Chăn nuôi heo: “Bỏ thì thương, vương thì… nợ”
Giá thức ăn liên tục tăng, giá heo hơi giảm. Đó là nghịch lý mà người nuôi heo đang đối mặt. Nhiều người dân cho biết, heo đến thời kỳ xuất bán để trả nợ tiền thức ăn và đầu tư lứa mới nhưng vì giá quá thấp, bán thì lỗ mà giữ lại chờ giá lên thì tốn thêm chi phí. Hiện nay, người nuôi heo đang lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì... nợ”.
Tiến thoái lưỡng nan
Mấy ngày nay, bà Dương Thị Kiều Tiên, ấp 10 (Mỹ Thành Nam, Cai Lậy) phải chạy đôn, chạy đáo tìm thương lái bán bầy heo thịt 30 con đã quá lứa. Bà cho biết, khoảng 5 ngày trước, thương lái vào xem và đồng ý mua bầy heo thịt trên với giá 3,5 triệu đồng/tạ.
Bà Tiên đồng ý bán để trả nợ tiền thức ăn, thuốc thú y nhưng vài tiếng đồng hồ sau, thương lái này gọi điện thoại bảo giá heo đang giảm nên không mua. Bà tất bật tìm kiếm thương lái khắp nơi nhưng họ trả giá cho có rồi bỏ đi.
Cuối năm 2011 trang trại của bà Tiên lúc nào cũng có 50 heo nái, trên 200 heo thịt. Tuy nhiên, từ đầu năm 2012 đến nay, heo hơi liên tục rớt giá, thức ăn tăng cao khiến chuyện chăn nuôi thua lỗ kéo dài. Hiện trang trại của bà chỉ còn 20 con heo nái, 100 heo thịt và đã có 4 khung chuồng lớn bỏ trống nhiều tháng nay.
“Tôi cầm cự đến giờ này là lì lắm rồi, chứ ở đây người ta “treo” chuồng rất nhiều. Nếu giá heo như thế này mà thức ăn tiếp tục tăng thì trang trại của tôi cũng “treo” theo họ thôi!” - bà Tiên nói.
Các trang trại nuôi heo đã giảm đàn vì giá heo giảm, giá thức ăn tăng. |
Ở xã Bình Trưng, huyện Châu Thành có hơn 10 trang trại nuôi heo quy mô lớn. Mỗi năm, họ nuôi vài lứa với hàng chục tấn heo hơi cung cấp cho thị trường. Thế nhưng hiện nay, hầu hết họ đang gặp khó khăn vì giá heo quá thấp so với chi phí đầu tư.
Bà Trương Thị Lệ, chủ trang trại trên 1.000 con heo ở ấp Bình Phú cho biết, gia đình bà nuôi khéo nên bán được 4 triệu đồng/tạ heo hơi siêu nạc, giảm 1,3 triệu đồng/tạ so với giữa năm 2011. Theo bà Lệ, heo con có sẵn nhưng giá 4 triệu đồng/tạ thì chỉ phá huề; còn mua heo con về nuôi thì lỗ trên 1 triệu đồng/tạ.
Hiện trang trại của bà có 255 con heo nái đẻ, 280 heo thịt và 400 heo con. “Gia đình cố gắng giữ đàn để chờ giá lên. Bởi người nuôi heo ở đây “treo” chuồng gần hết. Đến lúc nào đó, giá heo tăng thì cảm thấy tiếc và tái đàn không kịp” - bà Lệ cho biết.
Còn ông Phan Văn Tiến, chủ trang trại heo ở ấp Mỹ Thạnh (Hòa Định, Chợ Gạo) than thở: Gia đình vừa vay 300 triệu đồng để giữ 60 con heo nái, 400 heo thịt. Bởi từ đầu năm đến nay, các đàn heo của trang trại ông bán ra dao động từ 3,7-3,9 triệu đồng/tạ, lỗ từ 300-500 ngàn đồng/tạ.
