng hiện nay, đặc biệt là thực hiện công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo chỉ tiêu của Tổng Cục Thuế (đến ngày 31-12, số nợ thuế không vượt quá 5% trên tổng số thực hiện thu ngân sách), tới đây ngành Thuế sẽ tăng cường công tác rà soát, đối chiếu, phân loại tình trạng nợ thuế và nguyên nhân nợ thuế; phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện các biện pháp cưỡng chế; cương quyết xử lý những người nộp thuế cố ý chây ỳ nợ thuế, chiếm đoạt các khoản tiền thuế, tiền phạt liên quan đến thuế…

THẾ ANH

.
.
.