Thứ Bảy, 20/10/2012, 09:44 (GMT+7)
.

Dệt may cần vay vốn đầu tư mở rộng

Trái với tình hình thu hẹp sản xuất ở một số ngành, hiện có nhiều doanh nghiệp dệt may có nhu cầu vay vốn để đầu tư mở rộng.

Tại hội thảo về dệt may do Công ty Dun & Bradstreet (D&B) Việt Nam tổ chức hôm 19-10 tại TPHCM, ông Đậu Trí Dũng - Phó giám đốc phụ trách Ban Phát triển sản phẩm và Tài trợ thương mại của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết, trước hội thảo này, BIDV đã thực hiện một khảo sát đối với 15 doanh nghiệp dệt may.

Xuất khẩu dệt may sang Nhật Bản tăng trưởng tốt trong năm nay (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).
Xuất khẩu dệt may sang Nhật Bản tăng trưởng tốt trong năm nay (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Kết quả cho thấy, có 60% (tức 9/15 doanh nghiệp) cho biết có nhu cầu vay vốn trung/dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất. Ngoài ra, tất cả những doanh nghiệp trả lời khảo sát có doanh thu trên 10 triệu đô la Mỹ (5/15 doanh nghiệp) cho biết có nhu cầu vay trung/dài hạn.

Theo bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện nay tình hình xuất khẩu dệt may gặp khó khăn do nhu cầu tiêu dùng ở nhiều thị trường bị sụt giảm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình hình của từng khách hàng mà mỗi doanh nghiệp bị tác động khác nhau. Do đó, bên cạnh những doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất thì vẫn có những doanh nghiệp có thị trường tốt, và vẫn cần tăng cường đầu tư để cạnh tranh.

Hiện có những doanh nghiệp cổ phần phải huy động vốn bằng cách phát hành thêm trái phiếu và cổ phiếu để mở rộng đầu tư. “Nếu doanh nghiệp được tiếp cận tốt vốn của ngân hàng thì họ đã không phải tự xoay sở như vậy”, bà Dung nói với báo chí bên lề hội thảo trên.

Để đón đầu sự tăng trưởng trở lại của thị trường Mỹ cũng như cơ hội từ Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Saigon (Garmex Saigon js) đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Quảng Nam trong năm nay. Nhà máy dự kiến chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2013 với 12 chuyền may, có vốn đầu tư từ 45-50 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc Garmex Saigon, đầu tư tại thời điểm này có giá thấp hơn trước đây. Chẳng hạn, công ty nhập khẩu máy móc hiện đại của Nhật Bản, nhưng giá chỉ còn hơn 50% so với trước đó.

Ông Huỳnh Văn Nghi, Tổng giám đốc Công ty CP may xuất khẩu Phan Thiết (PTG), cho biết, từ năm ngoái công ty đã đầu tư xây dựng thêm một xưởng có 15 chuyền may (sử dụng 500-700 lao động). Xưởng mới này bắt đầu hoạt động vào tháng 4-2012.

Theo ông Nghi, từ trước đó, công ty và khách hàng Nhật Bản đã có lộ trình và chuẩn bị trước cho việc sản xuất. Hiện công ty đã có đủ đơn hàng làm đến tháng 3-2013 cho khách hàng Nhật Bản. Trong 9 tháng đầu năm, công ty đã xuất khẩu hàng may mặc sang Nhật Bản với giá trị 20 triệu đô la Mỹ, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

.
.
.