Trang trại chăn nuôi của ông Tiến là một trong những trại chăn nuôi heo lớn của huyện Chợ Gạo. Nhưng đàn heo của ông cũng chưa thoát ra khỏi quy luật nghiệt ngã - trồi sụt của thị trường và đang gặp không ít khó khăn do giá heo hơi liên tục giảm mạnh trong những tháng gần đây.
“Bán thì quá lỗ mà để lại chờ giá thì mỗi ngày phải mất thêm vài triệu đồng tiền thức ăn, đành phải bán để nuôi lứa mới chờ hy vọng” - ông Tiến bộc bạch.
Giá thứcăn tiếp tục tăng Hiệp Hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, ngày 25-9, một số công ty TACN bắt đầu cho tăng giá các loại cám thành phẩm. Theo đó, cám hỗn hợp tăng 300 đồng/kg và cám đậm đặc tăng 600 đồng/kg. Đây là đợt tăng giá thứ 3 kể từ tháng 8-2012 đến nay và là lần tăng giá cao nhất. Ở 2 lần trước, các công ty đều tăng giá cám hỗn hợp 200 đồng/kg và cám đậm đặc 400 đồng/kg. |
Vất vả là thế, tốn kém rất lớn nhưng sản phẩm mình làm ra không mang lại hiệu quả. Nếu bán thì không có lãi, mà giữ lại chờ giá có khi lại thiệt hại nặng hơn vì chi phí mỗi ngày một cao. Thế nên người chăn nuôi đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Nghịch lý giá heo
Trong khi người chăn nuôi heo không chỉ đối mặt vì đầu ra rớt giá thì liên tiếp trong tháng qua thức ăn chăn nuôi (TACN) heo có tới 3 lần tăng giá.
Chủ một đại lý TACN tại thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo cho biết: Các nhà sản xuất thức ăn gia súc nhãn hiệu lớn của C.P, Cargill, Green feed... đều tăng giá. Hiện tại, giá thức ăn của Công ty G. được xem là khá mềm nhưng cũng ở mức 11 ngàn đồng/kg cho loại nuôi heo thịt, tăng thêm 150-200 đồng/kg; còn loại dành cho heo con trên 20 ngàn đồng/kg và heo con sau cai sữa trên 14 ngàn đồng/kg, bình quân tăng thêm 5 ngàn đồng/kg. Thức ăn đậm đặc tăng mạnh hơn 400-600 đồng/kg.
Tính riêng chi phí thức ăn đã chiếm từ 70-75% giá thành chăn nuôi heo. Tìm cách hạ giá thành, một số hộ chăn nuôi chuyển sang mua tấm, cám bổ sung vào thức ăn. Thế nhưng hiện thời cả tấm và cám đều tăng giá so với tháng 8-2012: loại tấm mẳn (hạt nhỏ) giá 7.200 đồng/kg, tăng 2 ngàn đồng/kg; cám 5.600 đồng/kg, tăng hơn 1 ngàn đồng/kg.
Để có một lứa heo, người chăn nuôi phải mất từ 4-5 tháng. Những hộ nuôi heo quy mô trang trại thì chi phí đầu vào 100% các loại thức ăn công nghiệp. Theo chủ một số trang trại, hầu hết người chăn nuôi quy mô lớn hiện nay đều mua nợ cám của đại lý, khi xuất bán mới hoàn nợ. Vì thế chi phí lãi suất trong tiền thức ăn cũng tăng lên.
Hiện giá thịt heo được bán ở chợ từ 60-100 ngàn đồng/kg (tùy loại). Theo thương lái Nguyễn Thanh Tài, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, giá heo rẻ là do thị trường đã bão hòa. Người nuôi quá nhiều trong khi nhu cầu của người tiêu dùng không tăng mấy.
Tuy nhiên, xem ra lý do này không mấy thuyết phục. Bởi cung vượt quá cầu thì sao giá sản phẩm thịt bán ở chợ không giảm theo mà vẫn giữ ở mức cao. Đây đang là nghịch lý khiến người nuôi heo thốt lên: “Bỏ thì thương, vương thì… nợ”.
SĨ NGUYÊN